Sinh viên vào điểm “nóng”

11/08/2021 - 18:04

PNO - Giữa những ngày COVID-19 bùng phát, nhiều sinh viên đã tạm gác kỳ nghỉ hè với gia đình, xung phong vào những điểm “nóng”. Với họ, sự mệt nhọc và âu lo bệnh tật dù có thật nhưng nỗi sợ dịch kéo dài, lây lan rộng nếu không kịp thời đoàn kết ngăn chặn còn lớn hơn. Cứ thế, họ tình nguyện đi…

Có lẽ nếu cần một con số thống kê có bao nhiêu sinh viên các trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) trên cả nước tham gia vào lực lượng chống dịch thì gần như không thể có con số chính xác. Bởi danh sách ngày một dày lên, không chỉ sinh viên các ngành, trường khoa học sức khỏe, mà chỉ cần có vị trí phù hợp, những người trẻ đều xin đi. Chỉ tính riêng tám trường ĐH y khoa phía Bắc thuộc Bộ Y tế, đã có hơn 2.200 sinh viên, cán bộ, giảng viên đủ điều kiện lên đường. Ngoài ra, 1.000 sinh viên cũng đã được tập huấn, đào tạo chuyên môn trở thành lực lượng “dự bị sẵn sàng” khi có yêu cầu. Không một trường ĐH, CĐ nào tại TP.HCM mà không có sinh viên tình nguyện đi hỗ trợ tuyến đầu chống dịch…

Những sinh viên tình nguyện
Những sinh viên tình nguyện tại Đà Nẵng

Tôi biết đến Nguyễn Văn Thắng, sinh viên ngành dược Trường ĐH Đông Á, ngay từ những ngày đầu TP.Đà Nẵng bùng phát dịch COVID-19, khi các khu cách ly tập trung được thành lập và cần sự chung tay của lực lượng tình nguyện. Đợt dịch xảy ra hồi đầu tháng 5/2021, Thắng làm tình nguyện viên trong khu cách ly ở Trường CĐ Lương thực - Thực phẩm Đà Nẵng. Điểm cách ly này vừa kết thúc thì Thắng nhắn: “Em đã viết đơn tình nguyện, đang chuẩn bị lên chuyến bay ra bệnh viện dã chiến ở H.Yên Dũng (tỉnh Bắc Giang)”. Đó là thời điểm dịch ở Bắc Giang bắt đầu bùng phát mạnh với số ca mắc lên đến hàng ngàn. Một thời gian sau, dịch ở Bắc Giang được khống chế, Đà Nẵng cũng cho mở lại hàng quán kinh doanh, Thắng bảo: “Em mới từ Bắc Giang về đang thực hiện cách ly theo quy định”. 

Tròn năm tháng không về nhà dù TP.Đà Nẵng nơi Thắng đang theo học với nhà của em ở H.Duy Xuyên (tỉnh Quảng Nam) chỉ cách vài chục phút chạy xe máy. Thắng nói: “Em cũng nhớ nhà, nhớ mẹ lắm, nhưng chỉ vì chút cảm xúc cá nhân trong khi nơi này đang cần sự chung tay, đoàn kết thì em chọn cách ở lại, lên hỗ trợ tuyến đầu để khống chế dịch. Mệt và sợ đôi khi là có thật nhưng em sợ dịch kéo dài hơn”. Mỗi ngày, Thắng tranh thủ gọi về thăm mẹ một lần, nhưng cuộc gọi diễn ra rất chóng vánh để tránh âu lo cho mẹ. “Hôm từ Bắc Giang trở về, em định cách ly xong là về ôm mẹ một cái, tặng mẹ cái bánh mừng sinh nhật nhưng chưa kịp về thì dịch ở Đà Nẵng lại diễn biến phức tạp nên em gác lại để đi tình nguyện tiếp”, Thắng kể. 

Tròn 10 ngày làm việc ở bệnh viện dã chiến tại Khu ký túc xá phía Tây TP.Đà Nẵng, Bùi Lê Hà Oanh, sinh viên năm thứ ba ngành tài chính - kế toán Trường ĐH Đông Á, gần như có rất ít thời gian nghỉ ngơi. Oanh cùng bạn bè hỗ trợ đủ việc, từ phát cơm cho y bác sĩ, bệnh nhân, lắp đặt giường và chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất để bệnh viện tiếp quản bệnh nhân khi có ca mắc mới. Nhà chỉ có hai mẹ con. Kể từ khi trở lại trường sau tết, Hà Oanh chưa về nhà. Việc đăng ký tình nguyện vào bệnh viện dã chiến, Oanh cũng không dám nói với mẹ vì sợ mẹ lo nghĩ. 

Lặng thầm ở phía sau, các sinh viên tình nguyện đang nỗ lực hết mình để chung tay phòng, chống dịch. Ở trong bệnh viện dã chiến, họ lấy tiếng cười làm động lực, giúp nhau cắt những mái tóc dài mà suốt mùa dịch chưa có dịp cắt, tặng nhau gói mì tôm làm quà sinh nhật… Trong gian nan, vất vả họ vẫn tin, nếu có sự đồng lòng thì dịch bệnh sẽ sớm được đẩy lùi, cuộc sống sẽ bình yên trở lại. 

Ngọc Uyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI