Sáp nhập, đóng cửa trường ĐH tư nếu mãi thuê cơ sở, mượn giảng viên

14/04/2017 - 21:17

PNO - Ngày 14/4, phát biểu kết luật tại Hội nghị các trường ngoài công lập, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định những trường không thực hiện cam kết đảm bảo chất lượng có thể bị dừng hoạt động, sát nhập…

51/59 trường chưa từng thực hiện đề tài cấp Nhà nước
Đây là một phần trong kết quả nghiên cứu trực tiếp tại 59/60 trường ĐH NCL do nhóm chuyên gia nghiên cứu các trường ĐH ngoài công lập. PGS.TS Phạm Thị Huyền, đại diện nhóm chuyên gia, đánh giá, về cơ bản các trường ĐH NCL có quan tâm đến hoạt động nghiên cứu khoa học nhưng không phải trường nào cũng đủ năng lực và có cơ hội tham gia.

Nhiều trường phản ánh giảng viên, cán bộ có tham gia các đề tài với tư cách thành viên, nhưng để có thể chủ trì đề tài cấp Bộ hay Nhà nước trở lên thì rất khó khăn. 51 trường cho biết chưa từng được thực hiện đề tài nào ở cấp nhà nước; hai trường đã từng có đề tài Nghị định thư là ĐH Duy Tân và ĐH Nguyễn Tất Thành.

Có tới 26 trường chưa từng tài trợ hay đầu tư cho thực hiện các đề tài cấp trường, điều này gần như không có nghiên cứu khoa học. Ngoài ra, có tới 34 trường không có bài báo khoa học trong nước.

Hoạt động nghiên cứu khoa học được coi như là một phần hoạt động không thể thiếu của một trường ĐH. Nhưng phần lớn các trường NCL mới chỉ ở giai đoạn hình thành định hướng phát triển cho hoạt động này. Chỉ một số ít trường đã và đang quan tâm tới nghiên cứu khoa học như trường ĐH Nguyễn Tất Thành, Duy Tân và trường ĐH Quốc tế Sài Gòn có định hướng nghiên cứu.

Cơ sở đào tạo thuê mướn, nhỏ lẻ

Cả nước hiện có khoảng 60 trường ĐH ngoài công lập, quy mô đào tạo chiếm 13,6% quy mô đào tạo ĐH. Theo kết quả khảo sát của nhóm nghiên cứu, có thể thấy, dù đạt được nhiều thành quả nhưng về tổng thể, hệ thống ĐH NCL vẫn còn nhiếu hạn chế. Về đội ngũ, vẫn còn một lượng lớn giảng viên có trình độ cử nhân. Tỷ lệ giảng viên có học hàm giáo sư và phó giáo sư chỉ chiếm 5% trong tổng số hơn 20.000 giảng viên của các trường này. 

Sap nhap, dong cua truong DH tu neu mai thue co so, muon giang vien
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ (giữa) chủ trì hội nghị

Một tồn tại đáng kể khác của hệ thống các trường NCL chính là còn một số trường có quá nhiều cơ sở, diện tích cơ sở nhỏ. Thậm chí, có đến 12 trường thuê mướn 100% cơ sở đào tạo, đáng nói là 5 trường trong số này đã hoạt động trên 20 năm.

Nguồn lực tài chính của các trường ĐH NCL còn hạn chế. Học phí là nguồn thu chủ yếu của các trường, chiếm trên 61,17% tổng thu. Chi chủ yếu cho các hoạt động thường xuyên của nhà trường như trả lương cho cán bộ nhân viên, chi phí điện nước, duy trì bảo dưỡng cơ sở vật chất đã chiếm tới hơn 59%. Điều này cũng hàm chứa rủi ro về tài chính trong bối cảnh việc tuyển sinh gặp nhiều khó khăn.

Trường tư cần được đối xử như trường công

Rất nhiều ý kiến từ phía các trường đòi các chính sách của nhà nước phải bình đẳng công tư trong việc tiếp cận các nguồn vốn vay, các chính sách về tuyển sinh, đào tạo, đấu thầu nghiên cứu khoa học, hỗ trợ đất, thuế… 

Sap nhap, dong cua truong DH tu neu mai thue co so, muon giang vien
Đại diện một trường ĐH NCL góp ý

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, sau hơn 20 năm ra đời, hệ thống các trường ĐH NCL đã góp phần vào việc đào tạo nguồn nhân lực cho xã hội, tổng số thuế năm 2016 đóng góp hơn 1000 tỷ đồng. Các trường NCL đã đóng góp tích cực vào công tác giáo dục, nguồn nhân lực cho đất nước. Phải nhìn nhận công tâm vai trò của các nhà đầu tư tâm huyết cho giáo dục. 

Theo Bộ trưởng Nhạ, các văn bản quy phạm đã có nhưng chưa vững chắc, chưa tạo cho nhà đầu tư yên tâm đầu tư. Đó là trách nhiệm của Bộ trong đề xuất hành lan pháp lý. Nhìn chung các trường còn rất nhỏ về quy mô, thiếu thốn và chưa đảm bảo như những cam kết khi thành lập trường; chất lượng sinh viên chưa cao, các hoạt động chưa đồng bộ. Cơ sở vật chất của nhiều trường chưa đáp ứng yêu cầu như cam kết, còn đi thuê mướn. Tỷ lệ giảng viên trình độ TS chưa cao với khoảng 22%, số giảng viên trình độ cử nhân còn nhiều, tỷ lệ thỉnh giảng còn cao…

Trả lời câu hỏi, tới đây cần làm gì để đẩy mạnh chủ trương xã hội hoá giáo dục, nâng tầm chất lượng hệ thống ĐH NCL? Ông Nhạ nhấn mạnh: Đối với Bộ, tiếp tục rà soát các quy định đã có và căn cứ vào thực tế của các trường để thấy rõ vấn đề nào chưa hợp lý để điều chỉnh. Bộ sẽ kiến nghị Chính phủ, Quốc hội cần sửa đổi và bổ sung 2 luật: GD và GD ĐH.

Cũng cần làm rõ mô hình trường lợi nhuận và không vì lợi nhuận để tạo động lực cho các nhà đầu tư. Trong điều chỉnh cơ chế chính sách, Bộ tạo bình đẳng và cơ hội cho trường công lập và NCL được đầu tư, tiếp cận nguồn lực đầu tư tốt về đất đai, thuế, học bổng cho sinh viên, nguồn lực giảng viên. Vấn đề nào thuộc thẩm quyền Bộ GD sẽ giải quyết, nếu vượt thì bộ sẽ kiến nghị các cơ quan liên quan giải quyết. 

Trong cơ chế chính sách, các trường mong muốn được tự chủ trong việc mở ngành. Các trường sẽ được chấp thuận, được chủ động về mở ngành, liên kết nhưng phải kèm theo công tác hậu kiểm. 

Theo ông Nhạ, cơ chế tốt đến mấy mà các trường không tự thân thì sẽ rất khó. Đề nghị các trường rà soát lại, phải đối chiếu với cam kết ban đầu, có kế hoach cụ thể để thực hiện đúng cam kết. Bộ sẽ tăng cường thanh tra nếu trường nào không thực hiện như cam kết sẽ xem xét dừng đào tạo.

Hiện nay tuyển sinh của các trường được coi là khó khăn nhưng không vì vậy chạy theo quy mô mà tuyển cho đủ, phải tính đến chất lượng. Trong khi điều kiện cơ sở vật chất, tài chính còn hạn chế mà cứ tuyển sinh và đào tạo thì đó là cái bẫy. Đại học phải dài hơi nên không phải phát triển quy mô. Các trường phải chú ý đến điều kiện đảm bảo chất lượng trong đó gồm CSVC, những trường chưa có cơ sở vật chất có thể tính đến phương án sát nhập, đóng cửa…

Tiêu Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI