Sai lầm khi tiêm vắc xin cúm A để ngừa… sốt xuất huyết

05/08/2022 - 12:47

PNO - Vài tuần qua, nhiều bậc cha mẹ ùn ùn đưa con đi tiêm vắc xin cúm A vì cho rằng loại vắc xin này có thể ngừa được cả bệnh sốt xuất huyết. Đến khi trẻ phải nhập viện vì sốt xuất huyết, nhiều người vẫn đinh ninh đó chỉ là do… xui xẻo.

 

Trẻ mắc sốt xuất huyết nặng tăng nhanh tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM
Trẻ mắc sốt xuất huyết nặng tăng nhanh tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM - Ảnh: Phạm An

Tiêm vắc xin cúm A để ngừa… sốt xuất huyết

Đến nay, chị Trần Thị Ánh Nguyệt (34 tuổi, ở huyện Củ Chi, TPHCM) vẫn không thể tin con gái năm tuổi của mình nhập viện vì sốt xuất huyết Dengue bởi: “Gần một tháng trước, tôi đã cho con tiêm vắc xin ngừa cúm A vì nghe nói nó có thể ngừa được sốt xuất huyết, do triệu chứng của hai căn bệnh này khá giống nhau”. Vì quan niệm sai lầm trên, khi con gái sốt cao, chị Nguyệt nghĩ con mình bị viêm họng, cảm cúm thông thường nên để ở nhà chăm sóc. 

Đến ngày thứ tư từ khi mắc bệnh, bé vẫn sốt cao, mệt mỏi, chán ăn, thường xuyên ói… chị mới đưa con đến bệnh viện địa phương điều trị. Nhận thấy bệnh nhi mắc sốt xuất huyết quá nặng, bệnh viện chuyển bé đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM cấp cứu.

Tại đây, bé rơi vào sốc sốt xuất huyết; suy gan, thận. Bác sĩ phải lọc máu, thay huyết tương và các chế phẩm khác. May mắn, sau nhiều ngày điều trị tích cực, bé đã qua nguy hiểm. Tuy nhiên, khi bác sĩ mời chị Nguyệt vào tư vấn, chị không hỏi về vắc xin ngừa bệnh, chỉ cho rằng con mình… xui nên mới mắc sốt xuất huyết.

Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố cũng đã cứu sống nhiều trường hợp trẻ sốc sốt xuất huyết nặng, biến chứng suy hô hấp, rối loạn đông máu, xuất huyết tiêu hóa, tổn thương gan, suy đa cơ quan. Trong đó, một số cha mẹ khi được hỏi cũng đã ngạc nhiên khi biết vắc xin cúm A không ngừa được sốt xuất huyết.

Thậm chí, có giai đoạn bệnh viện tiếp nhận cùng lúc 4-5 trẻ sốc sốt xuất huyết. Như em T.M.K. (14 tuổi, ở Vĩnh Long) thừa cân, được đưa đến bệnh viện sau bốn ngày sốt cao. Lúc này, K. đã bớt sốt nhưng đau bụng nhiều, ói, lừ đừ, tay chân lạnh… Các bác sĩ chẩn đoán K. bị sốc sốt xuất huyết kéo dài, tổn thương gan, suy hô hấp, tràn dịch màng bụng, màng phổi, phải đặt nội khí quản, truyền máu, huyết tương, tiểu cầu. Sau một tuần điều trị, bệnh nhi mới qua cơn nguy kịch. 

Hay bé B.M. (năm tuổi, ở Long An) cũng được đưa đến bệnh viện khá trễ trong tình trạng sốc sâu, kéo dài, rối loạn đông máu, phải thở máy và dẫn lưu màng bụng, truyền máu... để cấp cứu. Anh Nguyễn Văn Hải (cha bé M.) cho biết, do con trai bị dư cân nên gia đình anh rất cẩn thận bảo vệ con trước COVID-19 cũng như sốt xuất huyết hay các bệnh truyền nhiễm khác. Trong đó, lịch tiêm ngừa vắc xin cho bé luôn được tuân thủ chặt chẽ.

Hè này, bà nội của bé nghe nói có dịch sốt xuất huyết nên thường xuyên bổ sung vitamin, xông lá đuổi muỗi cho bé. Trong một lần đi mua thuốc bôi phòng tránh muỗi cho cháu, bà nội của bé M. nghe nói tiêm vắc xin ngừa cúm mùa có thể ngừa được sốt xuất huyết, liền đưa bé đến một cơ sở tư nhân để tiêm. Sau tiêm ngừa, cả nhà cũng bỏ bớt các “vòng bảo vệ”, dẹp luôn thói quen ngủ mùng bởi bé M. không thích.

Anh Hải nói: “Đến khi con sốt, chúng tôi nghĩ vì thời tiết thay đổi khiến bé bị cảm nên để bé ở nhà chăm sóc năm ngày vì sợ vào bệnh viện sẽ bị lây COVID-19, sốt xuất huyết. Khi được bác sĩ giải thích, tôi mới tá hỏa vì vắc xin này không ngừa được sốt xuất huyết. Tôi liền gọi điện về quê bởi cả mẹ tôi và các cháu cũng đã tiêm ngừa cúm nên yên tâm sẽ không mắc bệnh”.

Theo các bác sĩ, đây là một quan niệm sai lầm rất đáng lo bởi vô tình gia đình hoặc người được tiêm vắc xin sẽ bỏ qua nghi ngờ người thân hoặc bản thân mắc sốt xuất huyết, dẫn đến bỏ qua việc điều trị, từ đó bệnh tiến triển nặng, rất nguy hiểm. Đồng thời, đổ xô đi tiêm ngừa cúm A sẽ gây nên tình trạng hết vắc xin; việc tụ tập đông người tạo điều kiện cho các bệnh truyền nhiễm lây lan nhanh. 

Chưa có vắc xin ngừa sốt xuất huyết

Bác sĩ Phạm Văn Quang thăm khám cho trẻ mắc sốt xuất huyết nặng tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM
Bác sĩ Phạm Văn Quang thăm khám cho trẻ mắc sốt xuất huyết nặng tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM - Ảnh: Phạm An

Phó giáo sư - bác sĩ Phạm Văn Quang, Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM, cho biết: “Cúm A là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính, do các chủng của virus cúm A gây ra. Bệnh lây truyền qua đường hô hấp, giọt bắn của người bệnh ho, hắt hơi hoặc qua tiếp xúc các đồ vật, bề mặt nhiễm virus. Một người bị cúm A có thể bị sốt, mệt mỏi, đau họng, viêm đường hô hấp, ói... 

Có thể bởi một số triệu chứng của cúm A giống với sốt xuất huyết Dengue nên mọi người nghĩ vắc xin cúm A ngừa được sốt xuất huyết. Tuy nhiên, mỗi loại vắc xin chỉ có hiệu quả phòng bệnh theo khuyến cáo của nhà sản xuất chứ không thể qua suy luận các triệu chứng tương đồng của bệnh. Gần đây, chúng tôi đã gặp nhiều bệnh nhân nhập viện trễ do chủ quan, cho rằng mình đã chích vắc xin ngừa cúm A nên không thể mắc sốt xuất huyết. Thậm chí một số trường hợp nhập viện trong tình trạng nguy kịch”.

Bác sĩ Quang nói thêm: “Trẻ cần được tiêm vắc xin để có thể chủ động ngừa bệnh, nhất là các bệnh truyền nhiễm. Tiêm vắc xin cúm A là việc nên làm cho trẻ nhưng vắc xin này tuyệt đối không ngừa được sốt xuất huyết như nhiều người đang lầm tưởng”.

Tiến sĩ - bác sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM, cũng nhấn mạnh sốt xuất huyết có thể lây nhiễm cho bất kỳ ai, ở mọi độ tuổi. Đặc biệt năm nay, sốt xuất huyết thuộc chủng Dengue 2 nên mức độ lây lan càng nhanh. Chưa kể rối loạn miễn dịch do sốt xuất huyết cũng được phát hiện ở một số bệnh nhân. Vì vậy, người dân không nên chủ quan.

“Với bệnh truyền nhiễm, người có bệnh nền, thừa cân, béo phì, người thuộc đối tượng nguy cơ có thể tiến triển nặng hơn người khỏe mạnh. Tuy nhiên, nếu người khỏe mạnh đang gặp các vấn đề căng thẳng, mệt mỏi, gắng sức... khi mắc sốt xuất huyết vẫn có nguy cơ diễn tiến nặng. Do đó, người bệnh không nên tự ý chẩn bệnh cho bản thân hoặc người thân”, bác sĩ Hùng nói.

Về việc đổ xô đi tiêm ngừa vắc xin cúm A để phòng sốt xuất huyết, bác sĩ Hùng cho rằng suy nghĩ này rất nguy hiểm. Mỗi loại vắc xin đều ngừa được một hoặc có thể pha trộn phòng ngừa một số loại bệnh. Không thể lấy vắc xin ngừa bệnh này để ngừa bệnh kia. 

Chắc chắn vắc xin cúm A không thể ngừa bệnh sốt xuất huyết Dengue. Đặc biệt sốt xuất huyết có nhiều chủng phức tạp, cơ chế hoạt động chưa được biết rõ. “Cho đến nay, chúng ta vẫn chưa sản xuất được vắc xin đặc hiệu ngừa bệnh sốt xuất huyết”, bác sĩ Hùng nhấn mạnh.

Bệnh lý sốt xuất huyết mỗi năm có một đặc trưng khác nhau. Đến nay, thế giới vẫn chưa nắm hết cơ chế hoạt động, gây bệnh sốt xuất huyết Dengue, các nhà khoa học cũng chưa rõ lý do tại sao cùng mắc sốt xuất huyết nhưng có ca rất nặng và có người lại rất nhẹ. Cho nên, việc sản xuất vắc xin vẫn chưa thành công. Thậm chí mỗi năm, các bác sĩ luôn phải theo dõi, cập nhật kiến thức mới trong quá trình điều trị.  

Thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM cho thấy số ca nhập viện chiếm khoảng 60% ca đến khám; số ca có dấu hiệu cảnh báo, nguy cơ vào sốc chiếm 20%, số ca nặng có sốc chiếm 10%, số ca nguy kịch chiếm 1% tính trên tổng số nhập viện.

Thay vì đổ xô tìm vắc xin phòng ngừa sốt xuất huyết Dengue, người dân cần tích cực diệt muỗi, lăng quăng, ngủ mùng và theo dõi để phát hiện các dấu hiệu sớm của sốt xuất huyết, đưa con em mình đến cơ sở y tế kịp thời. 

Thông thường, bệnh diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày nhưng đối với trẻ em, người lớn tuổi, đặc biệt là người có bệnh mãn tính về tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch... bệnh có thể diễn biến nặng hơn. Vì vậy, nếu thấy trẻ sốt cao trên hai ngày, có một trong các dấu hiệu của bệnh sốt xuất huyết, cần đưa trẻ vào bệnh viện ngay.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI