Phát triển “đa tâm” để TPHCM giảm kẹt xe

23/02/2022 - 07:29

PNO - Với tốc độ gia tăng dân số cơ học hơn 2%/năm, dù mở bao nhiêu đường trong nội thành, TPHCM vẫn cứ kẹt xe. Giải pháp căn cơ cho tình trạng này là hình thành các đô thị xung quanh vùng lõi trung tâm nhằm phân bố lưu lượng tham gia giao thông một cách khoa học.

Giảm sức hút của “cực” trung tâm

Theo đánh giá của các chuyên gia, hiện nay, khu vực trung tâm TPHCM - đặc biệt là vùng lõi Q.1, Q.3 - vẫn là cực nam châm thu hút phần lớn nhu cầu lưu thông. Người dân các quận ven, huyện ngoại thành TPHCM và các tỉnh lân cận cũng đều đổ dồn về các quận trung tâm TPHCM mỗi ngày để học tập, làm việc, mua sắm, vui chơi giải trí kéo theo một lượng phương tiện giao thông khổng lồ tràn từ ngoại thành vào nội thành đầu buổi sáng và hướng ngược lại vào cuối buổi chiều.

Phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Minh Hòa - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị TPHCM - cho rằng mô hình thành phố lớn kiểu truyền thống với trung tâm kinh tế lõi và các vùng có mật độ dân số giảm dần bao quanh đã không còn phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Ngược lại, xu hướng đa trung tâm được coi là giải pháp phát triển đô thị bền vững. Mỗi năm, dân số cơ học của TPHCM tăng gần 200.000 người, tương đương với dân số của một quận nhỏ; nếu tất cả đổ dồn vào vùng lõi thì không đường nào chứa nổi. Do đó, cần định hướng phát triển đô thị sao cho mỗi khu dân cư đều đảm bảo mọi nhu cầu ăn, ở, làm việc, vui chơi, chữa bệnh để người dân không cần phải đi xa nữa. 

Theo ông, từ năm 1992, Đảng bộ và chính quyền TPHCM đã có định hướng phát triển đô thị đa trung tâm theo bốn hướng gồm phía đông (các quận 2, 9, Thủ Đức), phía nam (Q.7, H.Nhà Bè), phía tây bắc (Q.12, H.Hóc Môn, H.Củ Chi), phía tây nam (H.Bình Chánh, Q.Tân Phú, Q.Bình Tân), mỗi hướng sẽ là một trung tâm với hạ tầng xã hội và kỹ thuật đồng bộ, dịch vụ phát triển, khu vui chơi giải trí sầm uất... Tuy nhiên, qua gần ba thập niên, thành phố vẫn đang phát triển theo kiểu “vết dầu loang” chứ chưa hình thành được khu đô thị nào có đủ sức hút ngang với vùng lõi trung tâm hiện hữu. 

“Thời gian qua, chính quyền TPHCM chưa đủ quyết liệt trong việc nắm bắt cơ hội đầu tư lớn để phát triển các khu trung tâm đúng nghĩa. Trước đây, đối tác Nhật Bản từng muốn đầu tư khu An Phú - An Khánh (Q.2 cũ) trở thành một khu đô thị đầy đủ chức năng nhưng không thực hiện được và đến nay, khu vực này chỉ hình thành các dãy nhà phố; khu Phú Mỹ Hưng (Q.7) phát triển rất tốt nhưng chủ yếu vẫn thiên về khu dân cư. TPHCM cần đầu tư lớn, nghiêm túc, tạo ra một số khu trung tâm đúng nghĩa để kéo giãn dân cư ra; quy hoạch, phát triển vùng tâm phụ thành những khu đô thị khép kín để giảm thiểu nhu cầu đi lại của người dân, giảm ùn tắc giao thông vùng lõi và vùng cửa ngõ thành phố” - tiến sĩ Nguyễn Minh Hòa nói.

Tình trạng kẹt xe ở các khu vực trước cổng trường tại TP.HCM xảy ra phổ biến và được xem là hậu quả của việc phát triển hạ tầng đô thị chưa phù hợp - ẢNH: H.N.
Tình trạng kẹt xe ở các khu vực trước cổng trường tại TPHCM xảy ra phổ biến và được xem là hậu quả của việc phát triển hạ tầng đô thị chưa phù hợp - ẢNH: H.N.

Bắt đầu từ TP.Thủ Đức

Đánh giá về việc hình thành các đô thị trung tâm mới, kiến trúc sư, tiến sĩ Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, các hướng tuyến trong quá trình phát triển chung của TPHCM còn hạn chế. Cụ thể, hướng chính phía đông vẫn chưa hình thành được các khu đô thị quy mô lớn, đồng bộ mà chủ yếu vẫn là các dự án đầu tư nhỏ, phân tán làm ảnh hưởng lớn tới việc kết nối hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Các khu chức năng ở hướng chính phía tây, tây nam vẫn còn manh mún, ngoại trừ trục đường Nguyễn Văn Linh và khu A của khu đô thị Phú Mỹ Hưng được đầu tư hoàn chỉnh.

“Trong những năm qua, TPHCM vẫn tập trung nhiều nguồn lực để phát triển khu vực nội đô khiến khu vực ngoại ô không đủ sức hút để kéo giãn dân ra, trong khi khu vực trung tâm thì càng thu hút đông dân vào. Có nhiều khu đô thị mới mọc lên ở ngoại ô chủ yếu chỉ để bán bất động sản mà không có các tiện ích đi kèm. Vì vậy, nhà ở ngoại ô chỉ để ở và người dân vẫn phải chạy vào trung tâm để làm việc, học hành, giải trí” - ông Nam Sơn nhận xét.

Để giải quyết tình trạng này, theo ông, khi phát triển thành phố theo hướng đa cực, các trung tâm mới phải có những tiện ích đô thị tương đồng với khu trung tâm hiện hữu và phải được đầu tư đồng bộ ngay từ đầu, đặc biệt là hệ thống giao thông. Nếu được quy hoạch bài bản, các khu đô thị ven đô mới đủ sức thu hút cộng đồng cư dân trẻ trung, năng động, sẵn sàng dịch chuyển ra khỏi lõi nội đô để tận hưởng cuộc sống mới với đầy đủ tiện nghi, nhờ đó giảm tải dân số cơ học cho nội đô, giải quyết được nhiều vấn đề kinh tế, xã hội khác.

Đặc biệt mới đây, chính quyền TPHCM sáp nhập ba quận 2, 9, Thủ Đức để thành lập TP.Thủ Đức - “thành phố trong thành phố” đầu tiên trên cả nước - làm động lực để phát triển về phía đông. TP.Thủ Đức có nhiều lợi thế về vị trí địa lý, hạ tầng dịch vụ sẵn có như các khu đại học, khu công nghệ cao, khu đô thị mới Thủ Thiêm. Khu vực này đã và đang được đầu tư nhiều dự án hạ tầng trọng điểm kết nối với các quận khác và vùng kinh tế trọng điểm phía nam, như Xa lộ Hà Nội, đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên, đường Phạm Văn Đồng... Trong đó, khu đô thị mới Thủ Thiêm được kết nối với trung tâm hiện hữu bằng hầm và cầu Thủ Thiêm. Trong năm nay sẽ có thêm cầu Thủ Thiêm 2 và tương lai sẽ có cầu Thủ Thiêm 3, 4, cầu đi bộ vượt sông Sài Gòn. Sở Giao thông Vận tải TPHCM cũng đang đặt mục tiêu khởi công nút giao An Phú tại TP.Thủ Đức trong năm nay với tổng vốn đầu tư hơn 3.900 tỷ đồng, là dự án hết sức quan trọng nhằm từng bước hoàn chỉnh quy hoạch hạ tầng giao thông TP.Thủ Đức nói riêng và TPHCM nói chung. 

Theo ông Nam Sơn, UBND TPHCM cần quản lý quy hoạch bài bản, đồng bộ, ngăn chặn hiện tượng đầu cơ, chiếm đất có thể “băm vụn” quỹ đất khiến không còn chỗ để đầu tư các công trình quy mô lớn và kết nối hiệu quả giữa hạ tầng kỹ thuật với hạ tầng xã hội. Bên cạnh đó, chính quyền TP.Thủ Đức cần tập trung xây dựng một hệ thống giao thông công cộng tiện lợi làm “xương sống” cho việc đi lại của người dân. Hiện nay, mạng lưới xe buýt ở khu vực này còn rất thưa thớt, chưa có sự kết nối thuận lợi cho việc lưu thông của người dân. Sắp tới đây, cùng với sự vận hành của tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên kết nối Thủ Đức với trung tâm thành phố, ngành giao thông cần tổ chức tốt mạng lưới xe buýt, xe đạp điện cho thuê, xe trung chuyển, các bãi giữ xe thông minh xung quanh nhà ga metro... để tạo ra hệ sinh thái dịch vụ đa đạng, kết hợp bài bản giữa các loại hình phương tiện để sử dụng không gian hiệu quả. Ngoài ra, cần tạo ra các vỉa hè thông thoáng, các tuyến đường an toàn đảm bảo cho việc đi bộ, mới khuyến khích người dân sẵn lòng sử dụng phương tiện công cộng.

Việc phát triển tốt “phố đông” Thủ Đức theo đúng định hướng chung (đến năm 2040, thu hút hơn 3 triệu dân) sẽ chia sẻ áp lực giao thông, hạ tầng kỹ thuật đáng kể cho nội đô TPHCM và là động lực cho các khu đô thị vùng ven khác phát triển theo đúng định hướng quy hoạch. 

Phát triển giao thông thông minh để giảm kẹt xe

Chiều 22/2, tại buổi làm việc với Sở Giao thông Vận tải TPHCM, đại diện Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam đưa ra nhiều giải pháp phát triển giao thông thông minh để giảm kẹt xe trên địa bàn thành phố. Theo đó, WB sẽ hỗ trợ TPHCM về mặt kỹ thuật trong việc cải thiện, nâng cao hiệu quả hệ thống xe buýt hiện hữu, các tuyến metro sắp tới, áp dụng công nghệ trong việc quản lý điều hành giao thông, tiến tới thành lập trung tâm điều hành giao thông thông minh. Hiện WB đang hỗ trợ TPHCM triển khai dự án giao thông xanh đầu tư tuyến xe buýt nhanh (BRT) trên đại lộ Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ được đầu tư từ nguồn vốn ODA vay ưu đãi của WB.  

Đại diện WB cho rằng để xây dựng giao thông thông minh, bền vững, TPHCM cần có giải pháp vừa “kéo” vừa “đẩy”, một mặt tái cơ cấu, hoàn thiện mạng lưới xe buýt hiện hữu và các tuyến metro trong tương lai cùng các hạ tầng đi kèm để khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng, mặt khác có các giải pháp kiểm soát phương tiện cá nhân.
Đồng tình với đề xuất này, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Võ Khánh Hưng cho rằng sẽ không cấm xe máy để giảm kẹt xe mà tập trung phát triển giao thông công cộng để người dân có sự so sánh, tự nguyện lựa chọn khi thấy xe công cộng thuận tiện, giá rẻ hơn so với xe cá nhân. 

Theo thiết kế của Sasaki-enCity (Mỹ) - đơn vị đoạt giải nhất cuộc thi “Ý tưởng quy hoạch đô thị sáng tạo tương tác cao phía đông, TPHCM”, TP.Thủ Đức trong tương lai sẽ có sáu trọng điểm sáng tạo, gồm khu công nghệ cao với định hướng trở thành trung tâm sản xuất tự động hóa; Đại học Quốc gia TPHCM cung cấp quần thể giáo dục - đào tạo cùng một trung tâm khởi nghiệp sáng tạo; khu tài chính Thủ Thiêm với tầm nhìn trở thành trung tâm công nghệ tài chính của khu vực ASEAN; Rạch Chiếc - trung tâm thể thao và sức khỏe của Đông Nam Á; Tam Đa - trung tâm công nghệ sinh thái và khu đô thị có khả năng chống chịu cao; khu Trường Thọ - nơi định hình như một đô thị tương lai, áp dụng những ý tưởng độc đáo và có tính cách mạng nhất về công nghệ.

Phương Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI