Nghệ sĩ cần một sân khấu đúng chuẩn, thành phố đáp ứng được không?

“Phải xử lý những vấn đề của văn hóa, nếu không, đó là sự phát triển không bền vững”

05/07/2021 - 07:31

PNO - Phó giáo sư - tiến sĩ Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cắt nghĩa tầm quan trọng của văn hóa trong định hướng tiến tới thành phố thông minh, thành phố sáng tạo: “Chính văn hóa chứ không phải công nghệ hay bất cứ yếu tố nào khác tạo ra bản sắc riêng, cái hấp dẫn cho các thành phố thông minh của Việt Nam, trong đó có TPHCM”.

 

LTS: Một sân khấu đạt chuẩn để nghệ sĩ làm nghề tử tế có phải là khát vọng của riêng giới nghệ sĩ và ngoài tầm với của một tổng phổ thành phố thông minh? Trong cuộc “rời tổ” đầy dư vị của sân khấu Hoàng Thái Thanh, có ai nghe ra sự ngậm ngùi của những tiếng thở dài khác nữa, của những người nghệ sĩ sáng tạo và bản sắc khác nữa? Họ sẽ nghĩ gì về cái thành phố tương lai mà ở đó, họ không được tham dự và không được thành toàn nhất với cái nguyện vọng bé nhỏ của mình?

Một sân khấu đúng nghĩa để nghệ sĩ - con người sáng tạo nhất, bản sắc nhất của đô thị - được làm nghề tử tế nhất, có mối liên hệ gì tới mô hình thành phố thông minh mà TPHCM đang hướng đến? 

Thành phố thông minh không chỉ ở đường truyền, cảm biến...

Phóng viên: Hiện nay, TPHCM đang hướng đến thành phố thông minh; người ta nói rất nhiều đến đặc trưng ICT (công nghệ thông tin và truyền thông), mà chưa thấy nói nhiều đến văn hóa. Có một số ý kiến lo ngại về sự xói mòn văn hóa trong dòng chảy đó. Xin hỏi, ông nghĩ gì về điều đó?

Phó giáo sư - tiến sĩ Bùi Hoài Sơn
Phó giáo sư - tiến sĩ Bùi Hoài Sơn

Phó giáo sư - tiến sĩ Bùi Hoài Sơn: Trên thực tế, xây dựng kinh tế - xã hội hay bất cứ lĩnh vực gì, kể cả luật pháp hay khoa học công nghệ, cũng phải dựa trên nền tảng văn hóa. Nếu không, mọi sự phát triển đều không phù hợp và rất khó để tích hợp được trong cùng một xã hội.

Văn hóa phát triển theo chiều dài lịch sử, là thói quen, cách sống, giá trị cũng như chuẩn mực của con người, thấm sâu vào con người.

Lịch sử thế giới nhận thấy, khoa học công nghệ đến với bất cứ một quốc gia nào, cũng bị văn hóa của quốc gia đó thay đổi hoặc nếu không phù hợp với văn hóa, những tiến bộ về khoa học công nghệ ấy cũng khó có thể giúp quốc gia đó phát triển. Vì sự không phù hợp giữa khoa học công nghệ và văn hóa của một quốc gia dẫn đến nhiều phản đối của chính người dân sống trong xã hội đó đối với sự áp dụng khoa học công nghệ một cách máy móc.

Tôi cho rằng, khi TPHCM hướng đến đô thị thông minh, cũng phải đánh giá tác động của mô hình đó đối với văn hóa. Nếu không, việc xây dựng thành phố thông minh sẽ gặp không ít cản trở.

* Nhưng ở ta, hình như không có thao tác đánh giá tác động văn hóa này, thưa ông?

- Ở ta, thường (thậm chí là không) thực hiện thao tác này. Trong khi đó, văn hóa gắn liền với hệ giá trị mà người dân ở một địa phương người ta coi trọng và trở thành thói quen của họ. Tác động của khoa học công nghệ làm thay đổi lối sống, thói quen, ảnh hưởng tới việc xác định giá trị của cộng đồng, thậm chí giá trị của từng cá nhân.

Vì vậy bắt buộc phải đánh giá tác động; nếu không phù hợp, phải điều chỉnh. Tôi nghĩ, quản trị nào chăng nữa, cũng liên quan đến văn hóa; dựa trên nền tảng con người và văn hóa. Phải xử lý những vấn đề của văn hóa; nếu không, đó là một sự phát triển không bền vững.

* Nghệ sĩ được xem là con người sáng tạo, con người bản sắc nhất của đô thị; nhưng có không ít người đang làm nghề trong điều kiện khó khăn, chật vật. Mới đây, thông qua Báo Phụ Nữ TPHCM, một số nghệ sĩ gửi nguyện vọng về một sân khấu đúng nghĩa để hoạt động. Một sân khấu như thế có mối liên hệ gì tới đô thị thông minh?

- Để có một đô thị thông minh, phải có những hoạt động thông minh khác đi kèm. Trong đó, các hoạt động liên quan đến văn hóa, các cơ sở hạ tầng cho văn hóa cũng cần phải thông minh, đồng bộ. 

Bên cạnh những kỳ tích kinh tế, sự phát triển của một xã hội bao giờ cũng được đánh dấu bằng những công trình văn hóa xứng tầm. Ngày xưa nghèo khó, ta vẫn xây được những thiết chế cơ bản, sao bây giờ không thể?

Ở đây, trong một câu chuyện rất cụ thể, đó là một sân khấu đúng nghĩa - một thiết chế văn hóa cơ bản - để phát huy hết giá trị, khả năng của nghệ sĩ thì mới sáng tạo ra được những tác phẩm nghệ thuật hay, những sản phẩm nghệ thuật phù hợp với bối cảnh xã hội mà ta đang sống, đặc biệt là phù hợp cuộc cách mạng lần thứ 4 - nơi là tiền đề, bối cảnh ra đời một thành phố thông minh.

Nếu không đủ, không thuận lợi, thậm chí không có một cơ sở hạ tầng như vậy, rất khó để phát huy được sức sáng tạo của con người sống trong đô thị đó.

Cuộc sống đâu chỉ là câu chuyện về vật chất, tiền bạc, cơm áo, mà còn kết hợp thỏa mãn về mặt tinh thần. Tôi không nghĩ, một sân khấu để làm nghề tử tế là một đòi hỏi gì quá sức với TPHCM. Vấn đề là thành phố có muốn làm hay không mà thôi.

* Qua một ví dụ nhỏ về thiết chế văn hóa như vậy, xin hỏi ông, phải chăng có một độ vênh nhất định khi vạch ra chiến lược thành phố thông minh nhưng hạ tầng cơ sở vật chất chưa theo kịp?

- Chắc chắn có một độ vênh. Nhưng cũng phải nói rằng, xây dựng đô thị thông minh là một mục đích chính xác, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của đất nước bây giờ. Song, để thực hiện, cần một lộ trình. Không phải ta mong muốn như vậy thì ngay ngày mai, mơ ước ấy thành hiện thực.

Để đạt được, đặc biệt cần một nhận thức tốt, từ đó bắt tay vào xây dựng các cơ sở vật chất tương ứng. Ngay từ đầu nếu nhận thức chưa đầy đủ, việc xây dựng một thành phố thông minh, tôi nghĩ sẽ gặp nhiều khó khăn. Xây dựng thành phố thông minh không chỉ là câu chuyện đường truyền internet, căn hộ thông minh hay thiết bị văn minh, cảm biến… mà quan trọng nhất vẫn là con người, vẫn là câu chuyện văn hóa.

Kể cả chính sách, cũng được xem là một khía cạnh của văn hóa. 

Thành phố thông minh là một tiêu chí xây dựng thành phố sáng tạo

* Thành phố thông minh tạo ra những “thành phố kỹ thuật số”. Vậy, bản sắc đô thị thì sao?

- Hiện, đang có một lo ngại: các thành phố mất bản sắc, na ná nhau khi hướng đến thành phố thông minh. Đó là một lo ngại có cơ sở.

Ta cần nhận thức được rằng, cái tạo ra sự hấp dẫn cho một thành phố thông minh đến từ văn hóa. Chính văn hóa chứ không phải công nghệ hay bất cứ yếu tố nào khác tạo ra bản sắc riêng cho thành phố; vì thế, cần phải khai thác những điều mà ta cho rằng nó thể hiện bản sắc, đặc điểm của đất nước chúng ta, thành phố chúng ta.

Trên cơ sở đó, tạo ra các bản sắc riêng cho các thành phố thông minh của Việt Nam. Nó sẽ tạo ra sức mạnh mềm, tạo ra điểm nhấn, từ đó tạo ra động lực mới cho các thành phố thông minh ở nước ta phát triển. Nó sẽ không giống thành phố thông minh ở Malaysia, Indonesia, Singapore, Nhật Bản, hay Trung Quốc…

Tôi nghĩ, đó mới là mục đích lâu dài của chúng ta. Đó là điều ta cần hướng đến trong quá trình xây dựng thành phố thông minh.

* Việc ứng dụng công nghệ thông minh vào di sản văn hóa có thể tối ưu hóa tiềm năng của loại tài nguyên đặc biệt ra sao, thưa ông?

- Việc khai thác các di sản văn hóa để tạo ra không chỉ đặc trưng cho TPHCM mà còn tạo ra sức mạnh mềm, sức hấp dẫn nữa. Chính những đặc điểm đó sẽ tạo ra những giá trị về kinh tế, giá trị gia tăng cho các sản phẩm của TPHCM, như sản phẩm du lịch, thời trang…

Công nghệ có thể giống nhau ở quốc gia này và quốc gia khác; thậm chí công nghệ có thể thay đổi từ năm này tới năm khác; nhưng cách thức sử dụng công nghệ trong cuộc sống, trong quy hoạch, để ta phát triển con người toàn diện và bền vững, lại đến từ văn hóa. Đừng bao giờ quên điều đó.

Nghệ sĩ sân khấu thấp thỏm giấc mơ “có nhà”
Nghệ sĩ sân khấu thấp thỏm giấc mơ “có nhà”

* TPHCM nói riêng và các thành phố khác nói chung của Việt Nam đang phát triển công nghiệp văn hóa. Xin hỏi ông, phát triển công nghiệp văn hóa có mối liên hệ như thế nào đến mô hình thành phố thông minh?

- Công nghiệp văn hóa hay thành phố thông minh đều có một điểm chung, đó là đều xuất phát từ hạt nhân sáng tạo của con người, mục đích làm sao để cuộc sống của chúng ta trở nên thuận tiện, khiến cuộc sống ta đáng sống hơn. Vì thế, công nghiệp văn hóa và thành phố thông minh là hai yếu tố bổ trợ cho nhau.

Công nghiệp văn hóa tạo ra những sản phẩm dịch vụ văn hóa dựa trên tài năng sáng tạo, dựa trên vốn văn hóa kết hợp công nghệ và kỹ năng kinh doanh. Thành phố thông minh giúp công nghiệp văn hóa ở phần công nghệ, tài năng sáng tạo, kỹ năng kinh doanh, vốn văn hóa, chính là văn hóa Việt Nam, con người Việt Nam có thể đem lại cho thành phố thông minh ấy.

Ngay trong Công ước Bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa được UNESCO thông qua năm 2005, đã nhấn mạnh các thành phố nên trở thành các thành phố sáng tạo.

Trong hệ thống thành phố sáng tạo theo mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, thành phố thông minh là một trong những tiêu chí để xây dựng thành phố sáng tạo. Điều đó cũng có nghĩa, thành phố sáng tạo là một phần của thành phố thông minh.

* Xin cảm ơn ông. 

Du Nguyên (thực hiện) 

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI