Sợ mắc COVID-19, nhiều người “ngoáy mũi” liên tục

03/03/2022 - 20:03

PNO - Việc lạm dụng test nhanh gây lãng phí, tốn kém và dẫn đến việc thị trường kit test khan hiếm, đẩy nguồn cầu tăng lên dẫn đến lạm phát trong giá cả kit test.

Xót tiền nhưng không test không yên tâm

Sở Y tế Hà Nội cho biết, từ 18g ngày 1/3 đến 18g ngày 2/3, Hà Nội ghi nhận 15.114 ca bệnh (5.476 ca cộng đồng, 9.638 ca đã cách ly). Số ca mắc cộng dồn trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4/2021) là 303.561 ca.

Kể từ khi diễn biến COVID-19 tại thủ đô nóng lên, rất nhiều gia đình đã lên phương án phòng, chống dịch. Trong đó, phải kể đến là việc tích trữ sẵn que test nhanh.

Gia đình chị Nguyễn Hồng Mai (Hàng Bông, Hoàn Kiếm, Hà Nội) có tất cả 4 thành viên. Do đặc thù công việc thường xuyên phải ra ngoài, tiếp xúc với nhiều người, trong nhà có con nhỏ nên chị luôn thủ sẵn các thuốc điều trị triệu chứng mắc COVID-19 và cả kit test.

Nhiều người có tâm lý không test không yên tâm - Ảnh: An Bình
Nhiều người có tâm lý không test không yên tâm - Ảnh: An Bình

Chị nói: “Tôi hay phải ra ngoài gặp đối tác, thi thoảng lại được thông báo trở thành F1, những lúc như vậy tôi khá lo lắng nên tự test nhanh tại nhà. Gia đình cũng có 2 bé chưa đến tuổi được tiêm vắc xin, do đó, dù không có triệu chứng nhưng cứ cách một ngày tôi lại test cho các con, phòng trường hợp nếu nhiễm virus còn có hướng theo dõi, điều trị. Test liên tục như vậy cũng xót tiền lắm vì một bộ kit giờ đã hơn 100.000 rồi nhưng không test không yên tâm”.

Là nhân viên giao mỹ phẩm, anh Đoàn Văn Thắng (Mỹ Đình, Nam Từ Liêm, Hà Nội) liên tục phải chạy xe ngoài đường và tiếp xúc với khách hàng. Để đảm bảo an toàn, trên xe anh lúc nào cũng có sẵn chai cồn để xịt tay, anh cũng liên tục thay khẩu trang sau mỗi buổi làm việc, giữ khoảng cách khi giao hàng cho người mua. Tuy nhiên anh vẫn chưa yên tâm mà còn chuẩn bị một hộp kit test nhanh để sẵn trong cốp xe, có thể dùng bất cứ lúc nào.

“Chỉ cần có biểu hiện lạ chút tôi cũng test nhanh. Nhiều hôm rét đậm nhưng vẫn phải đi giao hàng, lúc về bị sổ mũi, ho tôi cũng “ngoáy mũi” xem có đúng bị dính bệnh không. Rất may mắn, đến giờ này tôi vẫn còn an toàn, chưa bị virus SARS-CoV-2 tấn công lần nào” - anh Thắng nói.

Anh Thắng cảm thấy may mắn vì đến giờ này vẫn còn an toàn, chưa bị SARS-CoV-2 tấn công lần nào - Ảnh: An Bình
Anh Thắng cảm thấy may mắn vì đến giờ này vẫn còn an toàn, chưa bị virus SARS-CoV-2 tấn công lần nào - Ảnh: An Bình

Chỉ nên test khi có các biểu hiện nghi ngờ

Ngày 3/3, trao đổi với phóng viên Báo Phụ Nữ TPHCM, bác sĩ Lê Văn Thiệu, khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, cũng là người trực tiếp tham gia nhóm bác sĩ quân y hỗ trợ online chăm sóc điều trị tại nhà cho biết, trong quá trình tư vấn và điều trị cho F0, anh nhận được rất nhiều cuộc gọi thắc mắc về việc test nhanh tại nhà.

Theo bác sĩ Thiệu, việc xét nghiệm COVID-19 cũng cần phải có thời điểm, bởi ngay sau khi tiếp xúc với F0 việc test nhanh hoặc PCR chỉ cho thấy bạn chưa nhiễm tại thời điểm lấy mẫu chứ không phải là không bị lây. Việc không có triệu chứng hoặc khi bắt đầu có triệu chứng nồng độ virus còn thấp, test nhanh cũng khó phát hiện.

“Việc nôn nóng test nhanh luôn khi vừa tiếp xúc mầm bệnh có thể vừa gây lãng phí kit test vừa cho kết quả chưa chính xác. Vì kể cả nếu test nhanh âm tính thì vẫn có khả năng cơ thể đang ủ bệnh hoặc tải lượng virus còn thấp, test nhanh không tìm thấy” - bác sĩ Thiệu nói.

Bác sĩ lưu ý, hiện nay chủng Delta và Omicron đang song hành ở Hà Nội, người đã nhiễm chủng này vẫn có thể nhiễm chủng kia và ngược lại. Trong gia đình nếu có một F0 đã được xác định, những người còn lại có triệu chứng thì đương nhiễn sẽ là F0 (có thể có trường hợp ngoại lệ nhưng tỷ lệ thấp), không cần test lại cho cả nhà, chỉ nên test sau 5 đến 7 ngày dù có hay không có triệu chứng.

“Ngoài ra, chỉ nên test khi có các biểu hiện nghi ngờ như: chảy nước mũi, ho, sốt, đau nhức người... Tránh lạm dụng test nhanh vì như vậy rất lãng phí, không chỉ tốn kém mà còn dẫn đến việc thị trường kit test khan hiếm, đẩy nguồn cầu tăng lên dẫn đến lạm phát trong giá cả kit test, khiến người dùng khác bị ảnh hưởng khi họ thực sự cần thiết cần phải sử dụng” - bác sĩ Lê Văn Thiệu cho biết.

An Bình

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI