Rưng rức nỗi niềm đàn bà

11/07/2023 - 18:09

PNO - Ngoài tuổi 40, Tạ Thị Thanh Hải mới thai nghén đứa con tinh thần đầu tay. Là một nhà giáo nên chị kỹ lưỡng chắt chiu từng con chữ trong nhiều năm để sinh hạ tập truyện ngắn Hồi sinh (Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, 2023).

Trước khi cầm tập Hồi sinh, tôi đã được đọc truyện ngắn của Thanh Hải đăng tải khá đều trên các báo và tạp chí khắp 3 miền. Truyện ngắn Tạ Thị Thanh Hải luôn rưng rức nỗi niềm đàn bà, nó không ghim gút ở các chi tiết đắt giá, không theo lối thắt - mở nút đầy kịch tính thường gặp của bút pháp truyện ngắn mà cứ mênh mang trong từng câu chữ.

Có lẽ sự trải đời cùng với sự nhạy cảm của một cô giáo dạy văn đã bồi đắp nên “giọng truyện ngắn” đằm thắm nhưng đầy ray rứt về thân phận đàn bà. Tôi cảm tưởng Thanh Hải ít nhiều có năng khiếu diễn xuất bởi chị đã nhập vai khá tròn trịa nhiều thế hệ phụ nữ Việt, qua cách diễn tả tâm lý nhân vật nhuần nhị trong truyện.

Đa phần truyện ngắn của Tạ Thị Thanh Hải không có nhiều thoại nhưng nếu đã “nhả thoại” thì rất đắt, rất đúng chỗ. Chẳng hạn như: “Thân con gái như hạt mưa sa, thấy được điểm rơi của mình an toàn, ấy là có phước rồi” (Cái lý của trái tim)…

Điểm mạnh của Thanh Hải là cách kể chuyện tài tình theo kiểu để câu chuyện tự kể, đằm nhưng có độ vang nên dẫn dụ người đọc chìm dần vào mạch truyện. Bên cạnh đó, các sự kiện lịch sử được chị đan cài khéo léo vào truyện, là cách kết nối với quá khứ để dẫn đến thực tại, rất lớp lang bài bản, đúng chất mô phạm của một nhà giáo thâm niên. 

Tuy đây là tập truyện ngắn đầu tay nhưng Tạ Thị Thanh Hải đã cho thấy một giọng văn chắc chắn, điềm tĩnh đúng chất phụ nữ đã đủ độ chín trong đường đời cũng như đường văn. Bởi vậy mà truyện của chị tạo cảm giác tác giả cóp nhặt những mảng màu trong cuộc sống đưa vào truyện chứ không cần dụng công hư cấu. Có lẽ thấu hiểu và sống cùng nhân vật là cách để Thanh Hải cảm thông cùng những người bà, người mẹ, người vợ… đang chìm trong nỗi truân chuyên. Chị thường kết truyện bằng những vệt sáng, mở ra hy vọng sau tất cả trầm luân dâu bể, bồi lở kiếp người, đúng như tên của tập truyện.

Đời sống tâm hồn của người phụ nữ là mạch nguồn xuyên suốt tập truyện ngắn này. Tác giả đã phần nào chạm đến thành công khi khắc họa được cái ẩn ức trong Những mạch nước ngầm, cái da diết trong Ngõ nhỏ gập ghềnh, cái ám ảnh nghẹn thắt trong Những thiên thần gãy cánh, cái buồn mênh mang của kiếp hồng nhan trong Đời hoa, cái đớn đau dữ dội trong Giọt máu

Tạ Thị Thanh Hải từng nói: “Tôi rất tâm đắc với quan niệm: Truyện ngắn chỉ là những lát cắt ngang thân gỗ nhưng nhìn vào mạch vân, chúng ta có thể biết được cả một đời cây. Tôi viết truyện như để bày tỏ lòng cảm thông của mình với những mảnh đời từng gặp, những tình huống trớ trêu của số phận đã lay động lòng trắc ẩn của tôi”.

Hồi sinh đã lột tả được nhiều phẩm hạnh cao quý cũng như phơi bày những tẹp nhẹp rất đỗi đàn bà. Tôi tin rằng phụ nữ đọc nó sẽ thấy mình ẩn hiện trong đó, đàn ông càng nên đọc để hiểu thêm về người đàn bà của mình. 

Lê Hải Kỳ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI