Rap cho thiếu nhi: Sân chơi cho trẻ hay vì người lớn?

24/11/2020 - 06:57

PNO - Những cuộc thi rap dành cho trẻ em bắt đầu xuất hiện. Liệu rằng, loại hình âm nhạc này có phù hợp với trẻ?

Nhạc rap nổi lên như một hiện tượng trong làng nhạc Việt 2020. Rap ViệtKing of rap vừa khép lại thì hai sân chơi mới có sự góp mặt của rap, hip hop ra đời: Rap nhí Việt Nam, Giọng hát Việt nhí: New Generation. Nhưng khác với sự hào hứng, người ta lại tỏ ra lo ngại khi đối tượng nhà sản xuất (NSX) hướng đến là trẻ em.

Giọng hát Việt nhí (NSX Cát Tiên Sa) tuyển thí sinh trong độ tuổi 8 đến dưới 16. Ban đầu, chương trình có tên Giọng hát Việt nhí: Hiphop on stage, chỉ tuyển thí sinh biết rap, nếu không, thí sinh có thể kết hợp với một thí sinh khác biết rap để tạo thành một cặp thi. Khi vào các đội, thí sinh sẽ được huấn luyện viên, cố vấn giúp đỡ để sáng tác, dàn dựng tiết mục đúng tinh thần hip hop. 

Nhưng với thông tin cập nhật gần nhất, NSX này lại thông báo âm nhạc trong chương trình gồm RnB, pop, jazz blues và thậm chí có thể kết hợp với rap/hip hop.

Còn Rap nhí Việt Nam (do Viettimes media kết hợp VTC sản xuất) tuyển thí sinh từ 5 đến 15 tuổi. Chương trình bao gồm các vòng: loại trực tiếp, đối đầu và chung kết. Thí sinh được chỉ định chủ đề cho từng vòng thi. Thí sinh tự chuẩn bị ca khúc dự thi, nhưng vẫn sẽ có sự hỗ trợ từ huấn luyện viên.

Hiện tại, chương trình đã thực hiện được 2 lần casting. Một số video, hình ảnh của thí sinh đã được NSX đăng tải trên fanpage chính thức của cuộc thi. Dự kiến, chương trình lên sóng VTC1 vào tháng 12 tới.

Nhóm thí sinh của chương trình Rap nhí Việt Nam
Nhóm thí sinh của chương trình Rap nhí Việt Nam

Khá nhiều bình luận phản đối ngay trên fanpage của cuộc thi: “Làm ơn dẹp chương trình này”, “Tôi thực sự thấy chương trình này không ổn chút nào”, “Rap nhí, có vẻ NSX đã đi hơi xa rồi”, “Tôi thực sự không hiểu tụi nhỏ sẽ rap về cái gì khi chưa có đủ trải nghiệm?”...

Nhạc rap xuất hiện và tồn tại trong làng nhạc Việt khá lâu nhưng đến năm 2020, sau 2 chương trình lớn, rap mới "bước" qua được nhiều "rào cản" để tiếp cận với khán giả đại chúng. Việc tận dụng sức hút để tạo ra một phiên bản mới là điều dễ hiểu, thậm chí không lạ với thị trường gameshow nhiều năm qua. Tuy nhiên, rap có những đặc thù nhất định khiến người tiếp nhận còn dè dặt.

Về chuyên môn, sự hấp dẫn của rap được tạo nên bởi nhiều kỹ thuật sử dụng câu chữ như: so sánh, ẩn dụ, chơi chữ, gieo vần... Thường, những yếu tố này đòi hỏi rapper phải có một vốn hiểu biết tốt về cuộc sống, ngôn ngữ lưu loát. Ngay với người lớn, đây đã là một thử thách khó, thì liệu với trẻ con có phải là một cuộc chơi quá sức?

Năm nay, Giọng hát Việt nhí cũng trở thành phiên bản của rap
Năm nay, Giọng hát Việt nhí cũng sẽ có sự xuất hiện của rap, hip hop

Rapper H. chia sẻ: “Đầu tiên cần khẳng định rap hay hip hop, không phải là loại hình đến và đi chóng vánh mà thành. Các rapper thực thụ phải mất nhiều năm, có khi đến 20 năm để hoàn thiện bộ kỹ năng của mình. Với trẻ con, các em, cháu đã có kỹ năng gì, có vốn sống gì để viết? Trong khi đó, điều quan trọng nhất của rap là chất riêng, do chính tác giả tạo ra và trình bày. 

Khi trẻ chưa hiểu được hip hop, rap là gì, mà chỉ thực hiện theo hướng dẫn của người lớn, đó không phải là sân chơi để thể hiện đam mê, tài năng nữa, mà chỉ là nơi copy, trả bài. Tôi cho rằng đây là việc phát triển quá vội vàng. Có phụ huynh từng tìm đến tôi để nhờ rèn luyện cho con đi thi, tôi từ chối ngay”.                                         

Một điểm dễ thấy, rap luôn thể hiện tiếng nói, quan điểm cá nhân rất mạnh về nhiều mặt của đời sống, đôi lúc rất nổi loạn. Một thờ gian dài rap bị "kỳ thị'' vì ngôn từ thiếu sự trong sáng, thậm chí dung tục. Điều này khiến nhiều người hoang mang khi những sân chơi này tiếp cận với trẻ thơ. 

Nhạc rap có những đặc thù nhất định khômg thể áp dụng cho trẻ
Nhạc rap có những đặc thù nhất định không thể áp dụng cho trẻ

Rapper H. cho biết, theo quan sát của anh, số lượng trẻ có thể đọc rap để thi đấu rất ít. Trong khi đó, một sân chơi thì cần nhiều nhân tố hơn.

Đó cũng là suy nghĩ của nghệ sĩ Việt Max (người có 28 năm theo đuổi hip hop, nghệ thuật đường phố) ngay từ khi manh nha thông tin cuộc thi rap dành cho thiếu nhi ra đời. Anh đặt vấn đề: “Chúng ta sẽ lấy những rapper nhí thực sự đó từ đâu? Hay chúng ta phải “nhào nặn” ra những rapper nhí đó để đáp ứng tiêu chí chương trình?”. 

Chưa kể, khi bước vào một cuộc thi, trẻ còn mang theo kỳ vọng của gia đình, và chịu áp lực từ sự cạnh tranh dù muốn hay không.

Đêm chung kết Rap Việt thu hút 1,2 triệu người theo dõi trực tuyến trên YouTube, với rất nhiều lần quảng cáo kéo dài trên sóng truyền hình. Chỉ riêng tập 2 của Rap Việt, theo tính toán sơ lược, đã có thể mang về tối đa khoảng 2 tỷ đồng cho NSX. Như vậy, với cả một hành trình dài, con số tổng hẳn không là nhỏ. King of rap cũng liên tục góp mặt trong top đầu của bảng xếp hạng trending YouTube. 

Đặt ra tất cả những vấn đề trên để thấy, không phải không có lý do để dư luận nghi ngờ, liệu những phiên bản nhí của rap có thực sự là sân chơi thật dành cho trẻ, hay chỉ là nơi để NSX thu lợi?

Rapper H. cho rằng: “Tôi nghĩ các cuộc thi về rap cho trẻ em chưa thực sự cần. Thay vào đó, chúng ta có thể tổ chức những buổi giao lưu, workshop... để các em được hiểu thêm, hiểu đúng về văn hóa này. Từ đó, với sự định hướng của người lớn, người có chuyên môn, các em sẽ biết mình đam mê về rap hay không để tiếp tục theo đuổi”.

Trung Sơn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI