Phụ nữ Úc xin tinh trùng để làm mẹ đơn thân không ngừng tăng

19/06/2023 - 21:40

PNO - Nuôi con một mình là công việc khó nhọc, nhưng ngày càng có nhiều phụ nữ Úc chọn dấn thân vào thử thách này vì niềm khát khao được làm mẹ.

Alexandra Collier đã phải vượt qua nhiều chỉ trích, từ cả cha mẹ, khi cô quyết định một mình sinh con và làm mẹ đơn thân – Ảnh: ABC
Alexandra Collier đã phải vượt qua nhiều chỉ trích để làm mẹ đơn thân - Ảnh: ABC

Trong bản tin ngày 19/6, đài ABC dẫn nguồn từ một phòng khám chuyên về bệnh phụ khoa và điều trị hiếm muộn ở phía đông thành phố Melbourne cho biết, từ năm 2015 đến nay, số lượng phụ nữ Úc xin tinh trùng từ nguồn hiến tặng để làm mẹ đơn thân không ngừng tăng.

Bác sĩ Melissa Cameron - chuyên gia sản khoa tại trung tâm Melbourne IVF - cho biết: “Số lượng khách hàng của chúng tôi chắc chắn đã tăng đều đặn kể từ khoảng năm 2015, hoặc thậm chí trước đó. Số phụ nữ độc thân đến phòng khám của chúng tôi để thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm duy trì đà tăng đều đặn khoảng 20% mỗi năm”.

Alexandra Collier, người đã chọn làm mẹ đơn thân ở tuổi 37, cho biết cô từng nghĩ sẽ kết hôn và nuôi con với bạn đời của mình. Cho đến khi cô nhận ra người này chưa sẵn sàng xây dựng gia đình, trong khi cô rất muốn. “Tôi biết rằng nếu phải đợi đến khi người kia sẵn sàng có con, thì lúc ấy có lẽ đã quá muộn với tôi” - đài ABC dẫn lời Alexandra Collier.

Collier đã viết 1 cuốn sách, được xuất bản vào ngày 29/3, trong đó cô kể lại trải nghiệm chia tay bạn trai, cố tìm người phù hợp để hẹn hò, rồi sau đó sử dụng tinh trùng của người hiến tặng để làm mẹ đơn thân. “Cảm giác giống như bị ma ám vậy. Cảm giác thật sự mạnh mẽ và cồn cào trong ruột. Cảm giác như một khao khát của thể xác mà tôi không thể cưỡng lại” - cô nói.

Chia sẻ quan điểm về câu chuyện của Collier, bác sĩ Cameron cho biết, có một quan niệm sai lầm lý giải rằng phụ nữ ngày càng trì hoãn có con để tập trung vào sự nghiệp, nhưng kinh nghiệm của nữ chuyên gia cho thấy điều ngược lại.

“Tôi thấy rất nhiều bệnh nhân không thể tìm được đối tác phù hợp để cùng nuôi con. Đó mới là lý do phổ biến hơn cả khiến nhiều phụ nữ lựa chọn con đường làm mẹ đơn thân” - bà Cameron nói.

Bà cho biết thêm: “Ngoài ra, ngày càng có nhiều người chuyển giới nam và người phi nhị nguyên giới (non-binary) tìm đến cơ sở cho phép thụ tinh sử dụng tinh trùng hiến tặng của chúng tôi”.

Đài ABC còn chia sẻ câu chuyện của Flick Grey, người mẹ đồng tính đã sinh con vào tháng 5/2020. Lớn lên với người mẹ và người bà đều làm mẹ đơn thân, Grey luôn tin rằng việc sinh con một mình là lựa chọn của cuộc đời cô.

Grey có bạn gái từ năm 2000 và cô đã cân nhắc việc có con, nhưng đó “không phải là một lựa chọn hợp pháp” ở bang Victoria. Ở bang này, phụ nữ độc thân và phụ nữ đồng tính chỉ được phép tiếp cận hợp pháp với các phương pháp điều trị hiếm muộn từ năm 2007.

Grey kể: “Đó là quãng thời gian mệt mỏi nhất”. Cô đã định nhờ một người quen làm người hiến tặng tinh trùng, nhưng cuối cùng quyết định dùng nguồn hiến tặng do phòng khám tuyển chọn. Người này vẫn còn giữ liên lạc với mẹ con Grey, được xem như “một phần của gia đình” cô.

Cả Collier và Grey đều đồng ý rằng việc làm mẹ đơn thân mang lại nhiều thử thách đáng kể. Hai bà mẹ đơn thân kể rằng họ không thật sự “đơn thân”, mà phải dựa vào sự góp sức của người trong gia đình hoặc người quen để nuôi con.

Grey chia sẻ: “Việc có con bằng IVF hoàn toàn xứng đáng, nhưng không dễ dàng. Tôi nghĩ điều quan trọng là phải có một cộng đồng xung quanh, với những người có thể giúp đỡ bạn”.

Collier nói thêm về sự phán xét cô gặp phải khi công khai ý định làm mẹ đơn thân: “Tôi đã vấp phải bức tường phản đối trong chính gia đình mình”. Người nhà của Collier cho rằng “việc sinh con một mình là ích kỷ, khiến đứa trẻ không có cha”.

Khép lại câu chuyện, Collier kể: “Khi tôi có con, những lời chỉ trích hầu như biến mất. Điều quan trọng trên hết để một đứa trẻ được lớn lên là sự hiện diện của những mối quan hệ yêu thương, chân thành xung quanh”.

Trường An (theo ABC)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI