Tinh tế món canh bon của người Thái ở Tây Bắc

15/09/2020 - 13:51

PNO - Cây bon cũng giống như cây mùng, cây khoai nước dưới xuôi, nhưng mềm mại và có chấm tím ở phần cuống lá.

Mới đây, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều video nói sai về ẩm thực Tây Bắc trong đó nhất là ẩm thực của người Thái. Điều này dẫn đến cái nhìn thiếu thiện cảm về người Tây Bắc nói chung, và ăn hóa ẩm thực tinh tế, độc đáo của vùng đất này nói riêng. Qua bài viết này, xin giới thiệu đến bạn món canh bon nấu đuôi bò, thịt bò, gân bò của người Thái. Nó phần nào giúp bạn có cái nhìn đúng hơn về phong cách ẩm thực của người Thái ở Tây Bắc.

Món canh bon nấu bò của người Thái Sơn La chủ yếu dùng các gia vị trong vườn nhà. Các chị, các mẹ chị đảo một vòng ngoài vườn là có đủ nào bon, rau ngót, lá lốt, nào gừng, ớt, và không thể thiếu quả cà, quả mắc cạnh (một loại cà dại ở vùng Tây Bắc, có vị đắng một chút nhưng rất ngon). Có thể nấu cùng với thịt bò, nhưng ưa thích nhất là hầm với đuôi bò, gân bò để tạo độ sánh, ngậy.

Cây bon cũng giống như cây mùng, cây khoai nước dưới xuôi, nhưng mềm mại và có chấm tím ở phần cuống lá. Cây bon thường được trồng ở góc vườn nhà, nơi râm mát và nhiều độ ẩm. Khi ăn, người Thái cắt cả thân cây hoặc cả giải mầm non bứng về, tước vỏ, ngâm nước muối chút là dùng được.

Nguyên liệu đã đủ, bàn tay khéo léo của những người phụ nữ Thái đảm đang sẽ làm sạch đuôi bò, thịt bò, gân bò cho vào nồi hầm nhừ. Trong lúc ấy, rau, cà được nhặt, rửa sạch, bon được thái vừa ăn. Khi thịt bò đã mềm, nước hầm có màu vàng đục hấp dẫn và mùi thơm ngậy của bò đã quyện với mùi khói củi bay khắp căn bếp, chị em bắt đầu cho bon, cà vào đun sôi nhỏ lửa, chừng 10-15 phút, thêm chút gạo nếp giã nhỏ và mắc khén (một thứ gia vị đặc trưng của núi rừng Tây Bắc, nó vừa có cái cay nhẹ như hạt tiêu, nhưng lại có vị ngậy ngậy của bơ và mùi thơm nồng cực kỳ đặc trưng). Cuối cùng lá lốt, rau ngót được thả vào, ai thích ăn cay có thể cho thêm vài lát ớt.

Gia vị Tây Bắc nhiều và phong phú, từ quế, hồi, hạt dổi, thảo quả, mắc khén, sả, tỏi, ớt... nhưng không phải nấu gì cũng cho hổ lốn vào. Bằng sự tinh tế của mình, người Thái lựa chọn từng loại, từng thứ, phù hợp với từng món để đem đến cảm nhận riêng, hương vị riêng biệt cho các món ăn.

Canh bon nấu thịt bò dùng chỉ có gừng, tỏi để khử mùi của thịt bò, nhất là phần da bò, mắc khén để tăng thêm độ ngậy, tạo thêm mùi thơm nồng kích thích vị giác khi quyện với mùi thịt bò. Chỉ đơn giản như thế, rau ngoài vườn, gia vị trên rừng, ngoài nương có sẵn, gân, đuôi bò thì giá rẻ mà ngon. Món ăn giản dị, không cầu kỳ, tốn kém nhưng bày trên mâm, ai ăn cũng say lòng, bon mát dịu, mắc cạnh nhai bép bép trong miệng, quyện cả với vị thịt bò, vị lá lốt sánh trong bột gạo. Nó không phải dạng canh loãng như bình thường, có cũng chưa sánh như cháo nấu nhừ, món canh bon cứ ngọt mát, dịu dàng trôi từ lưới xuống cổ họng, để lại dư vị ngọt, tê tê, bùi bùi, ngậy béo và không ngấy.

Khi đến Tây Bắc, nhất là Khu du lịch quốc gia Mộc Châu, nhớ tìm đến các bản người Thái như bản Áng, bản Vặt, bản Dọi để hỏi các nhà sàn du lịch cộng đồng người Thái và thưởng thức món ăn này. Nếu không có nhiều thời gian, có thể thưởng thức tại các nhà hàng dọc quốc lộ 6 như Nhà hàng Đông Hải, quán Thái Sơn La...

Bài: Hải Duyên. Ảnh: NH Đông Hải

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI