Phụ nữ nông thôn biến rác thành tài nguyên

22/09/2022 - 06:21

PNO - 3 năm nay, bà con các huyện Gia Bình, Lương Tài, Quế Võ (Bắc Ninh) đã quen với việc đi xin rác mang về ủ vi sinh để làm phân bón.

3 năm nay, bà con ở các huyện Gia Bình, Lương Tài, Quế Võ của tỉnh Bắc Ninh đã quen với việc đi xin rác từ các chợ, quán xá mang về nhà ủ vi sinh để làm phân bón cho lúa, hoa màu. Rác ủ cũng được dùng để chăm bón những đường hoa, đường dược liệu.

Cả xã trồng "thuốc sâu"

Song Giang là một xã thuần nông của H.Gia Bình. Tháng 5/2020, do thiếu kinh phí, doanh nghiệp phụ trách việc xử lý bãi rác trung tâm của xã tạm ngừng hoạt động. Chỉ trong 2 tháng, rác trở thành vấn nạn đối với cộng đồng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân. Bên cạnh đó, người dân cũng nhận thức được số người mắc bệnh ung thư gia tăng do lạm dụng thuốc trừ sâu hóa học. Thế là bà con bảo nhau tìm cách xử lý rác và chấm dứt dùng thuốc trừ sâu hóa học. Họ đã dùng rác hữu cơ làm phân để trồng cây thuốc trừ sâu.
Bà Trần Thị Lý kể: “Chúng tôi chỉ biết vậy chứ cũng chưa rõ phải bắt đầu như thế nào, thực hiện ra sao. Cuối cùng, bà con nhờ người kết nối, mời chuyên gia nông nghiệp về hướng dẫn”. 

Một phụ nữ ở xã Quỳnh Phú, H.Gia Bình đi gom rác hữu cơ mang về nhà để xử lý làm phân bón
Một phụ nữ ở xã Quỳnh Phú, H.Gia Bình đi gom rác hữu cơ mang về nhà để xử lý làm phân bón

Cuối tháng 8/2020, người dân xã Song Giang bắt tay hiện thực hóa ý tưởng. Bà con phân loại rác tại nhà, gom rác hữu cơ quanh nhà, thậm chí ra các bãi rác ngoài đồng để nhặt rác hữu cơ mang về. Bây giờ, ai cũng có thể nói vanh vách quy trình làm phân bón từ rác hữu cơ để trồng cây thuốc trừ sâu (bà con gọi là “trồng thuốc sâu”). 

“Chúng tôi làm ra vi sinh từ thực phẩm rồi dùng thân cây chuối nhân lên. Vi sinh đó mang phun vào rác hữu cơ để khử mùi, sau đó mang rác ra bờ ruộng, đường làng để đổ rồi phủ rơm và lá cây lên. Rác đó chính là phân hữu cơ đấy” - bà Trần Thị Lý hớn hở. Sau khi đổ phân hữu cơ, bà con vùi vào đó hạt giống bí, ớt, đậu xanh đã được bọc trong giấy vệ sinh nhúng nước để hạt nảy mầm.

Bà Lê Thị Nga góp chuyện: “Chúng tôi trồng thêm các cây mồng tơi, mật gấu, riềng, sả, nuôi vi sinh bằng chuối chín rồi bỏ các cây thuốc sâu vào thùng vi sinh. Vi sinh sẽ phân giải các chất cay, đắng để trừ sâu, có cả tính a-xít để làm hỏng trứng sâu bám trên lá. Chúng tôi còn mang vi sinh đổ xuống kênh, mương để làm sạch nước”.

Bây giờ, khắp đường làng, ngõ xóm xã Song Giang không còn bóng rác hữu cơ mà chỉ còn các con đường hoa, đường “trồng thuốc sâu”. Bà Lý, bà Nga bảo, quý nhất là xin được rác từ hàng cá, hoặc gặp mẻ trứng lộn nào hỏng để mang về, dùng men vi sinh ủ làm phân. Phân hữu cơ ấy mà bón cho rau, lúa thì không loại phân hóa học nào sánh bằng. Mà phân hữu cơ ấy hoàn toàn không tốn tiền mua. 

3 năm nay, xã Song Giang không còn đối mặt với vấn nạn rác thải và thuốc trừ sâu hóa học.

Nhiều ích lợi cho cộng đồng 

Từ năm 2020, bà con ở thị trấn Gia Bình cũng bắt đầu xem rác là tài nguyên. Mỗi gia đình có 2 thùng chứa rác, gồm 1 thùng chứa rác hữu cơ, 1 thùng chứa rác không phân hủy được. 16g30 mỗi chiều, nhà nào không làm nông thì mang rác hữu cơ, cơm thừa ra đổ vào thùng chứa vi sinh ở đầu các ngõ để các hộ nông dân làm phân bón, gom rác không phân hủy được lại để bán, lấy tiền mua gạo giúp hộ nghèo. 

Các chị ở xã Quỳnh Phú, H.Gia Bình học cách làm vi sinh để xử lý rác
Các chị ở xã Quỳnh Phú, H.Gia Bình học cách làm vi sinh để xử lý rác

Nhật ký của chị Trần Thị Hoa ghi: “Sáng nay, 30/4, vớt bèo tây ủ trên gốc cây hương nhu trên đường trồng thuốc sâu, sau đó tưới vi sinh để diệt cỏ, cải tạo đất, cung cấp dinh dưỡng cho cây”. “Ngày 8/5, đi thăm vườn rau nhà chị Nguyễn Thị Bao được chăm bón bằng vi sinh”. “Ngày 13/5, huyện giao nhân 100 lít vi sinh. Cùng ngày, thôn Ngăm Lương, xã Lãng Ngâm nhân vi sinh để xử lý rác thải tại chợ cóc của thôn”. “Sáng 25/6, tập huấn về sản xuất lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu vụ mùa 2020, cách làm vi sinh để xử lý rác thải hữu cơ”.

Sau khi tham gia lớp học làm vi sinh, thuốc trừ sâu từ thực vật, ngoài ứng dụng những điều trên, chị Nguyễn Thị Ngọc (xã Quỳnh Phú, H.Gia Bình) còn nảy ra ý tưởng chế biến các sản phẩm từ cây chuối bằng vi sinh. Chị chọn cây chuối, bởi cây này ở xã Quỳnh Phú rất nhiều. Không có điều kiện học trực tiếp, chị kết nối trực tuyến, nhờ ông Hoàng Sơn Công - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp và Chuyển giao công nghệ ngành bán lẻ Việt Nam - hướng dẫn cách làm. Chị được học cách làm men chuối, mứt chuối, kem dưỡng da chuối. Chị Ngọc nói: “Tôi học để dùng vi sinh tạo ra các sản phẩm làm đẹp, làm sạch da, làm chất tẩy rửa hữu cơ, sau đó truyền kinh nghiệm cho chị em”.

Ông Hoàng Sơn Công đánh giá, chị Ngọc học đến đâu, thực hành đến đó nên kết quả rất tốt. Sau 2 tuần, ông nói chị đã tốt nghiệp khóa cơ bản và khuyên chị nên làm một sản phẩm nào đó từ chuối để khởi nghiệp. Ông Công kể: “Khi trở lại H.Gia Bình, đến thăm nhà chị Ngọc, tôi cứ nghĩ mình vào nhầm nhà, bởi tôi nghĩ gia đình chị không khá giả cho lắm. Hóa ra, chị kinh doanh cửa gỗ nhập khẩu và chị học cách ứng dụng vi sinh để hỗ trợ chị em, hỗ trợ cộng đồng”. 

Hội LHPN tỉnh Bắc Ninh tặng thùng làm vi sinh cho bà con xã Phật Tích, H.Tiên Du
Hội LHPN tỉnh Bắc Ninh tặng thùng làm vi sinh cho bà con xã Phật Tích, H.Tiên Du

Việc làm phân hữu cơ, làm thuốc trừ sâu sinh học và các sản phẩm khác lan tỏa khắp các xã trong H.Gia Bình rồi lan qua các huyện khác như Lương Tài, Quế Võ. Ông Hoàng Sơn Công cho biết, bà con được hướng dẫn cách làm chế phẩm vi sinh với tiêu chí “dễ, rẻ, tiện, nhanh, chất lượng cao và tạo ra lợi ích”. Nó rẻ như nước ao, nước giếng. Nó đơn giản đến mức ai cũng làm được. Nó có thể dùng để tạo ra hàng hóa, sản phẩm hỗ trợ người nông dân, từ đó làm ra thực phẩm sạch, an toàn cho sức khỏe. 

Ở H.Quế Võ, bà Nguyễn Thị Hợp được biết đến là chủ thương hiệu gạo “Nàng xuân”. Bà Hợp thành lập hợp tác xã, bắt đầu sản xuất từ năm 2017. Càng làm, bà càng nhận ra thị trường đòi hỏi sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và đặc biệt phải sạch. Đang loay hoay tìm hướng đi làm sao cho “Nàng thơm” sạch nhất thì bà biết đến mô hình “biến rác thành tài nguyên”.

Sau khi thử nghiệm, bà nhận thấy cây lúa phát triển tốt, năng suất bằng, thậm chí có vụ còn cao hơn cách làm truyền thống mà chi phí sản xuất chỉ bằng 1/3. Đến nay, 100% thành viên hợp tác xã đã sử dụng rác - phân, rác - thuốc trừ sâu vào việc sản xuất lúa cũng như các loại cây trồng khác.

Hơn 45.000 hộ dân xử lý rác thải bằng vi sinh

Bà Nguyễn Phương Mai, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Bắc Ninh cho biết, việc phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình bằng vi sinh được thực hiện từ năm 2020; nguyên liệu từ nước sạch, men rượu, sữa chua, men tiêu hóa, chuối chín, đường phèn, cám gạo nên rất thân thiện với môi trường. Đến nay đã có hơn 45.000 hộ gia đình ứng dụng vi sinh để xử lý rác thải - từ đó đưa vào sản xuất. Qua đó, lượng rác thải phát sinh trên địa bàn nhiều huyện đã giảm đáng kể, người dân cũng không đổ rác bừa bãi, góp phần làm cho môi trường thêm xanh, sạch. Bà Nguyễn Phương Mai cho biết thêm, Hội Phụ nữ tỉnh đã xin chủ trương của Tỉnh ủy để triển khai nhân rộng mô hình phân loại và xử lý rác hữu cơ bằng vi sinh trên phạm vi toàn tỉnh.

Ngọc Minh Tâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI