Sau 40 năm, phụ nữ Iran cuối cùng cũng có thể vào sân xem bóng đá

13/10/2019 - 06:00

PNO - Các nữ cổ động viên bóng đá Iran lần đầu tiên quay lại sân vận động quốc gia sau 40 năm đấu tranh vào thứ Năm 10/10 để theo dõi đội bóng của họ đánh bại Campuchia 14-0 ở Tehran.

Tuy lệnh cấm đối với phụ nữ tại các sự kiện thể thao không được viết trong văn bản pháp luật, “quy định bất thành văn” này được Iran thực hiện ngay sau Cách mạng Hồi giáo 1979.

Nhưng sau áp lực từ các nhóm nhân quyền và Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA), Iran đã đồng ý cho phép phụ nữ vào sân vận động.

Sau 40 nam, phu nu Iran cuoi cung cung co the vao san xem bong da
Một phụ nữ Iran mặc màu quốc gia đến sân vận động Azadi, Tehran.

3.500 vé dành riêng cho các fan nữ nhanh chóng được bán hết trong vòng một giờ, trước khi có thêm 1.100 vé được phát hành bổ sung cho trận đấu thuộc vòng loại World Cup.

Chủ tịch FIFA Gianni Infantino nói:  "Đây là một bước tiến rất tích cực; một điều mà FIFA, và đặc biệt là các cô gái, phụ nữ Iran đã háo hức chờ đợi".

"Niềm đam mê, niềm vui và sự nhiệt tình mà họ thể hiện hôm nay thật đáng chú ý. Nó là động lực khuyến khích chúng tôi nhiều hơn nữa để tiếp tục con đường mình đã bắt đầu. Lịch sử dạy chúng tôi rằng sự tiến bộ đến theo từng giai đoạn và đây chỉ là khởi đầu của một hành trình”.

"Do đó, FIFA giờ đây hướng tới tương lai nơi tất cả các cô gái và phụ nữ muốn tham dự những trận bóng đá ở Iran sẽ được tự do làm điều đó, và trong một môi trường an toàn. Đến nay, chúng ta không thể dừng bước hoặc quay đầu lại".

Sau 40 nam, phu nu Iran cuoi cung cung co the vao san xem bong da
4.600 vé dành riêng cho cổ động viên nữ nhanh chóng được bán hết.

Bên trong sân vận động, những người có mặt đã được đội chủ nhà “thết đãi” 14 bàn thắng trong trận đấu tương đối nhẹ nhàng trước đội xếp hạng 169 trên thế giới - Campuchia.

Mặc dù trận banh hôm thứ Năm đánh dấu một bước tiến cho quyền của phụ nữ Iran, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) vẫn xem giới hạn 4.600 người hâm mộ nữ là "phân biệt đối xử, lừa đảo và nguy hiểm".

Tổ chức này cáo buộc “hạn ngạch 5% đối với ghế dành cho phụ nữ trái với điều lệ, quy định và chính sách nhân quyền của FIFA". Điều 4 trong các quy định chung của tổ chức nghiêm cấm phân biệt đối xử đối với phụ nữ và có thể trừng phạt bằng cách đình chỉ hoặc trục xuất thành viên ra khỏi FIFA.

Khi được hỏi liệu những hành động của Iran có thực sự đáp ứng đạo luật cấm phân biệt đối xử về giới hay không, FIFA nói với CNN: "Quan điểm của FIFA về việc tiếp cận phụ nữ đến các sân vận động ở Iran đã rất rõ ràng: phụ nữ phải được phép vào sân vận động ở Iran, theo dõi những trận đấu bóng đá".

Sau 40 nam, phu nu Iran cuoi cung cung co the vao san xem bong da
Suốt 40 năm chờ đợi và đấu tranh, cuối cùng phụ nữ Iran cũng có thể đến cổ vũ các trận đấu thể thao.

Vào thứ ba, người dùng Twitter Iran bắt đầu sử dụng hashtag #WakeUpFIFA, kêu gọi cơ quan quản lý bóng đá thế giới cho phép nhiều phụ nữ hơn đến xem vòng loại World Cup trước Campuchia

Trong những tháng gần đây, FIFA phải chịu áp lực ngày càng tăng về việc buộc Iran phải từ bỏ lệnh cấm phụ nữ vào các sân vận động thể thao, đặc biệt là sau cái chết của Sahar Khodayari - một fan hâm mộ đã tự thiêu sau khi cô bị từ chối vào sân vận động bóng đá ở Tehran.

Được mệnh danh là "Cô gái màu xanh" trên phương tiện truyền thông xã hội dựa trên màu áo của đội bóng đá Iran yêu thích - Esteghlal, Khodayari bị buộc tội "công khai thực hiện một hành động tội lỗi" bằng cách "xuất hiện trước công chúng mà không đội hijab" khi cô cố gắng vào sân vận động dưới lớp ngụy trang như một người đàn ông vào tháng 3/2019.

Khodayari đã xuất hiện tại tòa án ở Tehran vào tháng trước. Khi vụ án được hoãn lại, cô đổ xăng lên người và tự thiêu. Cô gái trẻ qua đời hôm 9/9.

Sau 40 nam, phu nu Iran cuoi cung cung co the vao san xem bong da
Sự hy sinh của nữ cổ động viên trẻ tuổi, Sahar Khodayari , góp phần đem lại kỳ tích cho toàn thể phụ nữ tại Iran.

Ngọc Hạ (Theo CNN)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI