Vụ tai biến chạy thận tại Hòa Bình: Bác sĩ Lương có tội hay không?

07/01/2019 - 10:00

PNO - Ngày 8/1, phiên tòa sơ thẩm lần hai, xét xử bác sĩ Hoàng Công Lương cùng sáu bị can trong vụ tai biến chạy thận tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình làm chín người chết hồi tháng 5/2017, sẽ diễn ra với nhiều thay đổi.

Thay đổi tội danh bác sĩ Lương

Sau bảy tháng, kể từ khi phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ tai biến chạy thận do Tòa án nhân dân TP.Hòa Bình mở, tuyên bố trả lại hồ sơ để điều tra bổ sung, trong bản án mới đã có nhiều thay đổi về số lượng bị can và tội danh các bị can.

Vu tai bien chay than tai Hoa Binh: Bac si Luong co toi hay khong?
 

Phiên sơ thẩm lần một vào tháng 5/2018 có ba bị cáo là: Bùi Mạnh Quốc (Giám đốc Công ty TNHH xử lý nước Trâm Anh), bác sĩ Hoàng Công Lương (Khoa Hồi sức tích cực, nay là viên chức phòng Công nghệ thông tin) và Trần Văn Sơn (nhân viên phòng Vật tư - Thiết bị y tế) thì lần hai này sẽ có thêm bốn bị cáo bị truy tố gồm: Trần Văn Thắng (nguyên Trưởng phòng Vật tư - Thiết bị y tế), Hoàng Đình Khiếu (Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh Hòa Bình), Trương Quý Dương (nguyên Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình) và Đỗ Anh Tuấn (Giám đốc Công ty cổ phần Dược phẩm Thiên Sơn).

Tội danh của bác sĩ Hoàng Công Lương được thay đổi từ “Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” thành “Vô ý làm chết người”. Đây là lần thứ ba tội danh của bác sĩ Lương được cơ quan tố tụng thay đổi trong bản án. Luật sư Lê Văn Thiệp (Đoàn Luật sư Hà Nội) nêu quan điểm: “Để xác định chủ thể tội phạm trong vụ án, cần phải xác định bác sĩ Lương có thực hiện công vụ hay không, hành vi ấy xảy ra ở đâu, khi nào. BVĐK tỉnh Hòa Bình là bệnh viện công thuộc Sở Y tế Hòa Bình, bác sĩ Lương làm công việc chuyên môn theo chức năng, nhiệm vụ của viên chức và chịu sự điều hành của ban giám đốc. 

Nói về chủ thể thì bất kỳ ai cũng là chủ thể của tội vô ý làm chết người theo điều 98 Bộ luật Hình sự nếu hành vi của họ thoát ly khỏi công vụ hoặc không gian, thời gian, địa điểm, công cụ phương tiện, đối tượng tác động của tội phạm. Ví dụ, nếu bác sĩ bất cẩn để hở dây điện tại nơi làm việc dẫn đến chết bệnh nhân thì truy tố điều 98 mới đúng.

Vu tai bien chay than tai Hoa Binh: Bac si Luong co toi hay khong?
 

Trong vụ án này, người chết là bệnh nhân, do tiêm chất độc vào cơ thể (hành vi gắn với công vụ của bác sĩ, chức danh y tế khác). Như vậy, hành vi có lỗi, trái pháp luật hình sự nếu chứng minh được thì tội danh này phải là: vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính theo điều 99 Bộ luật Hình sự 1999”. 

Theo luật sư Thiệp, khi tổng hợp các chứng cứ xảy ra vụ án sẽ thấy rõ hành vi công vụ gắn với chủ thể đặc biệt, nếu khu biệt hóa cơ học sẽ không phản ánh đầy đủ sự thật khách quan của vụ án. Như vậy, khi chứng minh tội phạm sẽ không thuyết phục, làm oan người vô tội.

“Với ba lần thay đổi tội danh đã cho thấy các dấu hiệu cấu thành tội phạm liên quan hành vi ra y lệnh của bác sĩ Lương không trùng, không đồng dạng, không thể nhận diện khi so sánh với tội danh cụ thể được quy định trong Bộ luật Hình sự. Thực tiễn cho thấy, hầu hết các vụ án oan đều thay đổi tội danh nhiều lần”, luật sư Thiệp nêu. 

Luật sư Thiệp cho rằng, việc chứng minh tội phạm của các cơ quan tố tụng TP.Hòa Bình sẽ khó khăn, thiếu chứng cứ, thiếu quy định để viện dẫn, do vậy cần tuyên bố bác sĩ Lương không phạm tội.

Tổng hội Y học Việt Nam lên tiếng

Mới đây, giáo sư - tiến sĩ Lê Gia Vinh - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Tổng hội Y học Việt Nam - đã có đơn gửi Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân và Cơ quan Cảnh sát Điều tra tỉnh Hòa Bình.

Vu tai bien chay than tai Hoa Binh: Bac si Luong co toi hay khong?
 

Theo đó, Tổng hội Y học Việt Nam cho rằng, về nguyên nhân gây tử vong cho các bệnh nhân chạy thận đã được các cơ quan có thẩm quyền kết luận do tồn dư hóa chất HF trong nước RO sử dụng cho chạy thận nhân tạo (cao gấp 240-260 lần mức cho phép) sau sửa chữa hệ thống nước RO. Việc sửa chữa hệ thống nước RO do người khác thực hiện. Vậy, bác sĩ Lương có mắc tội “Vô ý làm chết người” không? 

Bác sĩ Lương chỉ thực hiện ra y lệnh chạy thận nhân tạo sau khi Trần Văn Sơn - nhân viên phòng Vật tư - Thiết bị y tế (BVĐK tỉnh Hòa Bình) bàn giao cho điều dưỡng Đỗ Thị Điệp qua điện thoại chiều 28/5/2017 là hệ thống RO đã sửa xong, có thể hoạt động bình thường. Sáng 29/5/2017, các điều dưỡng đã khởi động hệ thống RO, quan sát đồng hồ đo dẫn điện trong giới hạn an toàn, rửa máy thận và kiểm tra máy thận nhân tạo đều bình thường.

Với những chi tiết trên, Tổng hội Y học Việt Nam đề nghị xem xét vụ án toàn diện trên cơ sở khoa học và thực tiễn để đảm bảo xét xử đúng người, đúng tội. 

An Vũ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI