Có mẹ, đường con đi tràn đầy ánh sáng

07/08/2018 - 07:00

PNO - Nhớ lại chuỗi ngày đã qua, chị Nguyễn Ngọc Lan (44 tuổi, mẹ của Duy An, nhà ở Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) cho rằng, quyết định xin nghỉ dạy, chị chỉ hơi tiếc một chút chứ không hối hận.

Khát vọng sống

Bài 1:Gạt 'nỗi đau a-xít' đi tìm thanh xuân

Bài 2: Người phụ nữ 5 lần thần chết chối từ

Bài 3: Thủ lĩnh câu lạc bộ cuộc chiến ung thư: Tôi chưa chết được đâu!

Bài 4: Chuyện tình trên chiếc xe lăn

Tiếc vì nghề giáo là mơ ước cuộc đời, nhưng chỉ đứng trên bục giảng được 4 tháng, chị phải bỏ dạy để đồng hành cùng cậu con trai đầy ý chí trên hành trình tìm chữ.

“Con cá lóc” dũng cảm

Mùa thu của 14 năm về trước, có hai cậu bé vội vàng rời khỏi bụng mẹ khi mới được 31 tuần tuổi. Ra đời sớm, cả hai gặp nhiều biến chứng, chúng chỉ nặng 1,1kg, còn thua cả... con cá lóc. Thằng anh thở nặng nề, bọt khí ở miệng tràn ra ngày một nhiều; thằng em khóc re ré, tím ngắt. Chị Lan nhìn con chưa đến 10 phút, cả hai đứa trẻ lập tức được đưa vào lồng hấp.

Co me, duong con di tran day anh sang
Buổi sáng, sau khi tranh thủ đưa con đến trường, chị Lan sẽ làm bất kỳ công việc nào có thể để trang trải cuộc sống

Cậu em nhỏ Lê Nguyễn Duy Khang sau hai ngày lọt lòng, chưa uống được giọt sữa nào, đã về lại với đất. Mạnh mẽ hơn cậu em sinh đôi của mình, Lê Nguyễn Duy An kiên cường chiến đấu. Kể cả khi bác sĩ khuyên người nhà nên bế cậu về, Duy An vẫn cố hết sức quẫy đạp, “đớp” ô-xy, đòi hơi ấm mẹ.

Nằm viện được một tháng, Duy An ngày càng xanh xao, không thể tự thở. Các bác sĩ nghi ngờ bé bị bệnh tim bẩm sinh, bại não, liệt, bệnh phổi… khiến chị Lan như chết đi sống lại. Nhưng người mẹ bất hạnh vẫn im lặng chờ đợi kết quả. Cuối cùng, chị nhận được giấy chẩn đoán con trai bị thiếu máu không tái tạo. Tức là cơ thể An không thể sản sinh ra máu, phải truyền máu định kỳ, nếu không sẽ tử vong. 

Một, hai, ba… lần lượt các bác sĩ ở khoa thay nhau khuyên chị mang con về. “Các bác sĩ nói tôi còn trẻ, nên đưa con về để đỡ tốn thời gian, chi phí, hãy tìm đứa con khác. Nếu An vượt qua giai đoạn này, con tôi có nguy cơ bị chết não, phải sống đời sống thực vật, không phục hồi”. 

Co me, duong con di tran day anh sang
Gần 10 năm đồng hành cùng con, chị Lan chưa bao giờ nghĩ đến chuyện bỏ cuộc. Ở nhà thuê, chị phải cố gắng kiếm 200.000 đồng/ngày mới đủ trang trải.

Hết bác sĩ này đến bác sĩ khác khuyên tôi rút ống thở cho con. Con tôi nằm đó, ngực phập phồng cố gắng sống. Tim nó còn đập, tôi không thể xin về được. Gặp bác sĩ nào tôi cũng nói, khi nào nó chết tôi mới mang nó về”, chị Lan kể lại trong nước mắt.

Chăm con ở Khoa Hồi sức tích cực của bệnh viện, nơi 10 trẻ vào chỉ có 2 trẻ trở về, nhưng biến chứng đeo bám, chưa kịp hé miệng cười, các bé trở thành những bông hoa giập nát. Gần như ngày nào chị Lan cũng chứng kiến nỗi đau của những người cha, người mẹ của bệnh nhi tại đây. Nghe tiếng thét của người cha, người mẹ bên cạnh giường, chị Lan biết rằng thêm một sinh linh bé nhỏ đã hóa thiên thần.

Từ sợ hãi, chị trở nên bình tĩnh; nhìn qua con mình, chị khẽ nói: “Đừng sợ, mẹ sẽ luôn bên con”. Và rồi đến tháng thứ 5, bác sĩ nói con chị phục hồi thần kỳ, cơ thể đã tự sản sinh ra máu nuôi, bé dần cai máy thở và đòi bú. Ôm con vào lòng để bé hưởng những giọt sữa đầu tiên, thay vì vui mừng, linh cảm của người mẹ báo cho chị biết lại có điều khủng khiếp xảy ra với con trai.

Co me, duong con di tran day anh sang
Cô Ngô Thị Thanh, giáo viên chủ nhiệm cho biết: "Duy An rất thông minh, em học bất cứ khi nào có thể, luôn đứng trong top 5 học sinh giỏi của lớp".

Thay vì òa khóc, chị Lan lại bình thản lạ thường. Dường như, trải qua bao sóng gió, chị mạnh mẽ hơn, vừa xuất viện, chị ôm con qua Bệnh viện Mắt TP.HCM. Bác sĩ lắc đầu, An bị ROP - bệnh võng mạc ở trẻ sinh non, mắt mù vĩnh viễn.

“Tôi nghĩ cũng chẳng sao, miễn con tôi còn sống, tôi có tới hai mắt lận mà, ghép cho An một bên mắt của mình, cả hai mẹ con đều sẽ nhìn thấy nhau. Khi bác sĩ nói, họ không được phép lấy mắt tôi vì tôi còn sống, tôi mới biết rằng, lúc này cuộc chiến của hai mẹ con mới thực sự bắt đầu”, giọng chị nhỏ dần.

Bỏ nghề dạy học, rong ruổi tìm chữ cho con

Biết bệnh của con mình nhưng chị Lan chưa một ngày bỏ cuộc, vừa ôm con đi khám định kỳ, vừa nghe ngóng ở đâu có đoàn khám mắt của nước ngoài, chị đều đưa con đến. Thấy chị mải miết bế con đi tìm ánh sáng, bác sĩ khuyên chị thay vì chạy tới chạy lui trong vô vọng, hãy cho bé đến trường. Nghe bác sĩ nói Trường Phổ thông đặc biệt (PTĐB) Nguyễn Đình Chiểu TP.HCM chuyên dạy cho trẻ khiếm thị, chị liền đến tìm hiểu.

Co me, duong con di tran day anh sang
Với tờ giấy trắng, khuôn chữ, chiếc dùi thay viết, Duy An đang ngày ngày bước tới "ánh sáng" bằng nghị lực của mình

Lúc đó, Trường PTĐB Nguyễn Đình Chiểu chỉ nhận trẻ từ 6 tuổi trở lên. Chị xin học những kỹ năng chăm sóc, dạy trẻ khiếm thị rồi mang con về, chờ ngày con đủ tuổi đi học. Chị bồi hồi: “Trong thời gian đó, quá nhớ nghề, tôi thi tuyển lại công chức. Tôi đậu vào giáo viên cấp I ở một xã vùng sâu. Tôi dạy được một thời gian, thì Duy An tới tuổi đi học…”.

Chị Lan rời bục giảng, xếp ngay ngắn quyển sổ đầu bài. Một lần nữa, chị viết đơn xin nghỉ việc, cùng An đi tìm con chữ. 

Tiền để dành đã trôi theo những lần khám bệnh cho con, chị đến Sài Gòn, tài sản lớn nhất là thằng con trai luôn miệng đòi đi học. Sắp xếp cho con căn phòng trọ bé tí, chị chạy loanh quanh xin việc làm. Vừa làm việc, vừa phải trông con, chị chia buổi Duy An đến trường, ra chợ bán thuê cho chủ sạp, tối về mang theo mớ hành, mớ tỏi lột vỏ gia công. Ai cần dọn dẹp nhà, rửa ly, quét sân… bất kỳ công việc nào chị cũng nhận lời để mua thêm cho con hộp sữa.

Cứ như thế, hết năm này qua năm khác mẹ quay vòng với cơm, áo, gạo, tiền, con say sưa với từng chữ số, quyết không đầu hàng bất kỳ thử thách nào. 

Co me, duong con di tran day anh sang
Học hòa nhập với các bạn sáng mắt, Duy An chẳng những không tự ti mà luôn xung phong trong các hoạt động của trường

Nhìn qua thằng bé im lặng chờ mình nơi ghế đá, chị mỉm cười, nước mắt lưng tròng: “Con trai tôi đó, ai cũng nói nó không sống nổi. Nhưng giờ nó đã cao ráo, biết đàn, biết hát, tự sinh hoạt cá nhân, còn đi học chung với các bạn sáng mắt. Cháu luôn là học sinh giỏi của Trường THPT Sương Nguyệt Anh, Q.10, TP.HCM”.

Cùng với tình yêu thương vô bờ bến của mẹ, sự đồng hành không mệt mỏi của tình người, Duy An không mặc cảm tự ti về mình, em xin mẹ cho được ở nội trú tại Trường PTĐB Nguyễn Đình Chiểu để dần tự lập. Duy An quyết tâm: “Em luôn tự tin con đường em đi đầy ánh sáng. Không chỉ có mẹ, em còn được các thầy, các cô dẫn lối. Em muốn phấn đấu trở thành thầy giáo, để viết tiếp ước mơ dang dở của mẹ, cũng như trở lại trường, dạy cho các em khiếm thị, đa tật. Vào ở nội trú, em tin sau này có thể chủ động được cuộc sống và chăm sóc mẹ”.

Chị Lan mỉm cười hạnh phúc khi nắm chặt tờ giấy nhàu nát, chi chít những lỗ tròn nhỏ. Người khác sẽ nghĩ đó là tờ giấy bỏ đi, nhưng trong đó có nội dung chứa đầy tình yêu thương mà con trai chị đã tả về mẹ mình. Không chỉ tìm chữ cho con, chị Lan cũng học được một loại chữ mới: chữ Braille của người khiếm thị.

Duy An đã mạnh mẽ đứng lên, vượt qua bóng tối bằng tiếng hát, tiếng đàn, bằng con chữ. Ánh sáng mở ra trên giấy trắng, khuôn dài, cùng với chiếc dùi nhỏ, Duy An đã “khoét” thành bài tập làm văn về mẹ - cô giáo Anh văn của một trường huyện.

 Phạm An

ĐỒNG HÀNH CÙNG CHƯƠNG TRÌNH

Co me, duong con di tran day anh sang
 
Co me, duong con di tran day anh sang
Co me, duong con di tran day anh sang
 
 


 


 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI