Phép thử sinh tồn mùa COVID

20/09/2020 - 06:32

PNO - Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 sẽ không sớm kết thúc, nhiều doanh nghiệp lẫn người lao động đã phải thay đổi thế mạnh hoặc lĩnh vực chuyên môn của mình để có thể sống sót.

Trường học thành trại gia cầm

COVID-19 đã gây ra một cuộc khủng hoảng toàn diện và giáng đòn mạnh vào nền kinh tế thế giới. Do trăm năm mới có một lần nên khi đại dịch bùng phát vào tháng Ba năm nay, hầu hết đều không biết ứng phó như thế nào hoặc khi nào nó sẽ kết thúc. Tuy nhiên, sau nhiều tháng chống chọi, mọi người đã dần chấp nhận trạng thái “bình thường mới” trước khi có vắc-xin - phương thức duy nhất có thể chấm dứt cơn ác mộng. 

Một phòng học ở Trường Mwea Brethren (Kenya) được cải tạo thành chuồng gà
Một phòng học ở Trường Mwea Brethren (Kenya) được cải tạo thành chuồng gà

Các doanh nghiệp bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch có hai sự lựa chọn để sống sót: giảm quy mô hoặc tạm thời thay đổi mô hình kinh doanh. Phương án hai được chọn khá nhiều và giúp mang đến cái nhìn thú vị về khả năng xoay xở của con người, biến bại thành thắng.

Tại Kenya, các trường học phải đóng cửa đến tháng Giêng năm sau. Trong đó, các trường tư thục bị tác động nặng nề nhất. Peter Ndoro - giám đốc điều hành Hiệp hội Các trường tư thục Kenya - cho biết hơn 300.000 nhân viên đã bị cho nghỉ không lương đến khi lớp học mở cửa trở lại. Nhằm cứu vãn tình hình, rất nhiều trường đã tự biến mình thành trang trại nuôi gia cầm để kiếm thêm thu nhập.

Beatrice Maina - hiệu trưởng Trường Mwea Brethren - đã cải tạo các phòng dành cho 300 học sinh thành chuồng gà. Bây giờ, các bảng đen không còn nét chữ của thầy cô mà chỉ hiển thị ghi chú về việc nuôi gà sao cho đúng cách. Bảng cửu chương vốn nằm kế bên được thay thế bằng tờ lịch nhắc nhở ngày tẩy giun và dữ liệu về thức ăn chăn nuôi. 

Thu nhập từ việc chăn nuôi có thể tạm giúp trường chi trả phí sinh hoạt tối thiểu để tồn tại. Thế nhưng, Brethren vẫn lo cho 20 giáo viên đang thất nghiệp của trường: “Tôi hy vọng họ cũng có việc gì đó để làm bởi cuộc sống vẫn tiếp tục”.

Hồ bơi resort thành... hồ cá

Aveda Resort & Spa là một trong những khách sạn sang trọng bậc nhất tại bang Kerala của Ấn Độ với mức giá thấp nhất đến vài trăm USD một đêm nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, resort này đã không nhận khách du lịch từ nhiều tháng nay do lệnh phong tỏa và giãn cách của chính phủ.

Ấn Độ là một trong những quốc gia có số lượng bệnh nhân COVID-19 cao nhất thế giới với 5 triệu ca (hơn 80.000 người đã tử vong) - chỉ sau Mỹ (6,6 triệu ca nhiễm và gần 200.000 người tử vong). 

Mặc dù không có doanh thu trong suốt mùa dịch, Aveda Resort & Spa vẫn phải tiếp tục trả các khoản phí căn bản như sửa chữa, bảo dưỡng và lương cho những nhân viên còn lại. Chia sẻ với tờ Telegraph, tổng giám đốc Jyotish Surendran của khu nghỉ dưỡng này, cho biết sau khi bàn luận với ban quản lý và các nhà đầu tư, ông đã quyết định biến hồ bơi sang trọng tại đây thành nơi nuôi cá. 

“Sau khi tham khảo ý kiến của các chuyên gia, chúng tôi quyết định nuôi cá đốm ngọc trai vì chúng là loài đặc hữu của vùng này. Chúng tôi đã làm trống hồ và bơm nước ngọt từ hồ Vembanad vào để cung cấp môi trường lý tưởng cho 16.000 con cá giống được mua từ nhiều nguồn khác nhau”, Surendran nói.

Loại cá này cần 8 tháng để đạt kích cỡ trưởng thành và là món ăn ưa thích tại nhiều nơi ở Ấn Độ và Trung Đông. Aveda Resort & Spa đã bắt đầu nuôi cá vào ngày 1/6 năm nay và dự kiến thu hoạch vào mùa Giáng sinh. Họ hy vọng 4 tấn cá sẽ bán được khoảng 40.000 USD bằng cách xuất khẩu sang vùng Vịnh vì khi ấy nhu cầu rất cao, nhưng đáng tiếc là số tiền đó vẫn không thể bù vào khoản lỗ, chỉ giúp tình hình bớt bi đát hơn.

Surendran cho biết, sau khi COVID-19 kết thúc, Aveda Resort & Spa sẽ tiếp tục nuôi cá nhưng dời địa điểm ra bên ngoài bởi “chúng tôi không muốn phí phạm các kỹ năng đã học được”.

Biến lá mít thành... tiền

Bên cạnh doanh nghiệp, nhiều cá nhân cũng buộc thay đổi chuyên môn của mình để có thể kiếm tiền trong bối cảnh hỗn loạn như hiện nay. Điển hình như Mary Mae Dacanay (23 tuổi) - một nữ công nhân tại Philippines. 

Một tác phẩm từ lá mít của Dacanay giúp cô trang trải cuộc sống trong thời kỳ Covid-19
Một tác phẩm từ lá mít của Dacanay giúp cô trang trải cuộc sống trong thời kỳ COVID-19

Sau khi bị mất việc ở nhà máy, Dacanay đã muốn sử dụng sự khéo tay của mình chế tạo các món quà lưu niệm để kiếm thêm thu nhập. Đáng tiếc, COVID-19 đã khiến việc mua nguyên liệu trong thị trấn gần như bất khả thi. Tới lúc này, cô bèn bước ra sau nhà hái những lá mít trong vườn và tỉa chúng thành gương mặt của những nhân vật nổi tiếng, từ Oprah Winfrey, Robert Downey Jr, Michael Jackson cho đến Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte.

Ban đầu, Dacanay chỉ nghĩ đây là thú vui giết thời gian, nhưng sau khi đăng bán trên mạng, cô đã được đón nhận nồng nhiệt. Hàng trăm chiếc lá đã được bán với giá trung bình khoảng 400 peso/chiếc (tương đương 8,24 USD).

Giờ đây, thay vì làm việc bảy ngày một tuần tại nhà máy cộng thêm giờ làm thêm, dự án kinh doanh mới cho phép Dacanay tận hưởng sở thích cá nhân mà vẫn thanh toán được các hóa đơn. “Nghệ thuật tỉa lá đã giúp tôi rất nhiều về mặt tài chính trong thời kỳ đại dịch”, cô nói. “Số tiền này được tôi dùng để thanh toán các hóa đơn, mua thức ăn cho gia đình”.

Dạy thể dục trực tuyến, cho thuê trang thiết bị để tập tại nhà

Quay ngược lại thập niên 1980, các video hướng dẫn tập thể dục của Jane Fonda luôn đứng đầu danh sách bán chạy nhất tại những hệ thống bán lẻ và trở thành một trào lưu. Tuy nhiên, việc xuất hiện ngày càng nhiều những câu lạc bộ (CLB) thể thao đã khiến mọi người quay lưng với việc tập luyện tại nhà. 

Nghề dạy thể dục trực tuyến lên ngôi trong mùa Covid-19
Nghề dạy thể dục trực tuyến lên ngôi trong mùa COVID-19

Theo Hiệp hội CLB Thể thao, Quần vợt và Sức khỏe quốc tế (IHRSA), ước tính khoảng 20% người Mỹ có thẻ thành viên tại một hoặc nhiều CLB thể thao. Các huấn luyện viên cá nhân (PT) phụ thuộc khá nhiều vào những CLB như thế. Đây là nơi họ kiếm khách hàng mới và được sử dụng đầy đủ trang thiết bị cần thiết. 

Nhằm tránh tình trạng lây lan SARS-CoV-2, nhiều chính phủ đã quyết định đóng cửa mọi CLB thể thao. Điều này không chỉ khiến các chủ CLB rơi vào cảnh khốn đốn mà còn đẩy các PT vào tình trạng thất nghiệp. Mặc dù vậy, với sự trợ giúp của internet, nhiều PT đã tìm được lối thoát.
Giờ đây, các PT có thể thực hiện những buổi hướng dẫn tập luyện thông qua các ứng dụng như Zoom, WhatsApp, thậm chí là Facetime. Chi phí chắc chắn rẻ hơn ở CLB. Tuy hạn chế số lượng người tham gia, họ vẫn kiếm được đủ thu nhập để vượt qua mùa dịch. 

“Chúng tôi đã ghi nhận nhu cầu tập thể dục trực tuyến tăng cao trong một thời gian ngắn. Đây là điều sẽ không bao giờ xảy ra nếu không có COVID-19”, Zach Apter - giám đốc kinh doanh của một CLB thể thao lớn tại Mỹ - cho hay.

Chưa hết, nhiều CLB đã cho phép khách hàng thuê trang thiết bị thay vì để chúng gỉ sét tại phòng tập. Các chiến dịch kinh doanh lấn sân vào thế giới ảo của những CLB này theo đó cũng được đưa lên ưu tiên hàng đầu.

COVID-19 chủ yếu tác động lên các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như nhóm người có thu nhập thấp. Họ không có nguồn vốn dự trữ và tài sản tích cóp nên gần như rơi vào tuyệt vọng bởi dịch bệnh đã khiến mọi thứ bị đình trệ. Thế nhưng, nhiều người cho rằng đây đồng thời là phép thử giúp chúng ta nhận ra các thế mạnh khác của bản thân và không mù quáng chạy theo những xu hướng kinh doanh phổ biến trong thời kỳ “trước COVID-19”. 

Mai Thảo

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI