Giá cả tăng cao: Giải pháp nào để bình ổn thị trường?

25/11/2021 - 06:24

PNO - Trước tình trạng giá cả hàng hóa thiết yếu, lương thực thực phẩm tăng cao, nhiều chuyên gia, doanh nghiệp đã đề xuất các giải pháp để có thể bình ổn thị trường.

Doanh nghiệp chịu áp lực lớn

Ông Nguyễn Ngọc Luận - CEO thương hiệu Meet More Coffee - cho biết chi phí đầu vào như: đường, nhựa, bao bì… đã tăng gần 100% so với thời điểm trước đây. Trong khi thị trường đang trong quá trình phục hồi, sức mua thấp, doanh nghiệp (DN) phải chấp nhận không có lãi để không tăng giá sản phẩm (SP). Tuy nhiên, đến thời điểm cận tết, công ty buộc phải áp dụng mức giá nhẹ đối với một số SP cà phê, lộ trình tăng giá theo từng giai đoạn để đảm bảo không ảnh hưởng nhiều đến đối tác cũng như người tiêu dùng.

Ông Đinh Vĩnh Cường - Chủ tịch 365group.vn, Phó chủ tịch câu lạc bộ DN Việt Nam - cho rằng trong một năm qua, giá các mặt hàng xăng trong nước đã tăng tới 18 lần, giảm ba lần, với xăng E5/RON 92 tăng tổng cộng 9.775 đồng/lít, xăng RON 95 tăng 10.289 đồng/lít. Đã gần cuối tháng 11/2021, giá xăng RON 95 vẫn tiếp tục tăng, lên 24.996 đồng/lít, mức cao nhất trong bảy năm trở lại đây. Nền kinh tế Việt Nam đã chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch COVID-19, nhiều DN đã bị thiệt hại nặng nề, giờ chịu thêm tác động kép của giá xăng dầu, giá nguyên vật liệu là quá sức đối với DN. 

Co.opmart đang có hơn 500 mặt hàng riêng có giá bán thấp hơn mức giá chung từ 5 - 20% để bình ổn thị trường - ẢNH: N.CẨM
Co.opmart đang có hơn 500 mặt hàng riêng có giá bán thấp hơn mức giá chung từ 5 - 20% để bình ổn thị trường - Ảnh: N.Cẩm

Phó giáo sư - tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh - giảng viên Học viện Tài chính - cho biết thêm khi sản xuất thế giới phục hồi, nhu cầu tiêu dùng lớn trong khi chuỗi cung ứng chưa hoàn thiện thì giá cả sẽ tăng. Nền kinh tế Việt Nam đã hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới nên việc tăng giá này ảnh hưởng đến Việt Nam là lẽ đương nhiên. Với xăng dầu, chúng ta có các công cụ điều tiết là quỹ bình ổn giá, giảm thuế nhưng với việc các nguyên vật liệu khác tăng giá thì rất khó.

Chúng ta phải chấp nhận mức tăng này nhưng quan trọng là kiểm soát như thế nào để sự tăng giá nằm trong giới hạn và phù hợp với mức tăng của thế giới, ổn định tâm lý người tiêu dùng. Cần sự vào cuộc của cơ quan quản lý để tránh hiện tượng tích trữ hàng, gây sốt ảo, té nước theo mưa của người bán hàng. Thời gian qua Nhà nước có nhiều giải pháp kích cầu như hỗ trợ trực tiếp cho người dân bằng tiền (gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng) nhưng chỉ có tác dụng trong ngắn hạn.

Với DN thì giảm lãi suất, cơ cấu nợ, giãn các khoản thuế, tiền thuê đất… nhưng trong bối cảnh DN giảm doanh thu, lợi nhuận thu lỗ, không có nhu cầu vay mới thì các giải pháp giảm thuế, giảm lãi chưa có tác dụng lớn như  kỳ vọng. 

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho biết lạm phát tại nhiều nước trên thế giới đang tăng cao. Cụ thể như lạm phát tháng 10/2021 của Mỹ tăng 6,2% so với cùng kỳ (mức kỷ lục trong vòng 31 năm), ở châu Âu là 4,1% so với cùng kỳ (mức kỷ lục trong vòng 13 năm), chỉ số giá sản xuất của Trung Quốc cũng ở mức cao nhất trong 26 năm qua…

Tại Việt Nam, thời gian qua, giá một số nguyên vật liệu đầu vào tăng nhưng sự tăng giá này chưa phản ánh vào chỉ số giá tiêu dùng (CPI), bằng chứng là sau mười tháng nhưng chỉ số CPI tại Việt Nam chỉ tăng 1,81% là mức quá thấp so với chỉ số lạm phát đang tăng khắp thế giới. Lý do là do giá hàng hóa trong nước vẫn tăng chậm so với giá thế giới do tổng cầu còn yếu, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tăng thấp, có tháng bị âm, các DN chỉ mới phục hồi sau dịch. DN đang đứng trước khó khăn lớn là nếu phản ánh hết chi phí vào giá bán thì giá tăng, tiêu thụ đã thấp sẽ còn thấp hơn. Vì vậy mà phần lớn DN chấp nhận giảm lợi nhuận, chưa tăng giá. 

Theo ông Đinh Vĩnh Cường, cách tốt nhất trong bối cảnh hiện nay là cần giữ được ổn định giá xăng dầu, việc này sẽ rất tốt cho việc phục hồi và kiềm chế được tình trạng tăng giá của các ngành khác, giữ lạm phát. Đồng thời cần giảm chi phí đầu vào cho DN như giảm thuế giá trị gia tăng (VAT), cho nợ tiền bảo hiểm xã hội (BHXH), miễn giảm thuế môi trường… Chính phủ cần đưa ra các gói kích thích, hỗ trợ DN như nhiều nước trên thế giới đang làm. 

Ông Nguyễn Ngọc Luận cũng kiến nghị Nhà nước tính toán lại các chi phí, nhất là mức giá xăng dầu, điện (hiện chiếm khoảng 30% trong chi phí sản xuất) để hỗ trợ DN. “Nhà nước nên quan tâm giúp DN giải quyết vấn đề chi phí sản xuất bị tác động bởi tiền xăng dầu, điện nước. Tiếp đến là các vấn đề về thuế, phí cũng như các gói hỗ trợ tạo điều kiện cho DN phục hồi”, ông Luận nói. 

Phó giáo sư - tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh cho rằng giải pháp khả thi hiện nay là kích cầu nền kinh tế thông qua việc giảm thuế VAT. Giảm VAT không chỉ giúp tăng tổng cầu mà còn giúp tăng GDP.

Doanh nghiệp bình ổn giữ vai trò quan trọng

Theo ông Lê Huỳnh Minh Tú - Phó giám đốc Sở Công thương TPHCM - trước tình hình giá cả nhiều mặt hàng tăng hiện nay (trong đó có lương thực thực phẩm, hàng thiết yếu), các DN tham gia chương trình bình ổn thị trường của TPHCM giữ vai trò quan trọng trong việc dẫn dắt thị trường, điều tiết, bình ổn giá cả hàng hóa từ nay đến cuối năm. 

Là nhà phân phối nhu yếu phẩm, lương thực thực phẩm quan trọng và đã tham gia chương trình bình ổn thị trường nhiều năm, ông Nguyễn Anh Đức - Tổng giám đốc Saigon Co.op - khẳng định đơn vị có nhiều kinh nghiệm trong công tác điều tiết giá cả hàng hóa, góp phần bình ổn khi thị trường có biến động.

Để có thể giữ và giảm giá hàng hóa, đặc biệt là hàng thiết yếu, Saigon Co.op sẽ tùy theo diễn biến thực tế để áp dụng các giải pháp cụ thể. Đặc biệt, Saigon Co.op có các hợp đồng chiến lược ổn định giá cả hàng hóa dài hạn; đồng thời luân phiên thực hiện chương trình khuyến mãi giảm giá định kỳ với sự tham gia của nhiều nhà cung cấp, nhiều nhãn hàng và đặc biệt là luôn có nhóm hàng dự trữ, thay thế để người tiêu dùng có thêm lựa chọn.

Saigon Co.op không chấp nhận các đề nghị tăng giá bất hợp lý; với các đề nghị tăng giá có cơ sở, đơn vị này thường chia sẻ thông tin thị trường với nhà cung cấp, nhãn hàng để thống nhất đưa ra lộ trình phù hợp theo hướng đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng cao nhất. Ngoài ra, lượng hàng hóa mang thương hiệu riêng với hơn 500 mặt hàng của Saigon Co.op, có giá bán thấp hơn mức giá chung từ 5 - 20% gồm đầy đủ các nhóm hàng thiết yếu từ thực phẩm, hóa phẩm, may mặc, đồ gia dụng… cũng là nguồn hàng tham gia bình ổn giá hiệu quả. Hiện Saigon Co.op đang chủ động duy trì lượng lớn nguồn hàng bình ổn, tăng lượng hàng hóa dự trữ khoảng 20 - 30% vào các dịp cao điểm lễ, tết.

Bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TPHCM (FFA) - cho biết để bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, bình ổn giá hàng hóa dịp cuối năm, FFA đã trực tiếp trao đổi và khuyến nghị các DN chủ động xây dựng kế hoạch, thu mua chuẩn bị nguồn hàng, dự trữ nguyên liệu sản xuất đảm bảo đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trong thời gian tới, kể cả trong tình huống nhu cầu thị trường tăng cao. Đồng thời, FFA kết hợp triển khai nhiều biện pháp để có thể giữ giá ổn định, trong trường hợp bắt buộc phải tăng thì mức tăng cũng không cao và đột ngột.

“Chúng tôi tiếp tục kiến nghị UBND thành phố và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM hỗ trợ, kết nối các DN sản xuất, phân phối hàng thiết yếu phục vụ tết với các tổ chức tín dụng trên địa bàn để tiếp cận được nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi để có đủ nguồn vốn dự trữ hàng hóa, nguyên liệu để bình ổn thị trường dịp trước, trong và sau tết Nguyên đán”, bà Lý Kim Chi chia sẻ. 

Giá thịt heo cao do tiểu thương “mua rẻ bán đắt”

Trước tình hình giá thịt heo bán lẻ vẫn ở mức cao trong khi giá heo hơi giảm mạnh, ông Nguyễn Kim Đoán - Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai - cho rằng ngành công thương cần có giải pháp cân đối mảng sản xuất và tiêu thụ thịt heo cho phù hợp.

Vì sao giá heo hơi đang giảm, nhưng giá bán lẻ đứng ở mức cao và thậm chí tăng? Ông Nguyễn Kim Đoán cho rằng là do phần lợi nhuận của người bán cao gấp nhiều lần so với người chăn nuôi. “Tiểu thương lấy lý do việc giá xăng dầu tăng tác động đến giá bán thịt heo là chưa hoàn toàn thuyết phục. Tính đơn giản, một xe chở khoảng 50 con heo từ Đồng Nai đến TPHCM trước đây tốn 2,5-3 triệu đồng/xe, giờ có thể tăng lên 3,2 - 3,5 triệu đồng/xe, không nhiều để làm tăng giá thịt. Tiểu thương quen với tư duy “mua rẻ, bán đắt” nên người tiêu dùng bị thiệt”, ông Đoán lý giải.

Nguyễn Cẩm - Thanh Hoa - Quốc Thái 
 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI