Phim Việt ra rạp Giáng sinh: Cú bắt tay trăm tỷ hay triệu đô sẽ thắng?

25/12/2020 - 07:15

PNO - "Chị Mười Ba: 3 ngày sinh tử" và "Người cần quên phải nhớ" cùng chọn dịp Giáng sinh ra mắt (khởi chiếu ngày 25/12), tạo nên cuộc đối đầu thú vị giữa các phim Việt.

Vị “thuần Việt” so kè vị “Hollywood”

Cả hai phim đều xoay quanh nhân vật trung tâm là dân giang hồ. Trong Người cần quên phải nhớ, nam chính là Bình - một gã côn đồ bị mất trí nhớ khi cản trở phóng viên Loan của báo CPExpress điều tra chuyện làm ăn phi pháp của ông chủ mình. Sau khi Bình bị mất trí, Loan vờ làm bác sĩ tâm lý nhận chăm sóc anh, nhằm điều tra cái chết của cha mình ở Bệnh viện Tâm thần Đức Châu - nơi Bình thường tới giao hàng. Có thể thấy sản phẩm kết hợp được thế mạnh của mỗi bên: nét hài hước bình dân thường thấy trong phong cách làm phim của Đức Thịnh, và màu sắc hiện đại kiểu “Hollywood” của Charlie Nguyễn.

Người cần quên phải nhớ giới thiệu đến người xem gương mặt mới của điện ảnh: Trần Ngọc Vàng
Người cần quên phải nhớ giới thiệu đến người xem gương mặt mới của điện ảnh: Trần Ngọc Vàng

Đặc biệt, cả hai đều có sở trường làm phim hài, nên Người cần quên phải nhớ khá vui nhộn. Trong những tình huống căng thẳng, các nhân vật thường xử lý theo hướng gây cười. Tuy nhiên, tiếng cười trong phim - kịch bản được viết bởi biên kịch ngoại (biên kịch George Ding) nên khá xa lạ. 

Trái lại, tiếng cười trong Chị Mười Ba: 3 ngày sinh tử có phần chắp bút của Bình Bồng Bột được xử lý gần gũi, cộng với cốt truyện khá “đời”, nội dung đề cao tình nghĩa giới giang hồ - đề tài vốn đang “trend” - khiến phần tiếp theo của Chị Mười Ba dễ tạo thiện cảm. So với lần hợp tác trước, Chị Mười Ba: 3 ngày sinh tử không còn bị đậm chất webdrama, các cảnh hành động cũng ra “chất giang hồ” hơn. Việc xử lý chi tiết công an vào cuộc - rất dễ gây phản cảm ở nhiều phim Việt - cũng được đặt để hợp lý, vừa không hạ thấp vai trò cơ quan chức năng, vừa không làm đứt cảm xúc người xem. 

Điện ảnh Việt sẽ có “mùa vàng”?

Nếu Chị Mười Ba: 3 ngày sinh tử làm tốt khâu kể chuyện, thì Người cần quên phải nhớ làm tốt việc phát hiện nhân tố mới. Lần đầu đóng phim điện ảnh, nam chính Trần Ngọc Vàng (vai Bình) đã thể hiện tròn trịa vai diễn một gã giang hồ vừa ranh ma vừa chân tình. Dù diễn cạnh các đàn anh, đàn chị như Thái Hòa, Nguyễn Dương, Hoàng Yến Chibi nhưng Trần Ngọc Vàng vẫn không bị lép vế, đặc biệt ở những phân đoạn tình cảm với Hoàng Yến Chibi, diễn xuất của anh còn tỏ ra lấn lướt bạn diễn. 

Chị Mười Ba: Ngày sinh tử đang được đặt nhiều kỳ vọng
Chị Mười Ba: Ngày sinh tử đang được đặt nhiều kỳ vọng

Trong khi đó, Châu Bùi (vai Lyn) trong Chị Mười Ba: 3 ngày sinh tử lại có màn ra mắt mờ nhạt. Lần đầu đảm nhận một vai diễn phức tạp như Lyn nên người đẹp - bị đuối sức, gượng gạo, hạn chế về đài từ. Thất bại của Châu Bùi suy cho cùng cũng là thất bại của đạo diễn Võ Thanh Hòa vì đã chọn người chưa phù hợp.

Phòng vé gần đây đã nhộn nhịp hơn sau hai bộ phim RòmTiệc trăng máu, nhưng chưa đủ để khẳng định phim Việt đã hồi phục mạnh mẽ sau đại dịch, nên mọi hy vọng đang đổ dồn vào Người cần quên phải nhớ Chị Mười Ba: 3 ngày sinh tử.

Từ trước đến nay, vào dịp Giáng sinh, phim Việt luôn “nhường” sân cho phim ngoại. Năm nay ngoài Wonder Woman 1984 đang trình chiếu, còn có “bom tấn” khác là Soul cũng ra mắt cùng ngày với hai phim Việt kể trên. Nếu khả quan, kết quả phòng vé của hai phim Việt này không chỉ mở ra một “mùa vàng” mới cho điện ảnh trong nước: mùa Giáng sinh; mà còn là lời đáp cho mô hình cú bắt tay “trăm tỷ” giữa nhà sản xuất - đạo diễn, vì sắp tới có nhiều phim đi theo cách làm này như Trạng Tí phiêu lưu ký (nhà sản xuất Ngô Thanh Vân - đạo diễn Phan Gia Nhật Linh), Em và Trịnh (nhà sản xuất Nguyễn Quang Dũng - đạo diễn Phan Gia Nhật Linh). 

Trailer phim Người cần quên phải nhớ: 

 

 

 

 

Hương Nhu

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI