Quyền Linh chơi với con như bạn

26/02/2017 - 11:00

PNO - Gần 50 tuổi Quyền Linh vẫn chơi nhảy dây, cưỡi ngựa, trốn tìm, oẳn tù tì cùng con, chơi xong đấm lưng cho con đỡ mỏi.

Hình ảnh của nghệ sĩ Quyền Linh được “phủ sóng” liên tục trên các kênh truyền hình nhiều đến mức có người nghĩ Quyền Linh gặp khán giả còn nhiều hơn các con của anh. Thế nhưng, ngoài những giờ miệt mài ở phim trường, chàng “nghệ sĩ của nông dân” thường vội vã về nhà chơi đùa cùng con, đưa con đi du lịch... Quyền Linh luôn kể về gia đình mình bằng vẻ mặt hạnh phúc khó kiềm nén. Anh tự nhủ, trong gia đình anh thấy đủ đầy và phải có nhiệm vụ làm cho vợ con hạnh phúc bằng cách riêng của mình.

Chơi búp bê với con

Quyền Linh nói anh chơi với con như bạn, vì nghĩ rằng chỉ như vậy con mới chịu làm bạn với mình. Nghĩ thì dễ, nhưng không phải người đàn ông nào cũng đủ kiên nhẫn để chơi đùa với trẻ, kể cả với con cái mình, thế nên Quyền Linh phải tập từng ngày. Anh nói vui: “Chơi với con nít khó lắm. Trẻ con nhiều năng lượng, chạy nhảy suốt ngày không biết mệt nên “thân già” này nhiều lúc đuối lắm mà phải ráng, bởi mình không chơi cùng, con sẽ buồn”.

Thế nên, gần 50 tuổi Quyền Linh vẫn chơi nhảy dây, cưỡi ngựa, trốn tìm, oẳn tù tì cùng con, chơi xong đấm lưng cho con đỡ mỏi. Lúc đầu chơi với con Quyền Linh thấy mệt vì trẻ con có những niềm vui mà anh không hiểu nổi, kiểu như hai cô con gái có thể chơi oẳn tù tì suốt một buổi với ba trong khi anh thú thật là trò đó với anh chẳng có gì vui. Vậy mà chơi với con miết, anh đâm ra ghiền được ở bên con để cùng con chơi bất cứ trò gì, dù đi làm về mệt thế nào.

Quyen Linh choi voi con nhu ban
 

Có những ngày không được con rủ chơi cùng, anh thấy “buồn dữ dội”. Vừa kể chuyện Quyền Linh vừa phì cười: “Chơi búp bê, nhảy dây… với con suốt, tôi thấy mình có phần... nữ tính hơn. Nếu như có con trai để chơi chung những trò “mạnh bạo” như đá banh, tạt lon, sửa xe… thì còn dễ, chứ những trò nhảy dây, búp bê thì “thử thách” tôi ghê lắm”. Vậy nên, Quyền Linh thấy việc có thể chơi trò này trò kia cùng hai cô con gái là một “thành công rực rỡ” trong vai trò làm cha của mình.

Nhiều khi ngẫm lại quãng thời gian 10 năm làm cha, Quyền Linh lại mỉm cười thú vị. Hồi chưa có gia đình, thấy người ta nuôi con, anh cứ nghĩ, nếu mình có con... chắc chết, nhưng có con rồi, không những anh không “chết” mà còn làm được bao nhiêu điều “lạ lùng” khác và trải nghiệm bao nhiêu cảm giác chưa từng biết tới. Từ khi có con, Quyền Linh thấy mình… “yếu mềm kinh khủng”.

Nhiều khi anh đang quay ở phim trường mà thấy vợ gửi hình hai con, rồi con nhắn tin: “Con nhớ ba lắm. Ba làm nhanh về chơi với con” là muốn bỏ việc chạy về nhà. Hay lần gần nhất, đi làm về thấy hai con ngồi ngoài trời mưa lâm râm đợi ba, nghe vợ nói con ngồi cả tiếng đồng hồ không chịu vào, anh thương con đứt ruột. Nhớ về những ngày con chập chững bước đi, miệng bi bô “ba ơi”, anh lại sợ các con lớn lên, vượt ra khỏi vòng tay của mình.

“Nhiều lúc tôi mong con đừng lớn nữa, vì cứ nghĩ đến ngày con không còn coi mình là bạn, không kể với mình những suy nghĩ của nó nữa, tự nhiên tôi thấy buồn. Ai ráng kiếm tiền cho con đi học nước này nước kia kệ, tôi chỉ cho con học quẩn quẩn gần mình là được rồi. Tôi không cần con mình là thiên tài hay giàu có, chỉ cần nhìn thấy con khỏe mạnh, hạnh phúc mỗi ngày”, anh nói.

Học làm người cha tốt

Quyen Linh choi voi con nhu ban
 

Quyền Linh không có hạnh phúc được lớn lên bên cạnh cha nên anh biết cảm giác một đứa con cần cha như thế nào. Ba mẹ ly hôn khi Quyền Linh mới hai tuổi, ba dượng cũng mất khi anh lên bảy, không có hình mẫu một người cha trong nhà để anh noi theo nên anh phải tự học cách làm cha, tìm tòi, rút kinh nghiệm từ người này người kia để trở thành người cha tốt.

Quyền Linh bày tỏ: “Vợ tôi mua rất nhiều sách nuôi dạy con, nhưng tôi chẳng đọc. Mỗi nhà mỗi cảnh, mỗi đứa con mỗi khác nên tôi quan niệm, cứ làm đúng như tình cảm và trái tim của mình là được”. Rất nhiều lần đi làm các chương trình, gặp bao gia đình khó khăn mà người chồng người cha hoặc bỏ con đi hoặc vô trách nhiệm tự nhiên anh thấy ghét đàn ông và tự nhắc mình phải cố gắng tốt hơn mỗi ngày với gia đình.

“Tôi biết và cảm nhận rõ rệt hơn ai hết nỗi bất hạnh tột cùng của một đứa trẻ không được lớn lên cùng cha. Con cái có cha mẹ là có điểm tựa lớn, một nơi che chở nắng gió và được tiếp sức để sẵn sàng “xông pha” ra đời”. Nghĩ thế nên Quyền Linh dành trọn thời gian của mình cho con để chuyện “được ba đưa đi du lịch đây đó, được ba đón đi học về” là chuyện hằng ngày, là đời thực chứ không phải là ước mơ của chúng.

Chiều chuộng nhưng không ấp con. Ðể dạy con tự lập và biết chia sẻ với những người xung quanh, Quyền Linh thường đưa con về nhà nội, ngoại để con được sống trong tình cảm ông bà cũng như biết cách cư xử với cô chú, các anh em họ… Anh thường đưa con đi theo làm chương trình Vượt lên chính mình, đi xây cầu cho nông dân Bạc Liêu… để con “dãi nắng dầm sương”.

Sinh hoạt ở những vùng nông thôn thiếu tiện nghi, các bé được trải nghiệm và thích nghi với môi trường, được tiếp xúc với những hoàn cảnh khó khăn để biết quý trọng cuộc sống mình đang có. Quyền Linh nói: “Nhờ những chuyến đi như vậy, tôi thấy con trưởng thành hơn, tình cảm hơn và biết chia sẻ hơn”.

Trong sinh hoạt hằng ngày, vợ chồng anh cũng luôn “nhờ” các con đi lấy những gì còn thiếu trên bàn ăn chứ không nhờ người giúp việc. Thỉnh thoảng cả nhà vào bếp nấu ăn, mẹ nấu một món, ba nấu một món, Lọ Lem (con gái lớn) phụ lặt rau, gọt cà, gọt dưa. Hạt Dẻ (con gái nhỏ) dọn chén đũa ra bàn. Cả nhà cùng làm một việc, cùng nói chuyện, không gian tràn ngập tiếng cười. Ðó sẽ là kỷ niệm mà thành viên nào đi đâu cũng nhớ về. Ðó là những bài học con trẻ nhận được từ việc quan sát ba mẹ mình, quan sát cuộc sống.

Quyen Linh choi voi con nhu ban
 

Không thể không nhắc vai trò của Dạ Thảo, bà xã của Quyền Linh, trong mái ấm này. Chị khéo léo để Quyền Linh làm tròn trách nhiệm người cha, biết anh hay đi xa nên những lúc ở nhà chị luôn “nhường” thời gian cho cha con gần gũi nhau. Nhìn cha con vui đùa, nhìn con quấn lấy cha không rời, chị ngập tràn hạnh phúc. Dạ Thảo chăm sóc gia đình từ mảnh vườn, phòng khách, bếp ăn, từ những bộ đồ con mặc cho đến dinh dưỡng trong từng bữa ăn.

Tính Quyền Linh vốn xuề xòa, nhiều lúc mặc bộ đồ tây mang dép tổ ong, các con thấy vậy bắt chước, vợ anh phải nhắc nhở mấy cha con ăn mặc tươm tất. Quyền Linh “thành thật thú nhận” việc học hành của mình hồi xưa không được tốt lắm nên chuyện bài vở, trường lớp của con anh tin tưởng giao phó cho bà xã. Một cách tự nhiên, gia đình Quyền Linh như có sự phân chia: ba dạy cho con các kỹ năng xã hội, chơi đùa làm con vui vẻ; mẹ dạy con học hành, dạy con ngăn nắp...

Trong cuộc nói chuyện, Quyền Linh luôn miệng nói: “Có con thú vị lắm! Có những mâu thuẫn của vợ chồng nhờ con cái mà hóa giải được hết. Nếu không có con, không biết vợ chồng tôi sẽ ra sao” và “tôi cũng biết rằng, không có vợ, tôi khó có thể toàn tâm, toàn ý làm được người cha tốt trong gia đình”.

Lâm Hạnh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI