Rối loạn huyết áp đâu chỉ là… “bệnh người già”

01/05/2022 - 06:45

PNO - Các rối loạn về huyết áp không chỉ là bệnh của người lớn, người cao tuổi như ta vẫn tưởng. Ngày nay, xu hướng trẻ bị béo phì do chế độ dinh dưỡng không lành mạnh, lười vận động ngày càng nhiều, từ đó cũng kéo theo các bất thường liên quan đến huyết áp.

“Nhiều người vô tình biết mình bị rối loạn huyết áp khi đi khám bệnh lý khác. 25% bệnh nhân rối loạn huyết áp được phát hiện ở giai đoạn muộn do chủ quan và phớt lờ những dấu hiệu bất thường dẫn tới các biến chứng nguy hiểm” - bác sĩ chuyên khoa II Trần Quí Phương Thùy - Trưởng khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Lê Văn Thịnh - cảnh báo.

Rối loạn huyết áp có xu hướng trẻ hóa

Thói quen ăn mặn không tốt cho huyết áp - ẢNH MINH HỌA: INTERNET
Thói quen ăn mặn không tốt cho huyết áp (Ảnh minh họa)

Các rối loạn về huyết áp không chỉ là bệnh của người lớn, người cao tuổi như ta vẫn tưởng. Ngày nay, xu hướng trẻ bị béo phì do chế độ dinh dưỡng không lành mạnh, lười vận động ngày càng nhiều, từ đó cũng kéo theo các bất thường liên quan đến huyết áp.

Chị L.T.C.V. (40 tuổi, ngụ TP. Thủ Đức, TPHCM) thỉnh thoảng lại bị chóng mặt, choáng váng, nhức đầu. Chị V. không đi khám bởi nghe bạn bè bảo có lẽ đó là do thiếu hụt nội tiết tố, chỉ cần uống thực phẩm chức năng bổ sung nội tiết tố và sữa đậu nành mỗi ngày là triệu chứng khó chịu sẽ giảm. Khi nhức đầu, chị V. tự uống thuốc giảm đau, an thần. Gần đây, chị V. bị xây xẩm, hoa mắt đến mức ngã khuỵu khi đang chạy bộ.

Nhận thấy tình huống chóng mặt, té ngã của chị V. hết sức nguy hiểm, nhất là vào những lúc ở một mình hoặc đang di chuyển ngoài đường, gia đình đã đưa chị đi khám.

Sau khi thăm khám và làm các xét nghiệm cần thiết, bác sĩ kết luận không phải chị V. bị khối u chèn ép trong não gây chóng mặt mà bị tăng huyết áp. Qua điều tra bệnh sử, bác sĩ biết được cha chị V. cũng bị tăng huyết áp từ khi còn trẻ, rất có thể tình trạng tăng huyết áp của chị liên quan đến yếu tố gia đình.

Đặc biệt, ngoài tăng huyết áp, chị V. còn được xác định mắc bệnh đái tháo đường. Theo bác sĩ, rối loạn huyết áp kéo dài không được điều trị có thể làm tăng nguy cơ khởi phát bệnh đái tháo đường. 

Tương tự, anh N.Đ.H. (38 tuổi, ngụ TP. Thủ Đức, TPHCM) nhập viện cấp cứu vì bỗng dưng xây xẩm mặt mày, méo miệng, nói đớt. Các bác sĩ xác định anh H. bị đột quỵ não nhẹ. Anh H. hay bị hồi hộp, đánh trống ngực, thậm chí chóng mặt, nôn mỗi khi hoạt động gắng sức. Sau khi nghỉ ngơi, các dấu hiệu trên tự hết nên anh chủ quan không đi khám.

Tới lúc phải nhập viện, nghe bác sĩ hỏi tiền sử bệnh, anh H. mới biết những triệu chứng mình hay mắc là biểu hiện của tình trạng tăng huyết áp. Rất may anh được đưa tới bệnh viện sớm, tình trạng chưa tới nỗi ảnh hưởng các cơ quan chức năng vận động. Tuy nhiên, anh được bác sĩ cảnh báo: Nếu không quản lý huyết áp tốt, nguy cơ tái phát đột quỵ rất dễ xảy ra và lần thứ hai sẽ nặng hơn lần thứ nhất, thậm chí đe dọa tính mạng.

Những dấu hiệu cảnh báo rối loạn huyết áp

Theo bác sĩ Trần Quí Phương Thùy, mỗi ngày, Bệnh viện Lê Văn Thịnh khám khoảng 600 ca liên quan tới các bệnh lý nội khoa và rối loạn chuyển hóa. Trong số đó, các trường hợp liên quan đến rối loạn huyết áp chiếm 46%. 25% bệnh nhân rối loạn huyết áp được phát hiện ở giai đoạn muộn do chủ quan, phớt lờ các dấu hiệu bất thường.

Thông thường, bệnh nhân rối loạn huyết áp chủ yếu ở độ tuổi trung niên nhưng gần đây, các bác sĩ ghi nhận tình trạng người bệnh ngày càng trẻ. Cụ thể tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh, lượng bệnh nhân từ 25 - 30 tuổi chiếm khoảng 2% trên tổng số ca liên quan tới bệnh lý về huyết áp tới khám. 

Chỉ số huyết áp thế nào là lý tưởng? 

Mỗi độ tuổi sẽ có khoảng tham chiếu chỉ số huyết áp lý tưởng khác nhau. Ví dụ từ 30 - 34 tuổi, chỉ số huyết áp bình thường là 122/81mm (110/77 là thấp, 134/85 là cao); 40 - 44 tuổi huyết áp bình thường là 125/83 (112/79 là thấp, 137/87 là cao); 60 - 64 tuổi thì huyết áp bình thường là 134/87 (121/83 là thấp, 147/91 là cao)…

Sở dĩ đối tượng rối loạn huyết áp có xu hướng trẻ hóa như vậy là do lối sống, chế độ dinh dưỡng chưa phù hợp, người bệnh không có thói quen tầm soát sức khỏe tổng quát định kỳ. Nhiều nghiên cứu cho thấy tăng huyết áp ở người trẻ làm sớm hình thành xơ vữa động mạch và khởi phát cũng như tiến triển sớm các bệnh lý tim mạch.

Huyết áp chính là áp lực của mạch máu lên thành động mạch. Thể tích máu trong lòng mạch lớn thì huyết áp cao và diện tích tiết diện của mạch máu càng lớn thì huyết áp càng thấp. 
Những dấu hiệu gợi ý bị tăng huyết áp mà mọi người không nên bỏ qua: đau đầu, chóng mặt, hồi hộp, đánh trống ngực, hoa mắt, nhìn đôi, nôn ói (nếu bị chóng mặt nhiều). 

Các dấu hiệu hạ huyết áp: xây xẩm, chóng mặt, nặng ngực. Bác sĩ Thùy hay ghi nhận các trường hợp hạ huyết áp là do bị tăng huyết áp và đang điều trị nhưng bệnh nhân không tái khám để được chỉnh lại liều lượng thuốc cho phù hợp. Không ít bệnh nhân tăng huyết áp vẫn dùng đi dùng lại toa thuốc được bác sĩ kê từ cách đây cả năm. 

Dấu hiệu của tăng huyết áp và hạ huyết áp chỉ là tương đối và đôi khi bệnh nhân có cùng biểu hiện chóng mặt, nhức đầu. Do đó, muốn xác định chính xác mình bị tăng hay hạ huyết áp, người bệnh cần đến khám ở bác sĩ chuyên khoa chứ không thể tự đoán bệnh. 

Huyết áp thấp bao gồm huyết áp sinh lý và bệnh lý. Huyết áp bệnh lý có thể bắt nguồn từ sự suy giảm chức năng của tim, thận, tuyến giáp, thần kinh thực vật… Huyết áp thấp nếu không được điều trị có thể gây nguy hiểm do không đủ máu tưới cho não và các cơ quan khác trong cơ thể (nhất là với những bệnh nhân cao tuổi có bệnh mạn tính đi kèm).

Ngoài ra, còn một tình huống khác: huyết áp không ổn định (thay đổi cao thấp bất thường, khó kiểm soát). Các dấu hiệu của huyết áp không ổn định cũng tương tự như trên: đau đầu, chóng mặt, hoa mắt, tim đập nhanh, vã mồ hôi, đỏ mặt… Đặc biệt, khi đo huyết áp bằng máy tại nhà thì thấy chỉ số thay đổi không ổn định. Nếu không được can thiệp điều trị sớm sẽ có nguy cơ làm giảm sức bền của thành mạch, rối loạn nhịp tim, nhồi máu cơ tim, tai biến, ảnh hưởng chức năng thận, mạch máu, thị lực của mắt (nhìn mờ)…

Để hạn chế tình trạng rối loạn huyết áp, cần giảm độ mặn trong thực đơn hằng ngày (tránh các món thức ăn nhanh, đồ nguội), ít sử dụng rượu bia, luyện tập thể dục thể thao đều đặn và khám sức khỏe định kỳ mỗi 6 tháng - 1 năm/lần, cố gắng giữ cân bằng trong cuộc sống để bản thân không bị áp lực căng thẳng.

Những người đang điều trị rối loạn huyết áp cần tái khám hằng tháng để được bác sĩ theo dõi và canh chỉnh liều thuốc cho phù hợp với từng giai đoạn của bệnh. Mọi người cũng có thể sử dụng máy đo huyết áp tại nhà để kiểm soát chỉ số huyết áp của bản thân, kịp thời phát hiện những bất thường. Thời điểm đo huyết áp tốt nhất: ngày hai lần vào sáng và chiều, trước khi đo nên nghỉ ngơi khoảng 15 phút để cho kết quả chính xác nhất. 

Nếu thấy bản thân có các dấu hiệu bất thường như đã kể trên mà đo ra chỉ số huyết áp cao hoặc thấp thì nên đi khám sớm để được can thiệp, điều trị kịp thời. Tăng huyết áp không được kiểm soát sẽ gây ra các nguy cơ như đột quỵ não, nhồi máu cơ tim, khởi phát bệnh lý đái tháo đường, các biến chứng về mạch máu và thần kinh. 

Nguyên nhân khiến huyết áp không ổn định

- Lo lắng, căng thẳng, sợ hãi hay những cú sốc tâm lý.

Sử dụng chất kích thích.

Thay đổi môi trường hoặc thay đổi tư thế đột ngột.

Tác dụng phụ của một số thuốc có ảnh hưởng đến huyết áp (dùng sai thuốc huyết áp, corticoid...).

Biến chứng hoặc triệu chứng của một số bệnh như suy tim, rối loạn thần kinh…

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI