Sau khi tiêm vắc xin, người dân nên làm gì?

19/06/2021 - 09:19

PNO - Sau khi được tiêm vắc xin, người dân có thể gặp một số tác dụng phụ như sốt, đau cơ, mệt mỏi, uể oải, đau đầu... đừng hoang mang lo lắng, hãy thực hiện theo các hướng dẫn sau.

Người dân ở Long An trong cuộc thử nghiệm tiêm vắc-xin
Người dân ở Long An tiêm vắc xin

Sáng 19/6, 500 nhân viên Công ty FPT Software tại Khu công nghệ cao TPHCM sẽ được tiêm vắc xin ngừa COVID-19. Đây là chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước đến nay tại TPHCM nói riêng và Việt Nam nói chung.

Ngoài việc mang giấy tờ tùy thân, đến cơ sở tiêm chủng đúng giờ, người dân cần khai báo y tế điện tử trung thực, tuân thủ nguyên tắc 5K trong phòng, chống COVID-19, thông báo chính xác tình trạng sức khỏe, bệnh lý đang điều trị, bệnh mạn tính, cơ địa dị ứng thức ăn, thuốc... thì việc theo dõi sau tiêm cũng rất quan trọng.

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế và Sở Y tế TPHCM, việc quan trọng nhất sau tiêm vắc xin ngừa COVID-19 là người dân nên ở lại điểm tiêm chủng 30 phút để được nhân viên y tế theo dõi sức khỏe, kịp thời phát hiện các phản ứng, tác dụng phụ. Tuyệt đối không được tự ý bỏ về trước khi kết thúc theo dõi 30 phút tại cơ sở tiêm chủng, không tự điều khiển phương tiện giao thông cá nhân khi thấy không khỏe sau tiêm.

Khi về nhà, nơi làm việc, người được tiêm nên chủ động theo dõi sức khỏe của bản thân trong vòng 3 tuần. Nếu bị một trong các triệu chứng sốt, mệt mỏi, đau đầu, ớn lạnh, đau cơ, đau khớp, tăng cảm giác đau, ngứa, sưng, đỏ, đau tại chỗ tiêm, bồn chồn… là dấu hiệu "thông báo" cơ thể bạn đang tạo ra miễn dịch phòng bệnh COVID-19. Bạn có thể uống thuốc hạ sốt, giảm đau đầu... theo hướng dẫn của nhân viên y tế tại khu vực tư vấn trước tiêm.

Lưu ý, trong vài giờ đầu sau tiêm, người được tiêm bị một hoặc nhiều triệu chứng như sốt cao hơn 39 độ C, sưng đỏ lan rộng tại chỗ tiêm, đau cơ dữ dội, huyết áp không ổn định, tê quanh môi, đầu lưỡi, phát ban tím tái, đỏ da, họng căng cứng, khàn đặc như tắc nghẽn, mạch yếu, tay chân vận động yếu, co quắp cảm giác muốn ngã... tuyệt đối không bôi, đắp thuốc hoặc bất cứ thứ gì lên vết tiêm mà hãy báo ngay với cơ sở y tế gần nhất, gọi vào số điện thoại được cung cấp sau tiêm bởi có thể bạn đang đối mặt với nguy cơ phản ứng.

Ít nhất 12-14 ngày sau khi tiêm mũi đầu tiên, cơ thể mới bước đầu sinh kháng thể. Sau tiêm mũi thứ 2, vắc xin đạt hiệu quả bảo vệ. Tuy nhiên, hiệu quả này cũng chỉ đạt ở mức khoảng 60-90% tùy theo từng loại vắc xin mà bạn được tiêm.

Vì vậy, sau khi tiêm chủng, tất cả mọi người vẫn có nguy cơ lây nhiễm COVID-19. Do đó, người dân không được chủ quan, lơ là mà phải cần tuân thủ các biện pháp 5K để phòng dịch.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI