Sinh viên dang dở học hành vì “bánh vẽ” làm giàu

16/02/2023 - 06:05

PNO - Do muốn kiếm việc làm thêm để có tiền, nhiều sinh viên đã bị các công ty dụ dỗ mất tiền và dở dang việc học.

Bỏ học vì ham "lương khủng"

Gửi đơn phản ánh với Báo Phụ nữ TPHCM, chị N.T.M.T. (TP Thủ Đức) cho biết, do tin tưởng vào Công ty TNHH Juuva Việt Nam (gọi tắt là Công ty Juuva, ở tầng 10, tòa nhà The EverRich, 968 đường 3/2, phường 15, quận 11, TPHCM), con trai chị là N.X.K.H. (20 tuổi) đã lấy khoản tiền học phí để nộp vào công ty này.
Chuyện là vào cuối năm 2022, H. lên mạng tìm việc làm thì thấy quảng cáo “tuyển nhân viên tư vấn khách hàng và chốt đơn online, thu nhập từ 800.000-1,5 triệu đồng/tuần, tạo điều kiện học hỏi thêm kinh nghiệm”, nên đã liên hệ phỏng vấn.

Vì cái “bánh vẽ” làm giàu nên không ít sinh viên đã dùng tiền học phí để mua các sản phẩm được bán kiểu đa cấp
Vì cái “bánh vẽ” làm giàu nên không ít sinh viên đã dùng tiền học phí để mua các sản phẩm được bán kiểu đa cấp

Nam sinh viên được hướng dẫn đến một văn phòng rất sang trọng, có nhiều nhân viên chăm sóc tận tình và “vẽ” ra tương lai tươi sáng như: được cấp phần mềm tìm kiếm khách hàng toàn cầu, chỉ cần ngồi nhà “chốt đơn”, công việc có thu nhập rất “khủng” nhưng chỉ phải bỏ ra 450.000 đồng mua tài liệu học tập.

Đồng ý tham gia, H. được yêu cầu phải mua một bộ thực phẩm chức năng (có 4-5 sản phẩm) với giá 30 triệu đồng để trở thành thành viên. Khi đó, nam sinh sẽ được cấp cho một “tấm tăng cường sinh lực” có tên Cation Shield.

“Con trai tôi làm việc không có hợp đồng, không có lương, ngày nào cũng ở công ty từ 9-23 giờ. Dù đã đóng tiền để mua bộ sản phẩm nhưng không được đem hàng về nhà. Sản phẩm “tấm tăng cường sinh lực” được quảng cáo là ngăn chặn các điện từ trường xung quanh, trị bá bệnh như tiểu đường, tiêu hóa, gan, tim mạch, huyết áp… nên ngày nào con trai tôi cũng uống. Không biết lâu dài có ảnh hưởng gì đến sức khỏe, vì những sản phẩm này không rõ ràng về nguồn gốc chất lượng” - chị T. nói.

Chị T. yêu cầu con trai đưa chị đến Công ty Juuva thì bị người ở đây giữ điện thoại, đi đâu cũng có người đi theo giám sát. Người đại diện của công ty cho biết, H. tự nguyện đến xin làm chứ công ty không ép buộc. Hiện H. không chịu đi học mà chỉ đòi đến Công ty Juuva làm việc trong trạng thái mà theo chị T. là không tỉnh táo.

“Tôi không rõ công ty này đã làm cách nào khiến H. từ một sinh viên ngoan hiền bỏ học, lấy tiền đóng học phí đi đầu tư, hoang tưởng về cách làm giàu nhanh. Tôi mong cơ quan chức năng mạnh tay với các công ty dạng này vì sẽ còn nhiều sinh viên như con tôi trở thành nạn nhân” - chị T. nói.

Đúng như chị T. lo lắng, trường hợp của H. không phải là duy nhất. Trong thời gian qua, Báo Phụ nữ TPHCM nhận được nhiều phản ánh về việc học sinh, sinh viên lên mạng tìm việc làm thêm rồi vướng vào vòng đa cấp. Nhiều em còn được các công ty hoạt động kiểu đa cấp hướng dẫn cầm cố tài sản, vay tín chấp, thuyết phục người thân tham gia để có tiền đầu tư. Thậm chí, có nơi còn làm giả hồ sơ trúng tuyển học bổng để sinh viên về lừa gia đình lấy tiền đầu tư. Các em phải trải qua các hình thức đào tạo “trời ơi” và được coi là thử thách để “có thể bước lên cao” như: bị sỉ nhục, chửi rủa, quỳ xuống để xin cơ hội. 

Sau khi bị “đày đọa”, các em lại được săn đón, chăm sóc với mục đích cuối cùng là thuyết phục các em tham gia đầu tư để trở thành “doanh nhân siêu giàu”. Số tiền đầu tư ít nhất vài chục triệu đồng, cao nhất lên tới 2,4 tỉ đồng, sản phẩm nhận về đều là trà giảm cân, trà thanh lọc, sô-cô-la, kem đánh răng… Tuy nhiên, các em không bán những sản phẩm này mà hằng ngày đăng tuyển dụng trên mạng xã hội để mồi chài các sinh viên khác tham gia với kịch bản tương tự để lấy hoa hồng.

Giả sử, sinh viên A. tuyển người phỏng vấn và thu được 450.000 đồng tiền phí thì công ty sẽ lấy 200.000 đồng, sinh viên được 250.000 đồng. Tiếp đến, nếu A. dụ được sinh viên mới mua gói sản phẩm trị giá 20 triệu đồng thì được hoa hồng 2,6 triệu đồng.

Nếu A. muốn trở thành nhân viên chính thức để có mức lương 3,4 triệu đồng hằng tháng thì phải đem về cho công ty 200 triệu đồng từ việc bán các gói sản phẩm này.

Chưa được cấp phép bán hàng đa cấp

Theo tìm hiểu của chúng tôi, tiền thân của Công ty Juuva Việt Nam là Công ty TNHH BHIP, từng bị xử phạt 220 triệu đồng và thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp năm 2017. Sau đó, người đứng đầu BHIP lập ra 2 công ty khác là Damode và Juuva Việt Nam.

Trước đây, Sở Công Thương Hà Nội đã cảnh báo về dấu hiệu hoạt động đa cấp của Công ty Juuva (có chi nhánh tại Hà Nội) khi chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp.

“Công ty này liên tục đăng tuyển dụng bán hàng trên mạng internet với lời mời hấp dẫn, nhưng trò bán hàng chỉ là qua mắt, người tham gia phải tuyển người giống mình để kiếm hoa hồng. Người tham gia được phát 1 tấm vé với tiêu đề “Bí mật công nghệ 4.0 và giải pháp kinh doanh toàn cầu” nhưng thực chất đó chỉ là miếng dán được tung hô tăng cường sinh lực, công dụng chống tác hại sóng điện từ, không có chứng nhận của Bộ Y tế…” - văn bản của Sở Công Thương Hà Nội nêu.

Ngày 3/2 vừa qua, chúng tôi tìm đến trụ sở Công ty Juuva thì nhân viên tòa nhà cho biết, công ty này đã dời từ tầng 10 xuống tầng 9 và “muốn vào công ty thì phải có người trong công ty đưa lên, ngược lại thì không ai tiếp cận được công ty này cả”.

Theo đại diện Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Cục CT&BVNTD) - Bộ Công Thương, hiện cả nước chỉ có 22 doanh nghiệp được cấp chứng nhận hoạt động bán hàng đa cấp, nhưng 1 đã bị thu hồi giấy chứng nhận nên chỉ còn 21, trong đó không có Công ty Juuva.

“Juuva đã nộp hồ sơ đề nghị cấp phép bán hàng đa cấp từ rất lâu nhưng do không đủ điều kiện nên đến nay chưa được cấp. Hiện tại chúng tôi đang theo dõi doanh nghiệp này theo dạng hoạt động không phép” - đại diện Cục CT&BVNTD nói. 

Cũng theo một chuyên viên tại Cục CT&BVNTD, để có cơ sở xử lý thì nạn nhân phải cung cấp các tài liệu, bằng chứng cụ thể về việc các đối tượng tại Công ty Juuva kinh doanh theo phương thức đa cấp. Ví dụ, bằng chứng về số lượng người tham gia bán hàng đa cấp, số tầng, số bậc, danh hiệu, các loại hoa hồng, bằng chứng về giao dịch mua hàng hóa và chi trả hoa hồng, tiền thưởng theo quy định tại khoản 1, điều 3, Nghị định 40/2018. Cái khó là đa phần các sinh viên đều không có hóa đơn đóng tiền (hoặc đã bị các công ty tịch thu), cũng không cung cấp được các bằng chứng khác nên rất khó có cơ sở để cơ quan chức năng tiếp nhận và xử lý vụ việc. 

Thanh Hoa 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI