Sau 10 năm thí điểm, TP.HCM đề xuất ‘khai tử’ xe 4 bánh chở hàng gắn động cơ

16/12/2019 - 09:51

PNO - 1/ 2.990 xe còn thời hạn kiểm định. Chủ xe tự cơi nới, “độ” lại xe, lái xe không có bằng lái, chở hàng cồng kềnh… nên nguy cơ mất an toàn cao.

Sở GTVT TP.HCM vừa đề xuất UBND TP giao các đơn vị liên quan đánh giá chất lượng thực tế để làm cơ sở xem xét, đề xuất hạn chế, tiến tới ngừng sản xuất đối với xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ.

Vào năm 2009, TP.HCM đã ban hành Quyết định 04/2009 hỗ trợ chuyển đổi nghề cho người nghèo đang sử dụng xe thô sơ ba, bốn bánh tự chế. Từ đó, hàng ngàn người chạy ba gác ở TP.HCM đã được hỗ trợ chuyển sang mua loại xe chở hàng bốn bánh gắn động cơ (biển số 50TĐ) để mưu sinh.

Sau 10 nam thi diem, TP.HCM de xuat ‘khai tu’ xe 4 banh cho hang gan dong co
Xe chở hàng 4 bánh đậu trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, Q.Bình Thạnh, TP.HCM - Ảnh: TNO

Toàn địa bàn TP.HCM đang quản lý 2.990 xe, nhưng chỉ có 1 xe còn thời hạn của Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Xe chở hàng 4 bánh được sử dụng thay thế cho xe ba bánh nên thường có thiết kế nhỏ gọn, dễ lưu thông trong những đường nhỏ. Tuy nhiên, loại xe này thường xuyên chở hàng cồng kềnh và chở quá tải trọng cho phép do sức chở tối đa không quá 500 kg.

Tình trạng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của hầu hết xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ khi vào kiểm định là rất kém. Các lỗi thường gặp là chủ phương tiện đã tự ý thay đổi kết cấu thùng xe, khung xe, động cơ xe.

Theo Trung tâm Đăng kiểm Việt Nam, các chủ phương tiện tự cơi nới thùng xe sẽ không đi kiểm định. Nếu không kiểm tra, kiểm soát kỹ thì người điều khiển phương tiện vẫn lưu thông bình thường. Khi các phương tiện này đã độ thùng xe to lên thì động cơ cũng phải tương xứng. Hiện phụ tùng để thay thế cho các xe này dường như không có nên nếu bị hỏng phải thay thế bằng phụ tùng khác thì khi vào kiểm định sẽ không đạt. Do vậy chủ phương tiện đi không đăng kiểm.

Sở GTVT TP cho rằng chất lượng của loại xe bốn bánh có gắn động cơ rất kém, nhanh xuống cấp, chủ phương tiện chưa ý thức về việc bảo dưỡng, sửa chữa khiến loại xe này không đảm bảo an toàn. Chưa kể các chủ phương tiện thường không có bằng lái phù hợp (bằng B2).

Theo Sở GTVT, nhu cầu sử dụng đối với loại xe có tải trọng nhỏ là có thật. Tuy nhiên, hiện nay đã có nhiều loại xe có tải trọng tương đương nhưng có chất lượng an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường tốt hơn và được các nhà sản xuất có uy tín cung cấp ra thị trường.

Về chính sách hỗ trợ chuyển đổi, ông Đỗ Ngọc Hải, Trưởng phòng Quản lý vận tải đường bộ, Sở GTVT TP, cho biết sở đã giao Sở LĐ-TB&XH chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức hướng nghiệp, tạo việc làm, dạy nghề cho người mưu sinh bằng phương tiện này khi có nhu cầu chuyển đổi nghề để đảm bảo hỗ trợ cho người nghèo của TP.

Nói về đề xuất hạn chế và tiến tới ngừng sản xuất đối với xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ, ông Nguyễn Võ Hạnh Phúc, Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông TP, cho rằng việc thu hồi, cấm lưu thông loại xe này sẽ tác động đến mưu sinh của người dân.

Do vậy các sở, ngành có liên quan sẽ tiếp tục đánh giá một cách tổng quan về chính sách chuyển đổi, thu hồi phù hợp thực tế, tránh tác động ảnh hưởng đến người sử dụng.

T.H

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI