Phần Lan sẽ xóa hết các môn học: 'Việt Nam còn rất xa mới thực hiện được'?

23/11/2016 - 09:05

PNO - "Chỉ có các quốc gia rất tiên tiến, hiện đại mới có thể áp dụng được và với Việt Nam, theo suy nghĩ của tôi, còn rất xa chúng ta mới có thể làm được..."

Quyết định táo bạo

Theo Bộ Giáo dục Phần Lan, thời gian tới, nước này sẽ loại bỏ toàn bộ các môn học trong giáo dục như vật lý, toán, văn học, lịch sử hay địa lý. Thay vì học từng môn riêng rẽ, học sinh sẽ học các sự kiện và hiện tượng trong một định dạng đa ngành.

Ngày 22/11, trao đổi với PV, ông Nguyễn Cảnh Bình đã có những bình luận về câu cách làm này: "Đây được coi là bước đi cực kỳ đột phá trong giáo dục của Phần Lan và có thể coi là bước đi đột phá của lịch sử giáo dục loài người. Phần Lan (và tôi tin một số quốc gia khác, nhất là các nước Bắc Âu/Scandinavia sẽ sớm học tập và làm theo) sẽ vẫn giữ được vị thế tiên phong trong giáo dục thế giới với những cải tiến cực kỳ táo bạo và mạnh mẽ.

Hàng nghìn năm trước, nền giáo dục của Hy Lạp cổ đại đã bắt đầu phân chia và hình thành dần các môn học cụ thể, và cấu trúc này được duy trì, thịnh vượng trong suốt 2000 năm qua nhưng có lẽ Phần Lan, bằng hành động đầy sáng tạo và đột phá của mình, đã phá vỡ cấu trúc môn học kiểu cũ để thay thế bởi một cấu trúc mới.

Phan Lan se xoa het cac mon hoc: 'Viet Nam con rat xa moi thuc hien duoc'?

Như Bộ trưởng Giáo dục Phần Lan, Marjo Kyllonen, tuyên bố về sự thay đổi này: “There are schools that are teaching in the old-fashioned way which was of benefit in the beginning of the 1900s - but the needs are not the same, and we need something fit for the 21st century”.

(Rất nhiều trường học đang giảng dạy theo cách cũ, vốn phù hợp với nhu cầu của thế kỷ 20. Hiện giờ, những yêu cầu của chúng ta đã thay đổi, và chúng ta cần điều gì đó phù hợp với thế kỷ 21)".

Tôi tin rằng, đây là cách giảng dạy cực kỳ thông minh, hiệu quả và chỉ có những thiết chế giáo dục, chỉ có những quốc gia có dân trí và trình độ đặc biệt cao mới thực hiện được.

Vì hôm nay, những gì chúng ta đang đương đầu là bài toán, là những thách thức đa chiều, đa lĩnh vực. Hầu như không ai khi đi làm, khi trưởng thành phải xử lý bài toán toán học độc lập, mà chúng ta đều phải xử lý những tình huống, những thách thức thực tế đòi hỏi thông tin và phân tích đa dạng.

Từ bài toán giáo thông, bài toán việc làm, bài toán sản xuất và dịch vụ đòi hỏi tổng hợp nhiều kỹ năng, kiến thức, những thứ mà nền giáo dục và cấu trúc môn học kiểu cũ không còn thích hợp, thiếu hiệu quả".

Từ trước đến nay, Phần Lan vẫn được đánh giá là một trong những nước có nền giáo dục tốt nhất thế giới, thời gian vừa qua, họ vẫn luôn là một trong những nước phát triển đạt kết quả tốt nhất theo Chương trình Đánh giá sinh viên quốc tế (PISA).

Với việc xóa bỏ toàn bộ các môn học cho học sinh từ 16 tuổi, yêu cầu học sinh phải tìm cho mình lĩnh vực mình yêu thích nhất để học, để thỏa sức phát triển. Theo ông Bình để tạo nên một Phần Lan khác biệt này gồm 3 yếu tố:

"Thứ nhất, họ nhận thức được thách thức mà xã hội, đất nước họ và con người phải đối mặt trong thế kỷ 21, họ nhận thấy thiết chế và cấu trúc giáo dục môn học kiểu cũ không còn thích hợp nữa.

Thứ hai, họ có năng lực thực hiện được việc này. Tôi tin rằng nhiều nơi, nhiều trường học, nhiều học giả, nhiều nhà giáo dục nhận thức được vấn đề này và hiểu được hệ thống mới, muốn thực hiện theo hệ thống mới nhưng không đủ năng lực thực thi trên diện rộng.

Những nhà giáo dục khác, các quốc gia khác, đâu đó sẽ và đang thực hiện trên quy mô hẹp, còn Phần Lan đã có nền tảng để thực thi trên quy mô rộng.

Thứ ba, Phần Lan có quá trình cải cách hệ thống giáo dục từ những năm 1970, sau 50 năm phát triển, họ vẫn tiếp tục duy trì được tinh thần này và thiết lập được một hệ thống giáo dục năng động, hiện đại, tiên phong.. dám và sẵn sàng thực hiện những đổi mới chưa từng có".

Việt Nam còn khó

Điều khác biệt giữa nền giáo dục Phần Lan và các nước trên thế giới vốn được nhắc đi nhắc lại nhiều lần, song theo ông Nguyễn Cảnh Bình điểm mấu chốt duy nhất đó là ở Phần Lan, cả chính phủ, người dân coi giáo dục thực sự là số 1, là căn bản, gốc rễ, hay có thể nói là tất cả, của cả hệ thống cấu trúc xã hội – dân tộc.

Phan Lan se xoa het cac mon hoc: 'Viet Nam con rat xa moi thuc hien duoc'?

"Điều đó quá khó cho các quốc gia khác làm theo, không phải vì các quốc gia khác không hiểu được, không mong muốn mà không có điều kiện thực hiện như Phần Lan.

Đương nhiên, cách làm của Phần Lan có thể áp dụng được ở các quốc gia khác, thậm chí tôi nghĩ ở đâu đó, trường học nào đó, chương trình giảng dạy nào đó đã áp dụng rồi.

Không thể có chuyện một quốc gia dám thay đổi cả một cấu trúc giảng dạy của mình mà hệ thống đó, cách đổi mới đó chưa được kiểm chứng ở chỗ khác, ở môi trường khác.

Vì thế, tôi tin cách làm này của Phần Lan sẽ được áp dụng thôi, có thể trước tiên với các quốc gia Scandinavia, Bắc Âu và có thể rồi sẽ được mở rộng cho nhiều các quốc gia khác khi các quốc gia này nâng cấp, cải tiến hệ thống giáo dục của mình để có thể thích ứng được hệ thống mới. Nó cũng như thể chúng ta nâng cấp từ 3G lên 4G vậy.

Quốc gia nào cũng có thể nâng cấp được nếu có đủ các điều kiện: Một là, Chính phủ cho phép và đồng ý; Hai là, trường học/hệ thống giáo dục có năng lực thực hiện, giáo viên có trình độ giảng dạy tổng hợp chứ không chỉ dạy từng môn; ba là, xã hội, người dân mong đợi, chấp thuận và yêu cầu".

Tuy nhiên cũng theo ông Bình: "Chỉ có các quốc gia rất tiên tiến, hiện đại mới có thể áp dụng được và với Việt Nam, theo suy nghĩ của tôi, còn rất xa chúng ta mới có thể làm được nhưng không vì thế mà mô hình mới không thể được thử nghiệm ở đâu đó, bởi những người đi tiên phong.

Thậm chí, chính bản thân tôi tuần vừa rồi cũng đã họp với đồng nghiệp để nghiên cứu kỹ hơn và suy tính xem liệu có thể áp dụng cho chương trình đào tạo lãnh đạo trẻ ABG của mình hay không".

Thanh Mai

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI