Sẽ thanh tra đột xuất các doanh nghiệp thu phí cao hơn quy định

09/01/2016 - 06:25

PNO - Xử phạt vi phạm hành chính đối với DN không triển khai các chế độ báo cáo danh sách LĐ với Cục và cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài.

“Bộ LĐ-TB-XH xác định năm 2016 sẽ đưa 100.000 người đi xuất khẩu lao động (XKLĐ). Để đạt mục tiêu này, Bộ sẽ đưa ra nhiều biện pháp thắt chặt quản lý đối với các doanh nghiệp (DN) để giảm chi phí cho người lao động (NLĐ), giảm thiểu các vụ việc phát sinh ở nước ngoài; đặc biệt là sẽ xử lý nghiêm các DN thu phí cao hơn mức quy định” - ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB-XH) cho biết.

* Với số lượng người XKLĐ theo mục tiêu trên, chúng ta sẽ phát triển thêm những thị trường nào, ngành nghề nào trong năm 2016, thưa ông?

Se thanh tra dot xuat cac doanh nghiep thu phi cao hon quy dinh

Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh (ảnh): Trong năm 2016, khu vực Đông Bắc Á, Đài Loan và Nhật Bản vẫn tiếp tục được dự báo là tiếp nhận nhiều LĐ Việt Nam hơn so với các thị trường khác. Việc Đài Loan tiếp nhận lại khán hộ công gia đình và thuyền viên tàu cá gần bờ đồng thời cho phép các DN mới của Việt Nam tham gia cung ứng LĐ cho thị trường này sẽ giúp gia tăng số lượng LĐ Việt Nam vào làm việc tại Đài Loan.

Tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam và Thái Lan đã ký kết thỏa thuận hợp tác LĐ và Thái Lan cũng đã cho phép hợp pháp hóa cho NLĐ Việt Nam làm việc trong bốn ngành nghề, nên sẽ tiếp nhận LĐ Việt Nam nhiều hơn. Khu vực Trung Đông cũng nhận thêm nhiều LĐ Việt Nam ở các ngành nghề xây dựng, dịch vụ, giúp việc nhà. Mặt khác, ta vẫn tiếp tục hợp tác với Cộng hòa Liên bang Đức và Nhật để đào tạo và đưa ứng viên điều dưỡng sang làm việc.

Hiện Bộ LĐ-TB-XH đã xác định những thị trường chủ lực năm 2016 là Malaysia, Đài Loan, Nhật Bản. Dự kiến 90% LĐ sẽ tập trung vào ba thị trường này. Với thị trường Hàn Quốc, ta sẽ tiếp tục đàm phán để sớm nối lại chương trình hợp tác LĐ EPS.

Nếu đàm phán thành công, khoảng 15.000 LĐ Việt Nam sẽ được dự tuyển sang nước này với chi phí chưa đến 1.000 USD/người. Ngoài ra, ta sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp chấn chỉnh, tìm cách giảm chi phí để tạo điều kiện cho NLĐ tham gia hai thị trường Đài Loan và Nhật Bản.

* Ông có thể nói rõ hơn về các biện pháp chấn chỉnh cụ thể sẽ tiến hành, nhất là với thị trường Nhật Bản và Đài Loan?

- Trong năm 2016, Cục sẽ triệt để thực hiện các văn bản chấn chỉnh đối với các thị trường về số lượng đơn vị được DN giao nhiệm vụ; nghiêm khắc xử lý các DN vi phạm những quy định này, đặc biệt là với các DN thu phí cao hơn mức quy định.

Với thị trường Đài Loan, Cục tiếp tục triển khai quy định giảm phí theo lộ trình đã xây dựng từ năm 2012. Rà soát, chấn chỉnh hoạt động của các DN hoạt động dịch vụ đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài (tập trung kiểm tra các chi nhánh, đầu mối hoạt động không đăng ký hoặc vượt quá số lượng quy định).

Tăng cường thanh tra, kiểm tra để ngăn ngừa, phát hiện và xử lý các vi phạm của các DN theo quy định của pháp luật (đặc biệt đối với các công ty không trực tiếp tuyển chọn, đào tạo và thu tiền của NLĐ, không phối hợp giải quyết kịp thời các phát sinh của NLĐ, không tuân thủ quy định về chế độ báo cáo), thu hồi giấy phép đối với những DN vi phạm các quy định của pháp luật hoặc hoạt động không hiệu quả.

Xử phạt vi phạm hành chính đối với các DN không nghiêm túc triển khai các chế độ báo cáo danh sách LĐ với Cục và cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài. Đặc biệt, Cục sẽ có biện pháp kiểm tra trực tiếp từ NLĐ mức thu phí của DN.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI