Sự thật sau rào cản cá da trơn Việt Nam sang Mỹ

17/12/2015 - 06:47

PNO - Mặt hàng cá da trơn của Việt Nam muốn vào thị trường Mỹ phải đáp ứng điều kiện tương đồng về con giống, thức ăn, cơ sở vật chất nuôi...

Mỹ đang bất bình đẳng thương mại?

Đầu tháng 12/2015, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, việc xuất khẩu cá tra Việt Nam sang thị trường Mỹ sẽ có thêm rào cản mới khi Đạo luật Farm Bill 2014 có hiệu lực từ tháng 3/2016.

Theo đó, cá tra, basa khi xuất khẩu vào Mỹ sẽ phải tuân thủ những yêu cầu và quy định nghiêm ngặt. Cụ thể, sản phẩm phải chứng minh được sự tương đồng khi nuôi tại Việt Nam với nuôi tại Mỹ như tiêu chuẩn về con giống, kiểm soát kháng sinh, chất tồn dư thuốc thú y, vận chuyển, nhà máy…

Ông Dương Nghĩa Quốc - Chủ tịch Hiệp hội thuỷ sản tỉnh Đồng Tháp chia sẻ, chưa thấy có tiêu chuẩn yêu cầu nào như quyết định của Bộ Nông nghiệp Mỹ mới đưa ra với cá da trơn.

Ông Quốc cho rằng, Việt Nam sẽ khó đáp ứng được vì ở đây người dân chủ yếu sử dụng nguồn nước của dòng sông Cửu Long. Trong khi đó, bên Mỹ, nguồn nước lại bơm vào thông qua hệ thống xử lý nước. Mà mình muốn đạt theo tiêu chuẩn của họ chắc chắn không được. Còn về quy định chuẩn thức ăn để giống bên Mỹ cũng rất khó, đúng ra chỉ cần nuôi làm sao mà không có chất cấm...

Su that sau rao can ca da tron Viet Nam sang My
Thu hoạch cá tra ở ao nuôi của ông Lê Văn Cường (Hòa Lạc, Phú Tân, An Giang) - Ảnh: Tuổi trẻ.

"Hàng năm Mỹ nhập của Việt Nam từ 28 - 30 % tổng số lượng cá tra. Nếu Mỹ ra các quy định mà mình thực hiện không được thì các thị trường khác cũng lợi dụng cái này ép giá mình. Phương án là phải làm, tiêu chuẩn về con giống, thức ăn, thuốc,... và tiêu chuẩn chở cá từ ao đi về nhà máy, mà phía Mỹ họ chở bằng cái gì thì tôi cũng chưa biết.

Ở trong miền Nam thì canh từ ao xuống cái ghe chở về nhà máy, còn có lẽ, ở bên Mỹ đưa lên xe đông lạnh đưa về nhà máy. Chuẩn ao hồ nuôi bên đó xây bao bọc xi-măng xung quanh còn ở mình chủ yếu là ao đất" - ông Quốc chia sẻ.

Cũng theo ông Quốc, việc Mỹ đưa ra tiêu chuẩn như thế mang tính chất "bảo hộ" hàng nội địa của họ là chính, đi ngược lại với hiệp định TPP. Hiệp định TPP chỉ kê khai chất lượng tiêu chuẩn chứ còn đưa ra quy định này thì mang tính chất "bảo hộ". Nếu phía Mỹ nói về lý thì họ áp dụng điều đó là đúng hoàn toàn. Bởi họ là nước nhập khẩu, bỏ tiền ra mua hàng hóa nên có quyền lựa chọn những mặt hàng theo tiêu chuẩn, yêu cầu mà họ đặt ra. Việc Mỹ đưa ra điều này có lẽ để "bảo vệ" cho việc sản xuất cá nheo trong nước.

Trước đây, ở bên Mỹ nuôi tới 65.000 ha cá nheo nhưng do tình hình giá cả nên giảm xuống 29.000 ha. Chính vì thế, hiệp hội cá nheo ở Mỹ đã kiến nghị với chính phủ Mỹ và buộc các nhà quản lý phải đưa ra quy định đối với cá da trơn. Nếu loại cá này muốn nhập khẩu vào thị trường Mỹ phải đáp ứng đủ những yêu cầu.

"Đề nghị hiệp hội cá tra, Hiệp hội Thủy sản và Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương Việt Nam phải kiến nghị phía Mỹ thay đổi để tháo gỡ khó khăn cho người nông dân. Bởi rõ ràng, Mỹ đang có biểu hiện bất bình đẳng trong thương mại, trái ngược hẳn lại với hiệp định TPP và WTO.

Chỉ những doanh nghiệp lớn mới đáp ứng đủ các tương đồng với Mỹ chứ còn nông dân thì sẽ thua luôn. Quy định ngặt như thế nhưng giá thành vẫn giữ nguyên như hiện tại thì sẽ lỗ chứ sao mà bán được?" - ông Quốc nói.

Su that sau rao can ca da tron Viet Nam sang My
Nếu người nuôi cá da trơn ở Việt Nam không thay đổi theo Mỹ thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Do "trâu buộc ghét trâu ăn"

Ông Võ Văn Bé - Chủ tịch Hội Nghề cá tỉnh Sóc Trăng - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sóc Trăng cho rằng, quy định mới của Bộ Nông nghiệp Mỹ sẽ rất khó cho người nuôi cá da trơn của Việt Nam. Bởi, với những quy định hiện tại những người nuôi cá tra, cá basa ở Việt Nam cũng đã quá khốn đốn và đang phải chịu nỗ nặng, nhiều người bỏ hoang ao nuôi hoặc chuyển sang kinh doanh lĩnh vực khác.

Nếu không đáp ứng được những yêu cầu mới của Bộ Nông nghiệp Mỹ thì rất dễ xảy ra tình trạng các thị trường Trung Đông, Tây Âu cũng dựa vào đó để ép giá mặt hàng cá da trơn của Việt Nam. Đến khi đó, người nuôi cá da trơn ở Việt Nam chỉ còn nước "khóc ròng" và rất dễ lệ thuộc vào Trung Quốc.

"Thực tế ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long nếu ao nuôi rộng khoảng 3.000m2 hoạt động theo tiêu chuẩn VietGAP sẽ bị lỗ từ 200 - 300 triệu đồng. Tiêu chuẩn VietGAP là bước đệm để thực hiện quy định mới của Bộ Nông nghiệp Mỹ, không biết nếu tháng 3/2016 Mỹ chính thức thực hiện quy định mới thì người dân Việt Nam có chịu nổi không" - ông Bé nói.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI