"Siêu phố đi bộ", cần không?

07/10/2020 - 07:01

PNO - Đi bộ không chỉ là đi bộ mà còn là một không gian để cân bằng, một nơi để tận hưởng sự di chuyển và cả sự dừng lại của những thị dân quanh năm tất bật.

Lời tòa soạn: Nếu có dịp dạo chơi trên đường đi bộ Nguyễn Huệ hay phố đi bộ Bùi Viện (quận 1, TPHCM), ta sẽ nhận ra, người dân thành phố cũng có nhu cầu cần được đi bộ. Đó là một đòi hỏi tự thân của các thị dân, như nhu cầu được hít thở, được bầu bạn với đô thị. Nhưng, đề án tổ chức các phố đi bộ ở khu trung tâm TPHCM mà Sở Giao thông Vận tải TPHCM đưa ra mới đây để các sở, ngành góp ý liệu đã hợp tình, hợp lý?

 

19g30, thành phố vừa dứt một đợt mưa. Mặt đường đi bộ Nguyễn Huệ như tráng một thứ kim loại nhiều màu. Ông trông xe ở ngã ba Mạc Thị Bưởi - Nguyễn Huệ nhìn chúng tôi: “Dân chơi hổng sợ mưa rơi hén”. Đoạn này vàng rực ánh đèn hắt ra từ những ô cửa của khách sạn Sài Gòn Palace. Tôi lóng ngóng, không biết ông chú chữ nghĩa kia có phải giữ xe độc quyền cho khách sạn sang trọng nọ hay không, bèn hỏi: “Để xe đây ra đường Nguyễn Huệ được không chú?”. Ông cười hiền queo, giọng hào sảng: “Được, hổng để đây thì bây để đâu?”.

Đường đi bộ Nguyễn Huệ không chỉ để đi bộ. Nó mở ra không gian đô thị thoáng đãng, góp phần cải thiệ n chất lượng sống cho người dân - Ảnh: Đỗ Minh
Đường đi bộ Nguyễn Huệ không chỉ để đi bộ. Nó mở ra không gian đô thị thoáng đãng, góp phần cải thiện chất lượng sống cho người dân - Ảnh: Đỗ Minh

“Bây giờ thì người ta dừng lại”

Ông chú nói chỉ vài câu, đã khiến chúng tôi thấy thân thiết. Ông nhìn chúng tôi quày quả sang đường, nói như cố với theo: “Hồi xưa chưa làm phố đi bộ, đường này cũng như mấy đường ngoài kia thôi, xe với người chạy qua chạy lại. Giờ làm phố đi bộ, người ta dừng lại, không chạy nữa”.

Ông nói không sai. Không ai chạy xe vào đường đi bộ. Đã vậy, còn có mấy bảo vệ đi bộ hoặc đạp xe tới lui, dập tắt mọi ý định chèn bánh xe vào làn đi bộ của bất kỳ một “quái xế” nào. Phố đi bộ vì thế thong dong.

Ở hướng Ủy ban nhân dân TPHCM, mấy người lớn đang quây quần bên đám trẻ con đứng xem phun nước. Một gia đình có vẻ là khách, mấy người lớn dàn ngang trước tượng đài Bác Hồ, kêu sắp nhỏ “đứng vô chụp tấm hình về có cái để khoe”. 

Xung quanh hồ nước, một nhóm bạn trẻ ngồi quay mặt ra đường. Tư thế này không giống như đang chờ xem nhạc nước, nhưng nó lại rất giống với cái vẻ của người đã quá thân thuộc với nơi này. Hễ ai từng đến đây, chắc chắn bị màn trình diễn nhạc nước hấp dẫn. Nhưng nếu đã từng đến vài lần, màn trình diễn nhạc nước 15 phút ngắn ngủi nọ không còn đủ sức hấp dẫn. 

Nhưng đêm nay, nhạc nước im ru, chỉ có mấy cái vòi phun nước đủ màu miệt mài trình diễn. Tôi hỏi nhóm thanh niên xung phong đang làm nhiệm vụ gần đó: “Sao hôm nay không thấy nhạc nước?”. Ông anh lớn tuổi nhất vui vẻ: “Chắc ổng nhậu xỉn ngủ rồi, không mở nhạc”. Cả nhóm phá lên cười thì một bạn trẻ hơn nói: “Chắc trục trặc gì đó. Nãy giờ hai đợt, nó chỉ phun nước vậy thôi”. Bạn trẻ này không giấu được vẻ mặt ngượng ngùng với một sai sót khó lòng chấp nhận đó. Lệ thường, từ 18g30 đến 20g là khung giờ của những đợt trình diễn nhạc nước. 

Nhưng, cả con đường Nguyễn Huệ rộng lớn hơn những tụ điểm phun nước nhiều. Đó đây, những người trẻ túm tụm. Có nhóm dàn hàng nhảy rap, có nhóm khiêu vũ. Bọn trẻ chạy chơi trong sự quan sát của những phụ huynh đang ngồi bên những bục đá bên đường.

Sinh động nhất là những màn trượt pa-tin xuyên đám đông của những người trẻ điêu luyện. Đường đi bộ Nguyễn Huệ có lẽ là một không gian tuyệt vời nhất cho bộ môn thể thao này. Đường trượt dài, băng qua những “khán giả” tự do nhất, họ có thể ngước nhìn theo, hoặc thủng thẳng làm việc của riêng mình. “Nghệ sĩ” có thể được ngắm nhìn, nhưng cũng được bình đẳng với “khán giả” như những thị dân đang cùng chia sẻ một không gian đô thị. Không có khoảng cách sân khấu - khán đài. 

Dường như mọi màn trình diễn tự phát được mang ra đây đều có chung điều kiện đó. Ở đường Nguyễn Huệ, người ta vừa có đất diễn, vừa không phải chịu áp lực từ khán giả. Tự do và cơ hội đan cài vào trên cùng một không gian, rất Sài Gòn.

Trời đổ mưa. Tôi đang dáo dác thì chợt khựng lại vì vẻ bình thản của những “dân chơi” quanh mình. Gần như không ai rời khỏi vị trí. Họ vẫn tiếp tục nhảy, tiếp tục ngồi vòng tròn, tiếp tục trượt… Trước đài phun nước gần tượng đài Bác Hồ, có đứa trẻ thoát khỏi ánh nhìn của mẹ, chạy tít vào bên trong sàn phun rồi bị những vòi nước đủ màu làm cho ướt mem. Có hề gì, cả con đường rộng lớn này, cả trăm người lớn cũng đang ướt mưa. 

Trong khoảnh khắc đó, chúng tôi chợt thấy đường Nguyễn Huệ như bộc lộ cái nét mê chơi, cái thong dong bên trong một Sài Gòn tất bật. “Bây giờ, người ta dừng lại” - câu nói của ông giữ xe ở góc đường Mạc Thị Bưởi như thâu cả tâm thế của những người chọn đến nơi này. Giữa thành phố mười triệu dân, phần đông đúc ở đường Nguyễn Huệ cũng chẳng đáng là bao khi đem quy thành nhu cầu của toàn thể thị dân. Con số lúc này không nói lên được nhiều. Nhưng, đi vào bên trong lộ trình di chuyển của những con người đang hiện diện nơi này, sẽ thấy, giữa những điểm đến thường xuyên như nhà riêng, cơ quan, trường học thì đường Nguyễn Huệ là một điểm thong dong hiếm hoi nổi lên trong lộ trình của họ. Giữa cái tất tả đã trở thành “thương hiệu” của thị dân Sài Gòn, Nguyễn Huệ - đường đi bộ hiếm hoi ở TPHCM - là nơi để người ta dừng lại.

Đường đi bộ Nguyễn Huệ tạo ra không gian thoáng đãng ở trung tâm Sài Gòn - Ảnh: M.T.
Đường đi bộ Nguyễn Huệ tạo ra không gian thoáng đãng ở trung tâm Sài Gòn - Ảnh: M.T.

Gánh hàng rong ở đường đi bộ

Không thể phủ định được rằng, cả phố đi bộ Bùi Viện lẫn đường đi bộ Nguyễn Huệ đều đang thu hút được người dân. Nhưng hiện tại, đối tượng khách và đặc điểm của hai khu vực này khác nhau thấy rõ. Phố Bùi Viện không cạnh tranh với đường đi bộ Nguyễn Huệ và ngược lại. Nhưng, liệu khi sự “đi bộ hóa” được nhân lên ở năm - bảy, thậm chí 10 tuyến đường, sự đa dạng có còn được đảm bảo? Làm sao để chạm vào được nhu cầu thật của người dân thành phố vốn cực kỳ đa dạng về thị hiếu? 

“Siêu phố đi bộ” làm sao chạm vào phần thị hiếu mà đường đi bộ Nguyễn Huệ đã không chạm đến? Điều này chắc chắn phụ thuộc vào cách quy hoạch loại hình kinh tế, dịch vụ đi kèm mỗi con đường hay phố đi bộ. Mỗi con đường hay phố đi bộ, nếu cần được sinh ra, thì nên được hình thành bằng chính mục tiêu kinh tế, lấy đặc trưng kinh tế, thậm chí văn hóa để làm bản sắc, để tạo sức sống lâu dài.

Quay trở lại thứ ánh sáng tráng màu xuống mặt đường đi bộ Nguyễn Huệ đập vào mắt tôi từ lúc bước chân đến. Đó chính là màu của những tấm bảng quảng cáo hai bên đường. Mỗi màu sắc là một thương hiệu. Những cái tên đã xuất hiện trong không gian này nghĩa là đã được tiếp thị trực tiếp trong một vị trí đắt đỏ bậc nhất thành phố. Nhưng dường như, những ánh sáng đó không liên quan mấy đến những người chơi trên đường đi bộ. Người đến đường Nguyễn Huệ để đi bộ, chạy chơi thì không dùng những dịch vụ bên đường, không mua hàng hiệu, không ở khách sạn sang. 

Ngược lại, ta thường hay nghe ca thán rằng, đường đi bộ Nguyễn Huệ khiến người ta cảm thấy khó tìm đường, dễ bị lạc khi vào trung tâm. Đó là vì, nhiều người có việc cần đến những địa chỉ hai bên đường thì không có nhu cầu gì với đường đi bộ. Những dãy phố xung quanh dường như chỉ làm gia tăng tính thẩm mỹ của cung đường này chứ không tạo sự tương tác kinh tế với đường đi bộ. 

Bà Năm bán bánh tráng nướng - một trong những bà chủ hàng rong ở đường đi bộ Nguyễn Huệ - kể về nỗ lực phục vụ của mình như một phi vụ trốn tránh người thi hành công vụ. Hễ trời tạnh, khách đông, bà lại bất an do lực lượng quản lý đô thị tích cực làm nhiệm vụ, đuổi sạch hàng rong. Trời mưa, khách vắng hơn, bà lại cảm thấy an toàn vì lực lượng chức năng cũng “thong thả hơn một chút”. Nhưng, với những người đến phố đi bộ như một nhu cầu thư giãn như chúng tôi,  bà Năm và những gánh hàng rong tương tự chính là những “bạn hàng” thực sự.

Đi bộ không chỉ là đi bộ mà còn là một không gian để cân bằng, một nơi để tận hưởng sự di chuyển và cả sự dừng lại của những thị dân quanh năm tất bật. Vậy thì, phố, đường đi bộ cũng không thể chỉ là một không gian trống trải để rảo bước. Nó cần là một nơi nuôi được nhu cầu sống, nhu cầu bầu bạn với đô thị. Nó cần là một không gian hài hòa giữa khách và người dân sở tại, họ tương tác với nhau trong không gian đó bằng cả sự hiếu khách lẫn bản năng phục vụ, làm ăn của thị dân Sài Gòn. Bởi vậy, nếu việc quy hoạch “siêu phố đi bộ” tách rời khỏi việc quy hoạch không gian kinh tế đặc trưng, e rằng sẽ bỏ lỡ một cơ hội sống của dự án này. 

 Thanh Tân - Thùy Dương

 


 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI