Tan hoang "vàng trắng" trên đất Nam Đông

16/10/2013 - 15:45

PNO - PNO - Chỉ sau vài giờ, cơn bão số 11 đã tàn phá 160 ha cao su, 10,5 ha keo…ở các xã Hương Hòa, Hương Hữu và Thượng Nhật của huyện miền núi Nam Đông.

edf40wrjww2tblPage:Content

Cơn bão số 11 vừa đi qua đã gây thiệt hại nghiêm trọng tại huyện miền núi Nam Đông (Thừa Thiên Huế), đặc biệt đã có 170 ha cao su bị gãy đổ hoàn toàn.

Từ sáng sớm 15/10, tuyến đường từ La Sơn (H.Phú Lộc) đi Nam Đông đã bị cây cối gãy đổ phong tỏa. Phải mất nhiều giờ, các lực lượng khắc phục hậu quả bão lụt địa phương mới giải phóng được mặt bằng để thông tuyến. Hằng trăm ha rừng trồng của người dân cũng bị gãy đổ ngả nghiêng.

Tan hoang
Người dân xã Hương Hòa ngậm ngùi nhìn cao su gãy đổ

Trong khi đó, tại huyện miền núi Nam Đông, người dân cũng đang thắt lòng vì hàng trăm ha cao su bị gãy đổ sau bão. Nhiều năm nay, cuộc sống của người dân huyện miền núi Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên- Huế đã khấm khá hơn nhờ cây cao su đã đến kỳ khai thác.  

Đứng giữa rừng cao su ngã đổ ngổn ngang, ông Trần Xuân Lực (ngụ xã Hương Hữu) chỉ biết nhìn rừng "vàng trắng" của mình mà ứa nước mắt. Công sức gần 10 năm vun trồng, tạo dựng vườn cao su tiểu điền đang vào độ tuổi thu hoạch, trong phút chốc lại trắng tay. Ông Lực đau xót nói: "Hai ha cao su có được với bao mồ hôi, công sức của gia đình tui giờ thành công cốc. Nhờ cao su, bà con đi kinh tế mới như chúng tôi đã nuôi được con cái ăn học và có tiền để mua sắm các vật dụng trong gia đình. Bây chừ cao su không thu hoạch được, lại còn tốn gần 50 triệu đồng để thuê người đốn hạ, thuê  xe múc về san bằng lại vườn cao su". Theo ông Lực, có 2 ha cao su, trừ mọi chi phí, mỗi năm bà con cũng bỏ túi trên 100 triệu đồng. Giờ thì trắng tay.

Còn bà Trần Nguyên Hạnh, ngụ xã Thượng Nhật khóc suốt hai hôm nay. Diện tích vườn cao su của gia đình bà rộng gần 3 ha, sáng 15/10 bà Hạnh đi kiểm tra chỉ còn lại ...15 cây nguyên vẹn sau bão.  “Trắng tay rồi, giờ cao su không còn mà nợ ngân hàng gần 100 triệu đồng vốn vay đầu tư vẫn còn đó, chừ không biết lấy chi để trả nợ đây”.

Tan hoang
Trong phút chốc hàng chục tỷ đồng của người trồng cao su ở Nam Đông đã trôi theo cơn bão số 11

Ngay khi bão tan, bà Nguyễn Thị Thu Hòa, ở thôn 10, xã Hương Hòa, huyện Nam Đông vừa chặt dọn vườn cao su bị đổ ngã sau bão, vừa rơm rớm nước mắt. Mấy năm nay, khi chồng bà ngã bệnh, cả gia đình đều nương nhờ vào vườn cao su hơn 1ha để sinh sống, nuôi con ăn học. Bà Hòa kể, khi nghe tin bão số 11 đổ bộ, suốt đêm bà không thể chợp mắt. Sáng dậy, vườn cao su đã đổ rạp, gãy ngang thân, ứa ra từng dòng nhựa trắng. Hàng loạt gia đình ở xã Hương Hòa, huyện Nam Đông cũng rơi vào cảnh trắng tay sau bão vì cao su gãy đổ hàng loạt. Toàn xã có 50 ha cao su bị bão quật gãy nát.

Tại các xã Hương Phú, Hương Giang, Thượng Long… của huyện Nam Đông, các vườn cao su cũng bị thiệt hại nặng. Năm 2006, bão Xangsane cũng đã làm gãy đổ gần 1.000 ha cao su của huyện Nam Đông. 7 năm sau trận siêu bão ấy, người dân bắt đầu trồng mới lại, đến nay cao su vừa cho mủ thì tiếp tục bị bão số 11 tàn phá. Bà Nguyễn Thị Thu ở xã Hương Hòa cho biết, vườn cao su 3 ha của gia đình bà đã khai thác mủ được 2 năm, bão qua đi giờ chỉ còn lại 1/3 diện tích. Cao su gãy đổ hết rồi, giờ gia đình bà chẳng biết trông cậy vào đâu. Cao su là cây trồng chủ lực của huyện Nam Đông, với tổng diện tích 3.500ha, trong đó gần 1/3 diện tích đang được khai thác. Đây là loại cây giúp người dân miền núi Nam Đông xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu hiệu quả.

Ngoài cây cao su, huyện miền núi Nam Đông có hơn 370 ha cây keo bị gãy đổ, 62 nhà tốc mái. Hiện tại, địa phương này có 32 người đang bị mắc kẹt trong rừng, chưa về. Tuy nhiên, theo nhận định của các gia đình có người đi rừng, những người này rất có kinh nghiệm đi rừng, nên họ biết cách giữ an toàn tính mạng.

Tan hoang
Cao su ở huyện miền núi Nam Đông mới trồng lại gần 10 năm, giờ tan hoang sau vài giờ bão tràn qua

Sau khi bão tan ông Nguyễn Văn Cao - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã đi kiểm tra và chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả thiệt hại ở huyện miền núi Nam Đông. Ông Nguyễn Văn Cao yêu cầu huyện Nam Đông khẩn trương khắc phục hậu quả sau bão, sớm ổn định đời sống nhân dân, ưu tiên khắc phục thiệt hại của hệ thống điện, giao thông, nhà cửa. Chính quyền các địa phương tập trung rà soát, đánh giá cụ thể diện tích và mức độ thiệt hại cây cao su, rừng trồng, hoa màu... để có biện pháp khắc phục.

Ông Cao cũng lưu ý các địa phương nếu khó khăn về nhân lực, phương tiện khắc phục hậu quả do bão số 11 thì đề nghị tỉnh chỉ đạo tăng cường lực lượng vũ trang tỉnh hỗ trợ. Sở NN&PTNT cần tăng cường hỗ trợ nhân dân các biện pháp kỹ thuật khôi phục rừng cao su. Tỉnh, huyện sẽ trích ngân sách phòng chống thiên tai hỗ trợ thiệt hại cho người dân để khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống sau bão.

THUẬN HÓA 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI