Tăng số lượng doanh nghiệp, sản lượng hàng tham gia bình ổn thị trường

05/04/2022 - 12:00

PNO - Chương trình bình ổn thị trường năm nay có 69 doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh tham gia. Sản lượng hàng hóa tăng từ 25% - 101% tùy nhóm hàng.

Theo ông Võ Lê Bích Đồng, Phó phòng quản lý thương mại Sở Công thương TPHCM, chương trình bình ổn thị trường (BOTT) năm nay có sự tham gia của 69 DN sản xuất, kinh doanh; đặc biệt có nhiều đơn vị quy mô lớn, thương hiệu mạnh, chiếm lĩnh thị phần cao. Điểm mới của chương trình năm nay là chia rõ 3 nhóm đối tượng tham gia thông qua 3 hình thức cung ứng hàng hóa, phân phối hàng hóa và hỗ trợ tín dụng.

Ông Trương Tiến Dũng, Phó chủ tịch Thường trực Hội Lương thực thực phẩm TPHCM (FFA), cho biết, do ảnh hưởng cuộc chiến Nga - Ukraine, từ đầu tháng 3/2022, chi phí đầu vào của DN tăng 20% - 30%. Điều này buộc một số DN phải tăng giá mặt hàng trứng, thịt gia cầm lên 5 - 14%. Các DN đang cố gắng kìm giữ giá các nhóm hàng, chấp nhận hạ lợi nhuận ở mức tối đa để chia sẻ với người tiêu dùng.

Ông Dũng đề xuất thành lập câu lạc bộ DN tham gia chương trình BOTT. DN trong câu lạc bộ có thể tương hỗ nhau tốt hơn. Chẳng hạn, hệ thống bán lẻ giảm chiết khấu 0,5% - 1% cho những DN cùng câu lạc bộ. Từ đó, giá thành sản phẩm DN đưa ra thị trường cũng giảm bớt. Đồng thời, các DN hội viên có thể cung ứng hàng hóa cho nhau, tiếp cận gần hơn nhà cung ứng, giúp sản phẩm của DN rẻ hơn, chất lượng hơn.

Giá thịt heo tham gia chương trình BOTT năm nay không tăng.
Các mặt hàng thịt heo tham gia chương trình BOTT năm nay không tăng giá

Theo ông Dũng, hiện nay DN đang gặp khó khăn ở nguồn vốn lưu động, Sở Công thương đã có nhiều chương trình kết nối với ngân hàng, tuy nhiên, DN khó tiếp cận được nguồn vốn theo điều kiện của các ngân hàng. DN mong muốn có sự hỗ trợ, đảm bảo để tiếp cận nguồn vốn lưu động thuận lợi hơn. DN cần nguồn vốn để đầu tư trang thiết bị hiện đại, chuyển đổi số để tăng năng suất, giảm giá thành sản phẩm.

Ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó giám đốc Sở Công thương TPHCM cho hay, Sở sẽ tiếp tục rà soát, tìm kiếm các nhà cung ứng mới có tiềm năng cùng tham gia chương trình BOTT. Đồng thời đẩy mạnh các chương trình hợp tác thương mại giữa TPHCM và các tỉnh thành, ngoài ra ưu tiên phát triển vùng nguyên liệu, cung ứng hàng hó cũng như đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng thương mại điện tử...

Chương trình bình ổn giá các mặt hàng lương thực thực phẩm thiết yếu có 39 DN tham gia, tăng 4 DN so với năm 2021. Lượng hàng đăng ký tăng mạnh, như: gạo tăng 27%, đường tăng 56%, dầu ăn tăng 101%, thực phẩm chế biến tăng 31%, gia vị tăng gấp 5 lần, lương thực khô như mì, bún, phở… khô tăng gấp 8 lần.

Vào các tháng thường, lượng hàng bình ổn chiếm từ 25% - 33% nhu cầu thị trường như dầu ăn 1.455 tấn/tháng, trứng gia cầm 50,8 triệu quả/tháng, thịt gia súc 3.962,5 tấn/tháng… Các tháng trong giai đoạn ứng phó khẩn cấp phòng chống dịch COVID-19, lượng hàng bình ổn chiếm từ 35% - 50% nhu cầu thị trường.

Chương trình các mặt hàng phục vụ mùa khai giảng có 11 DN tham gia, tăng 1 DN so với năm 2021. Lượng hàng cung ứng chiếm 35% - 50% nhu cầu thị trường như tập học sinh 20,48 triệu cuốn/mùa, đồng phục học sinh 428.000 bộ/mùa…

Chương trình các mặt hàng sữa có 7 DN tham gia, tăng 4 DN. Trong đó có 3 DN kinh doanh mặt hàng sữa chiếm thị phần cao tại Việt Nam như Vinamilk, TH Truemilk, Nutifood. Chương trình dược phẩm có 8 DN tham gia với 19 nhóm thuốc.

Chương trình các mặt hàng phục vụ người dân phòng, chống dịch COVID-19 có 4 DN tham gia gồm 2 nhóm hàng khẩu trang các loại (trừ khẩu trang chuyên dụng y tế) 7.543.524 cái/tháng, nước rửa tay sát khuẩn (nhiều quy cách) 23.672 lít/tháng.

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI