Phụ nữ nghèo Ấn Độ mang thai hộ "chui" để kiếm tiền thay đổi cuộc đời

17/04/2022 - 13:30

PNO - Ở Ấn Độ, mang thai hộ thương mại là một lĩnh vực kinh doanh lớn. Một người mẹ mang thai hộ có thể kiếm được từ 400.000 đến 1,2 triệu rupee (5.628-16.885 USD) cho mỗi ca sinh, tùy thuộc vào gia đình người thuê. Theo thống kê thì mang thai hộ là ở Ấn Độ có trị giá hàng tỷ USD.

Ngành công nghiệp mang thai hộ của Ấn Độ đã rất thành công vào khoảng năm 2002, khi nhu cầu tăng lên trên toàn thế giới và được pháp luật cho phép. Thậm chí quốc gia này còn được gọi là “công xưởng sản xuất trẻ sơ sinh của thế giới” do giá cả phải chăng. Theo số liệu từ chính phủ Ấn Độ, mỗi năm có khoảng 2.000 cặp vợ chồng thuê người mang thai hộ. Hoạt động mang thai bắt đầu từ năm 2002 được cho là đã tạo ra 500 triệu đến 2,3 tỷ USD doanh thu mỗi năm cho Ấn Độ.

Tuy nhiên, từ cuối tháng 12/2021, dự luật cấm mang thai hộ dưới hình thức thương mại đã được thông qua. Có một thực tế là, vẫn còn rất nhiều những cặp vợ chồng hiếm muộn mong muốn có con trong khi nhiều phụ nữ nghèo muốn có tiền trang trải cuộc sống lại mất đi nguồn thu nhập. Từ đó, nhiều người đã tìm cách lách luật.

Nhiều phụ nữ nghèo Ấn Độ hy vọng thoát nghèo bằng cách mangthai hộ
Nhiều phụ nữ nghèo Ấn Độ hy vọng thoát nghèo bằng cách mang thai hộ

Gita Parmal, 35 tuổi, sẽ sinh vào tháng 10 năm nay - cô mang thai hộ cho một cặp vợ chồng đã mơ ước có một đứa con trong nhiều năm nhưng bất thành.

Cô được trả 600.000 rupee (8.000 USD) để mang thai đứa con của họ. Gita Parmal cho biết, cô sẽ dành số tiền này cho việc học của 2 đứa con và sửa lại ngôi nhà. “Những phụ nữ như tôi không bao giờ có thể kiếm được số tiền lớn để xây một ngôi nhà nhỏ. Có khi phải làm lụng cả đời mà chưa biết được hay không" - Parmal, một phụ nữ ở bang Gujarat, miền tây Ấn Độ, buồn bã nói.

Parmal là một trong những phụ nữ cuối cùng ở Ấn Độ được trả phí để mang thai hộ hợp pháp. Theo Đạo luật mang thai hộ được thông qua vào tháng 12/2021, việc mang thai hộ thương mại đã bị cấm. Hiện pháp luật chỉ phép mang thai hộ mang danh nghĩa đạo đức như là một người họ hàng được mang thai hộ cho một cặp vợ chồng không con.

Những phụ nữ mang thai hộ chuẩn bị chờ sinh
Những phụ nữ mang thai hộ chuẩn bị chờ sinh

Ở một đất nước mà gia đình, con cái được coi là quan trọng nhất cuộc đời, nhiều người Ấn Độ gặp khó khăn với việc thụ thai cũng tìm đến dịch vụ mang thai hộ để thực hiện mong muốn có con. Khi luật pháp cho phép, sau mỗi giao dịch, các bên sẽ cùng hưởng lợi. Các phòng khám kiếm được tiền, các cặp vợ chồng không con có thể trở thành cha mẹ và những người đẻ thuê - thường đến từ các làng quê - có cơ hội thoát nghèo.

“Khoản tiền này sẽ thay đổi cuộc sống của gia đình tôi, và chính phủ đã sai khi cấm nó và tước đi cơ hội tương tự của những phụ nữ Ấn Độ nghèo khác", Parmal cho biết.

Patel - một bác sĩ chuyên khoa vô sinh và thụ tinh ống nghiệm cho biết nhiều cặp vợ chồng cảm thấy choáng váng về luật mới. "Một số hiện đang cân nhắc bay đến Kenya, Hoa Kỳ hoặc Georgia để tìm người đẻ thuê".

Tuy nhiên, theo bác sĩ Patel, việc pháp luật cấm mang thai hộ sẽ có nguy cơ hình thành thị trường chợ đen. Và thực tế đã có. Tuy nhiên, điều bà lo lắng nhất là, khi không còn được pháp luật bảo hộ, các bà mẹ mang thai hộ sẽ dễ bị bóc lột hơn trước.

“Ở một đất nước như Ấn Độ, nơi sự kỳ thị gắn liền với việc không có con và xã hội không khuyến khích việc nhận con nuôi, các cặp vợ chồng sẽ trở nên tuyệt vọng khi tìm ai đó, bất kỳ ai, để thành người đẻ thuê", bà nói.

Những người vi phạm luật mang thai hộ sẽ lãnh án 5 năm tù giam. Tiến sĩ Manish Banker - cố vấn trưởng của trung tâm, Hari G. Ramasubramanian, lo lắng điều này dẫn đến việc xuất hiện thị trường chợ đen và như thế phụ nữ và trẻ sơ sinh sẽ thiệt thòi. “Là một bác sĩ, tôi thấy lo rằng luật này không bảo vệ tất cả những người có liên quan, ví dụ như người mang thai không được chăm sóc y tế trong thai kỳ vì không hợp pháp, những đứa trẻ đôi khi sinh ra sẽ không có giấy khai sinh vì tòa án không biết phải sử dụng tên gì vì việc mang thai là vi phạm pháp luật".

Thảo Nguyễn (theo India Today, SCMP)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI