Sinh viên chế tạo Robot “thay” người vận chuyển nhu yếu phẩm trong khu cách li, phong toả

07/08/2021 - 07:03

PNO - Trước khó khăn trong việc vận chuyển hàng hóa, thực phẩm… trong khu cách ly hay các khu vực bị phong tỏa, nhóm sinh viên chế tạo ra robot gánh việc thay.

Với vai trò là đơn vị quản lý và điều phối toàn bộ hoạt động hỗ trợ của các tình nguyện viên trên địa bàn Đồng Nai trong hoạt động phòng chống dịch bệnh COVID-19, Tỉnh Đoàn Đồng Nai nhận thấy tần suất tiếp xúc và nguy cơ lây nhiễm từ các bệnh nhân đến các bạn tình nguyện viên trên tuyến đầu chống dịch trong hoạt động hỗ trợ phát nhu yêu phẩm là rất cao nên đã "đặt hàng" thầy và trò Khoa Cơ điện - điện tử, Trường Đại học Lạc Hồng. 

Ngày 6/8, Tỉnh Đoàn Đồng Nai phối hợp với Khoa Cơ điện - điện tử, Trường Đại học Lạc Hồng cho chạy thử nghiệm robot làm nhiệm vụ phun khử khuẩn, vận chuyển nhu yếu phẩm vào các khu cách ly. 

Đặt hàng hoá, thực phẩm cần đứa vào khu phong toả lên robot
Đặt hàng hóa, thực phẩm cần đưa vào khu phong tỏa lên robot
Rồi điều khiển từ xa
Robot điều khiển từ xa

ThS. Nguyễn Hoàng Anh - Phó trưởng khoa Cơ điện - Điện tử, Trường Đại học Lạc Hồng - cho biết: Dịch bệnh vẫn đang rất phức tạp, số ca bệnh tăng lên đồng nghĩa với việc các tình nguyện viên phải làm việc nhiều hơn, do đó, tần suất tiếp xúc với các F0 cũng tăng lên, khiến nguy cơ lây nhiễm COVID-19 là rất lớn.

"Tỉnh Đoàn Đồng Nai nhận thấy nếu sử dụng sức người thì thật sự rất vất vả và nguy cơ lây nhiễm rất cao, nên đã đề xuất cùng LHU chế tạo ra con Robot này. Nó sẽ thay thế con người mang nhu yếu phẩm vào các khu cách ly cho các bệnh nhân ở đó”, thầy Hoàng Anh nói.

Hàng hoá sẽ vào sâu trong các con hẻm cần tiếp tế
Hàng hóa sẽ vào sâu trong các con hẻm cần tiếp tế

Thầy Hoàng Anh cũng cho biết thêm: “Robot được tích hợp camera nhận đường, có loa thông báo và truyền tải thông tin, do đó, người điều khiển có thể nhắc nhở cũng như thông báo để các bệnh nhân biết lúc nào thì xe phát nhu yếu phẩm tới và nhận đúng phần của mình.

Robot này sử dụng 2 động cơ ở bánh sau, có bộ điều khiển với khoảng cách là 200m, có kết nối micro trực tiếp qua wifi hoặc 3G. Với kích thước lần lượt là R x D x C là 890 x 1250 x 790mm, thời gian sạc là 4 tiếng để vận hành liên tục từ 3 đến 4 giờ, vận chuyển được một khối lượng hàng hóa lên đến 100kg, trên địa hình bằng phẳng.

Người dân chỉ cần ra cửa nhà là nhận được hàng
Người dân chỉ cần ra cửa nhà là nhận được hàng

Ngoài ra, robot này cũng có thể làm thay công việc phun thuốc khử trùng, sát khuẩn ở các khu vực có ca lây nhiễm. Do đó, nó có thể gánh vác những công việc đó thay con người, góp phần đảm bảo sự an toàn cho các tình nguyện viên trong mùa dịch.

Phan Nguyễn Xuân Khương, sinh viên năm thứ 3 Khoa Cơ Điện - Điện tử chia sẻ: "Khó khăn lớn nhất trong quá trình làm dự án này là vấn đề tìm kiếm các thiết bị. Vì đang lúc đang thực hiện Chỉ thị 16 của Chính phủ nên các cửa hàng cơ khí đều đóng cửa. Các thành viên còn phải gọi điện năn nỉ các cửa hàng, giải thích cho họ hiểu thì mới mua được linh kiện.

Nhiều lúc còn phải đi vào những khu vực có F0, F1 để lấy được chi tiết cơ khí. Cũng khá lo lắng, nhưng sự hỗ trợ của Tỉnh Đoàn, của thầy cô và cả các anh công an tại các chốt chống dịch. Sau 7 ngày thì nhóm đã hoàn thành con robot này để hỗ trợ nơi tuyến đầu, thay thế cho con người trong một số công việc".

Robot còn có chức năng xịt khử khuẩn
Robot còn có chức năng xịt khử khuẩn

Mong muốn lớn nhất của nhóm là được góp một chút sức của bản thân vào công tác chống dịch. Trong khi các nhà hảo tâm góp tiền bạc và của cải vật chất khác cho công tác chống dịch, thì sinh viên chúng em cũng muốn làm được điều gì đó để góp phần đẩy lùi dịch bệnh”, Xuân Khương bày tỏ.

Sau khi hoàn tất thử nghiệm, đánh giá và cải tiến, Tỉnh Đoàn Đồng Nai sẽ sớm đưa robot vào hoạt động ở các khu cách ly để hỗ trợ các tình nguyện viên vận chuyển hàng hoá. Kinh phí để nghiên cứu và chế tạo ra robot này của thầy trò Trường Đại học Lạc Hồng khoảng 60 triệu đồng.

Vũ Quỳnh

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI