Sách Nobel văn học trở lại

13/03/2022 - 08:07

PNO - Thị trường sách sôi động hơn khi nhiều tác phẩm đoạt giải Nobel văn học đang trở lại.

Ra mắt nhiều tác phẩm

Nếu những năm trước, giới đọc sách cũng như làm sách còn nhiều e ngại với dòng sách của các tác giả đoạt giải Nobel văn học vì khó đọc; thì nay ngày càng nhiều tác phẩm được tìm lại, in lại và làm mới. Thời gian gần đây, Công ty sách Nhã Nam đã cho ra mắt hàng loạt tựa sách của các tác giả đoạt Nobel văn học, có thể kể đến như Bitna dưới bầu trời Seoul (J.M.G.Le Clézio), Xa lạ trong tôi (Orhan Pamuk), Người xa lạ (Albert Camus), Chuyện rừng xanh (Rudyard Kipling), Tàn ngày để lại (Kazuo Ishiguro)…

Điểm chung của đa phần bản dịch của các tác phẩm này là có lối viết đơn giản, nghệ thuật viết không quá trúc trắc, và có phần gần gũi với độc giả Việt Nam.
Lựa chọn “dấn thân” vào những tác phẩm mới và thách thức người đọc, Công ty sách Tao Đàn gần đây cũng cho ra mắt bộ đôi tác phẩm của nhà văn người Ý Luigi Pirandello, gồm vở kịch Sáu nhân vật đi tìm tác giả và tiểu thuyết Đi tìm nhân dạng.

Bộ đôi tác phẩm của nhà văn đoạt giải Nobel văn học người Ý Luigi Pirandello
Bộ đôi tác phẩm của nhà văn đoạt giải Nobel văn học người Ý Luigi Pirandello

Công ty sách Phanbook cũng cho biết trong quý I năm 2022 sẽ phát hành Nhịp thở chao nghiêng - một trong những tiểu thuyết quan trọng của nữ nhà văn gốc Romania - Herta Müller. Công ty sách Bách Việt cũng sẽ tiếp tục cho ra mắt lần lượt các tác phẩm của nhà văn người Nam Phi, J.M. Coetzee và Bồ Đào Nha, José Saramago.

Vì sao trở lại?

Tác phẩm của những tác giả đoạt giải Nobel rầm rộ trở lại có thể được lý giải từ cả độc giả và giới làm sách. Trước hết, khi văn hóa đọc ngày càng phủ rộng, người đọc ngày càng muốn tiếp cận gần hơn, nhanh hơn và đầy đủ hơn với các tác phẩm văn chương đương đại. Sự bùng nổ của mạng xã hội giúp thông tin xuất bản trên thế giới nhanh chóng được cập nhật, tiếp thu và chia sẻ. Điều này khiến giới làm sách phải luôn nhanh nhẹn và nhạy bén với thực tế để mang những tác phẩm độc đáo đến với độc giả.

Thứ hai, đa phần những tác phẩm Nobel văn học đã được in rất lâu trước đây, và hiện rơi vào tình trạng khan hiếm, từ đó hình thành nhu cầu tìm lại những đầu sách này. Những tác phẩm Tuyết, Pháo đài trắng (Orhan Pamuk), Cuốn sổ vàng (Doris Lessing)… luôn được người đọc săn đón. Trong năm qua, Công ty sách Bách Việt tiến hành tái bản lần lươt bộ sách của J.M. Coetzee, trong khi Nhã Nam cho in lại bộ đôi tác phẩm từng xuất bản hơn một thập kỷ trước của nhà văn Peru Mario Vargas Llosa.

Đại diện của Công ty sách Bách Việt chia sẻ:“Văn chương hàn lâm luôn khó đọc và không phải ai cũng có thể thẩm thấu. Nhưng không vì thế mà nhiều độc giả quay lưng, vẫn có một bộ phận độc giả trung thành với dòng văn học này. Chúng tôi tin số lượng này sẽ ngày càng nhiều và đông đảo hơn trong tương lai”.

Kết hợp với việc nâng cấp, giờ đây các tác phẩm này được khoác lớp áo đúng với tầm vóc của mình, khi hình thức được thiết kế từ chỉn chu cho đến sang trọng hơn. Công ty sách Đông A trong năm vừa qua chủ trương làm tủ sách Trăm năm Nobel với các tác phẩm được in trên loại giấy đặc biệt, nâng cấp bìa cứng hoặc bìa da độc đáo, dàn trang theo tỷ lệ vàng cổ điển… Do đó phù hợp hơn với mục đích sưu tầm của các nhà sưu tầm sách.

Hình thức kết hợp giữa cá nhân và doanh nghiệp xuất bản ngày càng nở rộ. Thị trường kinh doanh tiềm năng của ngành sách đã thúc đẩy các nhà bán lẻ đẩy mạnh đầu tư vào các tựa sách có phần đặc biệt. Phần lớn các công ty sách hiện nay vẫn còn e ngại là bởi phần đông người đọc vẫn chưa tiệm cận một cách phổ biến với sách Nobel. Thay vào đó, các nhà kinh doanh độc lập sẽ đầu tư để công ty sách lo hết các khâu, từ mua bản quyền, biên tập, in ấn… rồi sau đó sẽ nhận lại để phát hành.

Do hợp tác theo hình thức trên, nên số lượng sách bán ra thường không nhiều, chỉ từ ¼ - ½ số lượng bản in phổ thông mà các công ty sách thường cho ra mắt, kết hợp với việc nâng cấp hình thức; nên giá bán của các tựa sách này là không hề rẻ, tuy góp phần đưa các tác phẩm trở lại nhưng mặt khác cũng cản trở một bộ phận người đọc không có nhiều yêu cầu về mặt hình thức bởi giá bìa quá cao.

Tuy có nhiều hình thức và hướng tiếp cận, thế nhưng việc tiếp xúc trở lại với các giá trị văn chương được bảo chứng qua giải Nobel văn học là một bước tiến của giới xuất bản nước nhà, khi dám đầu tư vào một thị phần còn hẹp và nhiều khó khăn. Trong năm tới, nhiều tựa sách của các chủ nhân giải Nobel khác như Saul Bellow, Pearl S. Buck, Kazuo Ishiguro… sẽ tiếp tục được giới thiệu đến độc giả Việt Nam, góp phần làm phong phú thêm thị trường đọc, và ngày càng thúc đẩy văn hóa đọc đến sự đọc sâu hơn, nhiều giá trị và chiêm nghiệm hơn.

Ngô Mình

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI