Sống chung với nước bẩn, không khí bẩn: Nhịn đến bao giờ?

17/10/2019 - 11:49

PNO - Với những sự cố nghiêm trọng vừa xảy ra, nhịn là chết. Tất nhiên là ai rồi cũng phải chết, nhưng ai cũng sẽ hoan hỉ chọn chết già chứ không phải chết tức tưởi vì bệnh, vì đủ các thứ bẩn đang bủa vây mỗi người.

Gần tuần nay, câu chuyện của người Thủ đô là nước bẩn. Trước đó không lâu là ô nhiễm không khí. Ngày mai sẽ là chủ đề gì?

Nếu người dân Thủ đô không phát hiện ra mùi hôi tanh, liệu có biết nước đầu nguồn bị đổ dầu thải? Câu trả lời là không, vì nhà máy nước cứ im lặng cấp nước và thu tiền, người dùng phải dùng. Vì cúp điện sống được chứ cúp nước sao sống?

Nếu không phải là dầu thải mà là chất độc không mùi không vị, thì sao?

Song chung voi nuoc ban, khong khi ban: Nhin den bao gio?
Già trẻ lớn bé gái trai, đến cả bà bầu cũng tham gia xếp hàng hứng nước. 

Nước Thủ đô ô nhiễm, người thủ đô miệng kêu thân chịu trong khi chân vội ghé siêu thị quơ quào được bao nhiêu bình nước thì cứ quơ, tầm này quan tâm gì đến giá. Câu chuyện hàng ngày giờ thành nói chuyện nước, rằng chỉ ngủ, đánh răng và đi tiểu ở nhà. Còn tắm giặt thì đến nhà người quen, đi "nặng" thì đến cơ quan, đến ăn cũng chọn những món ăn khô để bớt... đầu ra vì không có nước dội bồn cầu. 

Đấy là nhà có điều kiện mua nước đóng chai, chi phí một ngày bằng cả tháng tiền nước, còn những nhà không có điều kiện, trường học, bệnh viện thì sao, phải chăng nhắm mắt mà dùng vì đằng nào chả... chết?

Có chung cư nào đó được cấp nước miễn phí, người người xếp hàng, già trẻ lớn bé gái trai đến cả bà bầu cũng tham gia, nhưng sau những giờ chờ đợi, xếp hàng, thứ nước người dân nhận được lại là thứ nước hôi tanh. Và người ta lại lấy lý do là cái xe chở nước ấy vốn là xe tưới cây.

Người xứ khác ngóng về Hà nội, lo lắng thở dài suông vậy, có bao giờ nghĩ, thứ gọi là nước máy, nước sạch nhà mình đang dùng liệu có sạch?

Có ai mang nước nhà mình đi xét nghiệm để biết?

Đó giờ, người dân luôn tin vào các báo cáo, rằng chỉ số này kia dưới ngưỡng, chỉ số kia an toàn. Một số biết báo cáo nào cũng gắn thêm chữ "láo" thì vì điều kiện, vì kinh tế, kêu trời không thấu đành... buông xuôi, bao nhiêu người dùng chứ đâu phải mình mình? Rằng trời kêu ai nấy dạ, khi nào tới mình hẵng hay?

Song chung voi nuoc ban, khong khi ban: Nhin den bao gio?
Nhà nhà người người rủ nhau đi hứng nước để thắt chặt tình làng nghĩa... chung cư.

Là do tập tục, thói quen hay biết chắc con kiến chẳng thể kiện củ khoai nên những vụ việc như cháy nhà máy Rạng Đông làm ô nhiễm không khí hay, nhà máy nước Sông Đà biết nước bị ô nhiễm mà vẫn thản nhiên cấp nước lấy tiền, rồi sẽ "cứt trâu để lâu hóa bùn”. Rút vài nhát kinh nghiệm rồi đâu lại vào đấy, tội vạ đâu dân chịu hết.

Người dân chỉ biết tự cứu mình khi sự việc đã rồi, ô nhiễm không khí thì mua máy lọc không khí, mua khẩu trang, di tản nhà cửa con cái. Ô nhiễm nước thì đi vét các cửa hàng siêu thị, mua máy lọc nước... trong khi đầu têu, thủ phạm vẫn nhởn nhơ thanh minh rằng thì là và báo cáo láo. Ảnh hưởng mười thì nói một, nhưng thành tích có một vống thành trăm. Đó là tột cùng của sự vô cảm kiểu “sống chết mặc bay tiền thày bỏ túi”.

Nguồn nước sông Đà bị ô nhiễm gần một tuần, lãnh đạo thành phố Hà Nội mới có động thái cảnh báo, nói theo kiểu đường phố thì tang lễ đã xong, cảm ơn cô bác đến chia buồn và tiễn đưa linh cữu cha ông chúng tôi về nơi an nghỉ cuối cùng…

Không khí bẩn, nước bẩn có máy lọc, còn người "bẩn" thì lấy gì lọc?

Mà hiện nay có còn thứ gì sạch? Không khí, nước, thực phẩm, bằng cấp, điểm số… còn thứ gì không bẩn. Người dân phải cam chịu vì không còn cách nào khác, phải “sống chung với lũ”, chẳng cần tiêm vacxin phòng bẩn mà vẫn vô tư hít bẩn, ăn bẩn.

Đã có vị lãnh đạo, người chịu trách nhiệm nào cúi người xin lỗi, rằng sẽ khắc phục hậu quả, dẫu muộn. Dù chỉ là giải pháp tình thế kiểu phát khẩu trang cho dân, miễn vài tháng tiền nước...? Đã có ai nói “lỗi của tôi”, “trách nhiệm này thuộc về tôi” và xin từ chức hay vẫn nheo nhẻo trong những căn phòng máy lạnh, khăn trải bàn phẳng phiu và rực rỡ hoa tươi rằng: rút kinh nghiệm lần sau?

Nếu người dân Thủ đô đồng lòng kiện nhà máy làm ô nhiễm không khí, kiện nhà máy nước và sẽ theo kiện cho tới nơi tới chốn, những vụ việc tương tự liệu còn lặp lại? Những vụ việc này không thể gọi là thiếu trách nhiệm gây hậu quả mà có thể nói là tội cố tình, biết mà vẫn làm, làm rồi còn giấu những con số để giảm mức nghiêm trọng, nói thẳng là để chối tội.

Song chung voi nuoc ban, khong khi ban: Nhin den bao gio?
Rồng rắn lên mây, có cây lúc lắc, cho hỏi nước sạch có chưa? 

Những vụ việc trên sẽ bị truy tố, nhưng ai là người đứng mũi chịu sào, nếu không phải là ông giám đốc thuê làm tốt thí thì cũng là lấy của chung ra đền bù, nên mức độ vô cảm đến liều lĩnh ngày một tăng vì quýt làm... dưa hấu chịu.

Nếu người dân nói chung được trang bị những kiến thức về pháp luật để bảo vệ mình và cộng đồng, liệu có thể thay đổi chất lượng và điều kiện sống? Ông bà nói “chín bỏ làm mười”, “một sự nhịn chín sự lành”, nhưng cũng có mức độ và tùy chuyện tùy nơi. Với những sự cố nghiêm trọng vừa xảy ra này, nhịn là chết.

Tất nhiên là ai rồi cũng phải chết, nhưng ai cũng sẽ hoan hỉ chọn chết già chứ không phải chết tức tưởi vì bệnh, vì đủ các thứ bẩn đang bủa vây mỗi người.

Trọng Linh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI