Phụ nữ Hàn Quốc dần chọn lối sống độc lập

31/12/2021 - 20:21

PNO - Muốn vượt qua những truyền thống xã hội, áp lực gia đình, những người trẻ Hàn Quốc, nhất là phái nữ đang dần chọn lối sống tự do và sẵn sàng thoát ly khỏi gia đình để đạt điều mình mong muốn.

Chính phủ Hàn Quốc gần đây liên tục kêu gọi người trẻ kết hôn và sinh con khi tỷ lệ sinh giảm liên tục và dân số già không ngừng tăng. Trong Báo cáo tình hình dân số thế giới năm 2021 của Quỹ dân số Liên Hiệp Quốc (UNFPA), tổng tỷ suất sinh Hàn Quốc chỉ đạt 1,1 trẻ; thấp nhất trong số 198 nước. Trong khi đó, theo Cơ quan Thống kê Hàn Quốc, chỉ 1/5 phụ nữ độc thân nói rằng họ muốn kết hôn và hiện số phụ nữ trên 30 tuổi chưa kết hôn chiếm gần 34%.

Từ bỏ ba “cột mốc cuộc đời”

Theo điều tra dân số, phụ nữ Hàn Quốc ngày càng ám ảnh cuộc sống hôn nhân khi mọi áp lực, trách nhiệm đều đổ dồn về phía họ. Với truyền thống Hàn Quốc, phụ nữ sau khi kết hôn đều bị áp lực kinh tế; ngoài ra còn phải chăm lo gia đình, con cái và cả bố mẹ chồng. Điều này đã khiến cho phần lớn người trẻ Hàn Quốc đang chọn cách bỏ qua ba cột mốc quan trọng của cuộc đời - hẹn hò, kết hôn và sinh con. 

Phụ nữ trẻ Hàn Quốc ngày càng thích cuộc sống độc lập và tự tìm niềm vui cho bản thân hơn là kết hôn, sinh con
Phụ nữ trẻ Hàn Quốc ngày càng thích cuộc sống độc lập và tự tìm niềm vui cho bản thân hơn là kết hôn, sinh con

“Sau khi bạn kết hôn, học vấn, bằng cấp và kinh nghiệm trước đó không là gì. Họ sẽ đánh giá người vợ tiềm năng là liệu có khả năng chăm sóc chồng và gia đình chồng hay không chứ không phải là trình độ, học vấn, tư cách...”, nữ thạc sĩ Lee Tee Hoeng cho biết. Theo người phụ nữ 35 tuổi này, cô đang sống một mình trong căn hộ ở thành phố với công việc yêu thích cùng một chú cún nhỏ và cảm thấy hài lòng với cuộc sống này. Lee cho biết thêm, cô nhìn những người bạn trí thức của mình sau khi kết hôn, phần lớn đều bị stress vì những áp lực xã hội và gánh nặng gia đình, con cái. Nhiều cuộc hôn nhân sau đó đã kết thúc.  

Hàn Quốc là một trong những quốc gia có tỷ lệ ly hôn cao nhất thế giới và hầu hết đều do phụ nữ khởi xướng. “Mâu thuẫn giữa mẹ chồng và con dâu, sự khác biệt giữa tính tình của chồng và vợ, mâu thuẫn trong phân công việc nhà hay chồng ngoại tình đều là những lý do chủ yếu. Sau quá nhiều năm nhẫn nhịn, người phụ nữ không thể chịu đựng thêm nữa, họ quyết định theo đuổi sự tự do cho bản thân mình”, nữ giáo viên Kim Go Young, 37 tuổi, chia sẻ.

Thoát khỏi gia đình, tìm vui cho bản thân

Park Yu-hui - 28 tuổi, nhân viên văn phòng sống tại Seou - cho biết cô đã chuyển ra khỏi nhà của bố mẹ ở Incheon vì không muốn kết hôn sớm. Park dọn đến một căn hộ studio rộng 17m2. Mỗi ngày, sau giờ làm việc cô tập gym, gặp gỡ bạn bè và làm bất kỳ điều gì mình muốn. Park nói: “Giờ tôi đã có một công việc toàn thời gian với thu nhập ổn định. Tôi muốn có một cuộc sống tự lập mà không nhận bất kỳ sự hỗ trợ tài chính nào từ bố mẹ và có toàn quyền kiểm soát cuộc sống của mình. Tôi cảm thấy rất thoải mái”.

Những năm gần đây, ngày càng nhiều thanh niên chọn rời tổ ấm. Theo thống kê, tính đến năm 2020, hơn 1,26 triệu người Hàn Quốc ở độ tuổi 20 sống một mình, tăng 43% so với năm 2015. Lee - một nhân viên văn phòng - cho biết: “Tôi đã chuyển ra khỏi nhà bố mẹ năm 2019 và đó là một trong những quyết định đúng đắn nhất”. Cô gái 28 tuổi này từng sống với bố mẹ ở Q.Gangseo, phía tây Seoul.

 Các chuyên gia giải thích sự gia tăng của những người trẻ chọn cách sống riêng đã phản ánh sự sẵn sàng được chấp nhận như một cá nhân độc lập không chỉ ở nơi làm việc mà còn trong gia đình và xã hội. Koo Jeong-woo - giáo sư xã hội học tại Đại học Sungkyunkwan - nhận định: “Không giống như trước đây, khi kết hôn được coi là bước quan trọng để được chấp nhận là một thành viên độc lập của xã hội; ngày nay, khi bạn có được một công việc và thu nhập ổn định có nghĩa là bạn đã sẵn sàng để trở thành một cá nhân tự chủ”. 

Thu Thanh (theo Korea Times, Yonhap)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI