Sau 48 tiếng tiêm thử nghiệm vắc-xin ngừa COVID-19: Các tình nguyện viên hiện ra sao?

01/03/2021 - 06:45

PNO - Xen lẫn hồi hộp khi tình nguyện tiêm thử nghiệm vắc-xin ngừa COVID-19 “made in Vietnam”, người dân tại H.Bến Lức, tỉnh Long An có niềm tin mạnh mẽ những liều vắc-xin này sẽ giúp Việt Nam đẩy lùi dịch bệnh.

 

Ông S. cho biết: “Không thử nghiệm làm sao biết vắc-xin của nước mình có tốt hay không?” - Ảnh: Phạm An
Ông S. cho biết: “Không thử nghiệm làm sao biết vắc-xin của nước mình có tốt hay không?” - Ảnh: Phạm An

Khi người dân tình nguyện 

Sau 48 tiếng được tiêm vắc-xin Nanocovax thử nghiệm, hầu hết những người dân mà chúng tôi liên hệ được, đều cho biết rất thoải mái, ăn uống nghỉ ngơi bình thường và tin tưởng sắp tới vắc-xin ngừa COVID-19 của Việt Nam sẽ được tiêm rộng rãi trong cộng đồng.

Người được tiêm mũi vắc-xin đầu tiên ở H.Bến Lức là ông N.M.T. (52 tuổi, ở xã Thanh Phú). Ông cho biết: “Ngày đầu sau tiêm, về nhà tôi hơi hồi hộp và cố gắng để ý đến các biểu hiện mà bác sĩ hướng dẫn trước đó. Tuy nhiên, đến nay tôi không bị đau hay nóng sốt. Tôi thật may mắn khi là người đầu tiên ở miền Nam được tiêm trước vắc-xin Nanocovax”.

Còn chị P.T.T.T. (39 tuổi, ở xã Tân Bửu) cảm thấy hơi đau ở tay tiêm vắc-xin, nhất là khi vận động. Ngoài ra, chị không gặp bất cứ vấn đề nào khác. Chị nói: “Đau tay khi vận động là một trong những biểu hiện mà trước đó tôi được bác sĩ tư vấn là triệu chứng bình thường sau khi tiêm ngừa nên cũng không lo lắm. Mong Việt Nam sớm có vắc-xin để người dân đi làm, buôn bán bình thường như trước đây, giờ đi đâu cũng sợ lây virus”.

Nhớ lại hành trình làm tình nguyện viên, chị T. kể, khi nghe Trạm Y tế xã Tân Bửu tìm người thử nghiệm vắc-xin ngừa COVID-19, chị giấu gia đình viết đơn làm tình nguyện viên và rủ đồng nghiệp cùng tham gia. Cơ quan của chị có 14 người tình nguyện, sau khi sàng lọc, 10 người đã được chọn đợt thử nghiệm đầu tiên.

Dù nghe tin đồn nhiều nước trên thế giới tiêm thử nghiệm vắc-xin đạt kết quả không mong muốn, nhưng chị nghĩ phải có những người sẵn sàng tiêm thử nghiệm thì vắc-xin Việt Nam mới “chào đời”. Đến sáng 26/2, chị là một trong 38 người dân tại H.Bến Lức, tỉnh Long An đã có mặt ở Trung tâm Y tế H.Bến Lức để thử nghiệm vắc-xin.

Có lần đang ngồi sửa xe, nghe mọi người nói về thử nghiệm vắc-xin, anh P.T.D. (52 tuổi, ở xã Thanh Phú) liền hỏi: “Vậy tôi làm nghề sửa xe, chạy xe ôm thì có được tiêm thử không?”. Không đợi câu trả lời, anh tìm đến trạm y tế xã đăng ký và lọt qua vòng sơ khảo, nằm trong danh sách tiêm ngừa. Theo anh D., làm nghề chạy xe, tiếp xúc với nhiều người nên khi nghe được tiêm ngừa, anh cho tiệm vá xe lề đường của mình nghỉ một ngày, tháo bảng “xe ôm”, mặc chiếc áo màu đỏ may mắn đi thử nghiệm vắc-xin COVID-19. 

Từ khi được thông báo tiêm vắc-xin, anh D. bớt việc lại, nghỉ ngơi nhiều hơn để có thể trạng tốt nhất cho cuộc thử nghiệm. Đợi trước phòng xét nghiệm máu lần cuối trước khi sang phòng tiêm, trái ngược với cảm giác hồi hộp của mọi người, anh D. tự tin: “Khi nước ngoài có vắc-xin ngừa COVID-19, tôi đã ước mong một ngày Việt Nam sẽ có những loại vắc-xin đó. Nghe nước mình sản xuất được vắc-xin tôi càng mừng. Tôi muốn đóng góp một phần nhỏ cho ngành y tế nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh”.

y được tiêm cho ông N.M.T. (52 tuổi, ở xã Thanh Phú)
Ông N.M.T. (52 tuổi, ở xã Thanh Phú) - tình nguyện viên đầu tiên ở Long An được tiêm vắc-xin thử nghiệm. Ảnh: Phạm An

Tại sao thử nghiệm ở Long An?

Bác sĩ Nguyễn Phương Thủy, Trưởng phòng Nghiên cứu lâm sàng, Công ty cổ phần công nghệ sinh học dược Nanogen (đơn vị sản xuất vắc-xin Nanocovax), thông báo tin mừng từ các chuyên gia rằng: Kết quả thử nghiệm vắc-xin Nanocovax đợt 1 rất khả quan, tình nguyện viên an toàn, tạo ra phản ứng miễn dịch tốt, có tác dụng với virus SARS-CoV-2, kể cả chủng biến thể mới. Hầu hết tình nguyện viên đều có sức khỏe ổn định sau tiêm. Một số ít trường hợp có biểu hiện đau tại vị trí tiêm, sốt nhẹ và khỏi sau hai ngày.

“Chúng tôi rất biết ơn các tình nguyện viên tham gia thử nghiệm, cùng ngành y tế chiến đấu với dịch bệnh. Chúng ta có quyền tin tưởng Việt Nam sẽ có vắc-xin ngừa COVID-19 tốt nhất cho toàn dân”, bác sĩ Thủy kỳ vọng. 

Giám sát buổi thử nghiệm, ông Nguyễn Ngô Quang, Phó cục trưởng Cục Khoa học - Công nghệ (Bộ Y tế), nói: Bộ Y tế và Viện Pasteur TP.HCM chọn tỉnh Long An thử nghiệm vắc-xin bởi địa phương này có hệ thống cơ sở y tế hoàn chỉnh từ tỉnh, huyện đến xã.

Các nhân viên y tế cũng đã tham gia nhiều đợt nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng vắc-xin khác nên có nhiều kinh nghiệm.

Ngoài ra, chính quyền và người dân Long An đều coi đây là trách nhiệm xã hội, ủng hộ nhiệt tình trong hầu hết các cuộc thử nghiệm vắc-xin, đặc biệt là H.Bến Lức. Tỉnh Long An giáp ranh với TPHCM nên việc vận chuyển vắc-xin theo các điều kiện bảo quản, chuyển vắc-xin nghiên cứu hoặc các mẫu phân tích từ Long An về Viện Pasteur TPHCM khá thuận lợi, kịp thời. 

 

Quyền lợi khi tiêm thử nghiệm vắc-xin Việt Nam

Bác sĩ Nguyễn Phương Thủy, Trưởng phòng Nghiên cứu lâm sàng Công ty Nanogen, khẳng định: “Tất cả tình nguyện viên khi tham gia thử nghiệm vắc-xin đều trên tinh thần tự nguyện. Ngoài chi phí đi lại, Công ty Nanogen sẽ hỗ trợ 400.000 đồng/người trong ngày đi thử nghiệm và miễn phí tất cả xét nghiệm cận lâm sàng cũng như xét nghiệm liên quan trước, trong và 
sau tiêm.

Mặt khác, do đây là thử nghiệm, Công ty Nanogen và các bên liên quan chuẩn bị rất chỉn chu công tác xử lý các biến cố không may xảy ra. Nanogen đã làm hợp đồng với đơn vị bảo hiểm để chi trả cho những tình huống rủi ro. Chương trình bảo hiểm này được triển khai kéo dài suốt ba giai đoạn thử nghiệm, với tổng quyền lợi bảo vệ tới 20 tỷ đồng”.

Người bệnh được kiểm tra sức khỏe sau tiêm thế nào?

Ngay sau tiêm, tình nguyện viên được theo dõi ít nhất 60 phút tại địa điểm thử nghiệm. Nếu sức khỏe ổn định, tình nguyện viên tiếp tục được theo dõi tại địa phương, nơi cư trú trong 56 ngày.

Mỗi người được tiêm có một quyển sổ nhật ký sau tiêm vắc-xin để ghi lại các cảm nhận, phản ứng trong cơ thể hằng ngày. Nhân viên y tế thường xuyên liên lạc với tình nguyện viên để kịp thời cập nhật, theo dõi, hướng dẫn họ đi kiểm tra sức khỏe trong trường hợp cần thiết. Người được tiêm cũng được cung cấp một số điện thoại để liên lạc trong trường hợp khẩn cấp hoặc thắc mắc sau tiêm. 

Một tháng sau tiêm, tất cả tình nguyện viên được xét nghiệm xem kháng thể có thể ức chế được SARS-CoV-2 hay không, mức độ ức chế như thế nào. Riêng người được tiêm thử nghiệm lần hai, cứ mỗi tuần một lần sẽ thực hiện xét nghiệm tìm kháng thể. Lúc này, các chuyên gia sẽ tổng kết và dựa vào dữ liệu này sẽ điều chỉnh bổ sung và tìm ra vắc-xin hiệu quả nhất.

Phạm An
 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI