Pù Luông - “Viên ngọc xanh” giữa đại ngàn

19/07/2021 - 06:47

PNO - Pù Luông nằm gọn trong khu rừng quốc gia phía bắc đất Lam Kinh (Thanh Hóa). Nhiều người đã đến Pù Luông và ví von đây là “tiểu Bali của Việt Nam” - cái tên khiến tôi tò mò và ấp ủ quyết tâm khám phá.

Pù Luông được ví như là “tiểu Bali của Việt Nam”
Pù Luông được ví như là “tiểu Bali của Việt Nam”

Pù Luông trong tiếng Thái mang nghĩa núi cao, nằm ẩn sâu giữa những cánh rừng nguyên sinh hàng ngàn năm, vẫn giữ nét hoang sơ kỳ bí như tách biệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Đặt chân tới một nơi có vẻ xa vắng, tôi không dám tin một thiên đường nơi mặt đất đã mở ra để mình bước vào khám phá.

Pù Luông nằm gọn trong khu rừng quốc gia phía bắc đất Lam Kinh (Thanh Hóa). Nhiều người đã đến Pù Luông và ví von đây là “tiểu Bali của Việt Nam” - cái tên khiến tôi tò mò và ấp ủ quyết tâm khám phá.

Mở mắt thấy núi, với tay chạm mây

Pù Luông đón tôi với trùng trùng điệp điệp núi non xanh ngát. Vốn là khu bảo tồn thiên nhiên nên sự hùng vĩ, hoang sơ của Pù Luông dễ khiến người lữ khách choáng ngợp. Là “gái Tuyên” (quê tôi ở Tuyên Quang cũng có nhiều rừng xanh thẳm), tới Pù Luông, tôi cảm thấy như đang trên đường về nhà. Cung đường nào tôi qua cũng được ôm ấp bởi những bóng cây hay những thửa ruộng bậc thang nối nhau bằng một màu xanh mát.

Mở mắt ra, tôi choáng ngợp khi thấy xung quanh mình được bao phủ bởi mây. Ánh bình minh buổi sớm rót hàng triệu tia sáng xuống khắp các triền đồi, trải dài trên những cánh đồng, cùng trời thả những áng mây trắng bồng bềnh. Tôi ngỡ ngàng xen lẫn thích thú khi được chiêm ngưỡng cảnh mây là là sát mặt đất, như thể chỉ cần đưa tay ra là có thể chạm vào. Trước mắt tôi vẫn là núi rừng trùng điệp xanh, sương và mây trắng dịu dàng vờn quanh. Ở Pù Luông, tôi đã có những phút giây thật sự hòa mình vào thiên nhiên. Không hề có khói bụi, kẹt xe, thay vào đó là tiếng chim hót, tiếng gà gáy, tiếng cười nói của lũ trẻ đi bộ trên đường quê…

Đã tới Pù Luông, hãy thử trải nghiệm hòa mình vào thiên nhiên qua các hoạt động như đi bộ, leo núi, thăm thác nước... Bạn có thể đồng hành cùng người dân địa phương hoặc tự do khám phá. Chúng tôi thuê xe, sau đó đi bộ ngắm cảnh. Một phát hiện đầy phấn khích: những chiếc cọn nước. Ở thành phố tiện nghi, chỉ cần một cú vặn là có nước chảy ra để dùng, bạn sẽ ít biết đến sự tồn tại của những chiếc “máy cõng nước” - một sản phẩm cực kỳ thông minh và thân thiện với môi trường của người dân địa phương.

Cọn nước ở Pù Luông
Cọn nước ở Pù Luông

Cọn được làm từ các ống tre già hay thân vầu đan kết chặt chẽ cùng nhiều thanh gỗ tốt. Để làm được chiếc cọn nước này đòi hỏi nhiều sự tỉ mỉ, tính toán khi cắt gọt những khúc tre nứa, ghép nối nhiều đoạn gỗ lại với nhau. Chúng như cánh tay khổng lồ thay sức người đưa nước lên những thửa ruộng cao, rộng lớn, giúp tiết kiệm sức lực đáng kể. Tận mắt nhìn những chiếc cọn nước sừng sững không ngừng chuyển động đó, tôi vô cùng nể phục tinh thần vượt khó của người dân Pù Luông.

Dân Pù Luông không chịu khuất phục trước thiên nhiên hiểm trở. Từ trong vất vả, họ vẫn luôn sáng tạo, nỗ lực tìm tòi, làm chủ cuộc sống.
Một thứ “đặc sản” khác sẽ khiến bạn nhớ về Pù Luông: những thửa ruộng bậc thang ôm ấp theo triền núi, điểm xuyết thấp thoáng những mái nhà sàn lợp lá cọ, mang đến vẻ đẹp bình yên. Tôi tin, máy ảnh cũng không thể bắt trọn vẹn vẻ đẹp đó. Tới Pù Luông vào tháng Sáu hay tháng Chín, bạn cũng có thể trải nghiệm việc cầm liềm gặt lúa cùng nông dân.

Bên mâm cơm đồng bào Thái 

Trong mùi khói lam chiều, tôi biết mình sắp được khám phá ẩm thực Pù Luông với những món ăn dân dã được chủ nhà người đồng bào Thái hào phóng chia sẻ với người lữ khách. Bữa cơm ấy có măng xào, canh lá đắng, nộm hoa chuối rừng, nhấp môi chén rượu cần đượm hương vị đặc trưng. Hoa chuối rừng được người dân bứng về, tách từng lớp, rửa sạch. Chị gái người Thái chia sẻ bí kíp: “Muốn món nộm không chát, vẫn giòn mà chẳng lo ngả màu xấu, phải thả ngay hoa chuối thái sợi vào chậu nước muối. Hoa chuối ngâm rồi vớt ráo, trộn cùng nước cốt chanh, chút đường, muối, nắm lạc rang giòn và các vị rau tía tô, kinh giới được hái quanh nhà. 

Pù Luông chẳng có gì ngoài những thứ đặc sản dân dã
Pù Luông chẳng có gì ngoài những thứ đặc sản dân dã

Tôi đã có một trải nghiệm ẩm thực khó quên tại Pù Luông với món canh rau đắng. Đắng vô cùng. Sau đó, thật bất ngờ, vị đắng nơi đầu lưỡi dần dần hóa vị thanh mát và dìu dịu lấp đầy, kích thích vị giác khiến bạn muốn nếm thêm nhiều lần nữa. Rau đắng được người dân hái trên rừng. Dù lần đầu khá khó ăn nhưng sau đó, món rau này lại dễ gây nghiện. Gia chủ còn chu đáo chuẩn bị cơm lam đựng trong ống tre ăn kèm với muối vừng vừa ấm bụng vừa no lâu. 

Cuối cùng, không thể thiếu chén rượu cần - thứ đặc sản Pù Luông được làm từ bàn tay người dân tộc Thái cần cù, chịu khó. Rượu cần có vị ngòn ngọt, thơm nồng, được nấu từ thứ nước lấy nơi khe sâu mát lành, trong vắt. Men rượu cũng phải qua các bước chọn lọc tỉ mỉ từ nhiều loại lá rừng. Nếu được chủ nhà mời rượu cần, chứng tỏ bạn là vị khách rất được quý mến. Điểm độc đáo tôi được người dân địa phương chia sẻ: Dù vò rượu cần to hay nhỏ, số cần cắm vào đều phải là số chẵn, tượng trưng cho sự có đôi có cặp - nét văn hóa đặc sắc vùng miền nơi đây.

Chỉ vỏn vẹn hai ngày ở Pù Luông, tâm hồn tôi như được nạp đầy năng lượng tích cực. Tôi vẫn nhớ lời bác tài xế đùa vui bằng câu nói ngẫu hứng trên đường chúng tôi quay về: “Pù Luông đến khó, về càng khó hơn”; bởi đường đi tới đây khó khăn, hiểm trở là có thật song bạn sẽ hiểu cảm giác không nỡ nói lời từ biệt miền đất này. Vì thế, đành hẹn gặp lại “viên ngọc xanh” của xứ Lam Kinh. 

- Pù Luông có nhiều đặc sản để làm quà và thưởng thức, chủ yếu là những sản vật thiên nhiên như rau lá đắng, măng rừng, ốc khỉ, rau dớn, cá suối, rau ngót rừng, vịt suối nướng, heo rừng quay, hoa chuối, rượu cần...

-  Nếu may mắn, đến đúng ngày họp chợ phiên, bạn có thể mua những mảnh vải thổ cẩm, chiếc khăn piêu rực rỡ được dệt từ bàn tay khéo léo của những cô gái Thái.
- Mùa hè là mùa lúa xanh rì, mát mắt cộng với thời tiết dịu mát cực kỳ dễ chịu. Tháng 9 - 10 là mùa lúa chín vàng trải dài khắp mọi nẻo quê 
Pù Luông. 
- Nếu đi bằng xe máy, bạn hãy kiểm tra kỹ độ an toàn của xe vì sẽ phải leo dốc, vượt đồi núi.
- Trước khi đến Pù Luông, bạn đừng quên xem dự báo thời tiết, tránh những ngày mưa, bởi đường đi sẽ khó khăn. Còn khi trời nắng ráo, bạn sẽ được thưởng thức nhiều “đặc sản” hấp dẫn.
- Bạn có thể đón xe khách chiều ngược lên Tây Bắc, men theo con đường mòn Hồ Chí Minh để tới Pù Luông. Từ sân bay Thọ Xuân - Thanh Hóa về Pù Luông chừng 90km. Với dịch vụ xe ôm, xe khách hoặc thuê xe máy, bạn cứ chạy và hỏi đường theo hướng Quốc lộ 15.
Hiện đã có khá nhiều xe tuyến Hà Nội - Mai Châu - Pù Luông thuận tiện.

Thanh Tú

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI