Nghệ sĩ cần một sân khấu đúng chuẩn, thành phố đáp ứng được không?

28/06/2020 - 13:32

PNO - Làm nghề ở thời buổi khó khăn, kỵ nhất là phải thốt lên lời “cáo lỗi” với khán giả, dù bất kể lý do gì chăng nữa, khác gì cầm cây kim đâm ngược vào tim mình. Thế nhưng, sân khấu Hoàng Thái Thanh đã phải làm cái việc “bất đắc dĩ” ấy.

LTS: Một sân khấu đạt chuẩn để nghệ sĩ làm nghề tử tế có phải là khát vọng của riêng giới nghệ sĩ và ngoài tầm với của một tổng phổ thành phố thông minh? Trong cuộc “rời tổ” đầy dư vị của sân khấu Hoàng Thái Thanh, có ai nghe ra sự ngậm ngùi của những tiếng thở dài khác nữa, của những người nghệ sĩ sáng tạo và bản sắc khác nữa? Họ sẽ nghĩ gì về cái thành phố tương lai mà ở đó, họ không được tham dự và không được thành toàn nhất với cái nguyện vọng bé nhỏ của mình?

Từ một cuộc “rời tổ” loanh quanh thành phố 

Sau hơn một tháng ròng cực khổ chuẩn bị cho vở Bông hồng cài áo, suất diễn đầu tiên hôm 6/6 cũng là suất diễn cuối cùng của sân khấu Hoàng Thái Thanh khi quay trở lại Nhà Văn hóa Thiếu nhi thành phố (TP - 36 Lê Quý Đôn, quận 3) với hy vọng gầy dựng một địa chỉ thứ hai - nơi ai cũng tin rằng đó là một vị trí (tạm gọi là) “đẹp” để nghệ sĩ “dụng võ”.

Một thông báo được đưa ra, kèm thư cáo lỗi về việc ngưng hoạt động tại đây, kể từ ngày 10/6. Lý do của sự chấm dứt hợp tác đột ngột này là “không tìm được tiếng nói chung về phương thức hoạt động” giữa hai bên.

Không ít người “sốc” khi hay tin, suất diễn đầu tiên hôm 6/6 cũng là suất diễn cuối cùng của sân khấu Hoàng Thái Thanh tại Nhà Văn hóa Thiếu nhi thành phố
Không ít người “sốc” khi hay tin, suất diễn đầu tiên hôm 6/6 cũng là suất diễn cuối cùng của sân khấu Hoàng Thái Thanh tại Nhà Văn hóa Thiếu nhi thành phố

Để rồi những ngày qua, là một cuộc “rời tổ” ngậm ngùi. Trên mặt sàn ngổn ngang dây nhợ, các thiết bị âm thanh, ánh sáng, đạo cụ. Tấm áp-phích, poster quảng cáo vở diễn được tháo xuống, chất vội lên xe tiễn biệt nơi chốn từng lưu giữ “khát vọng chuồn chuồn”. Anh em công nhân, nhân viên sân khấu đang tháo dỡ kèo cột, phông màn, chuyển dần những đạo cụ cuối cùng để “dọn nhà” từ Nhà Văn hóa Thiếu nhi TP về lại chốn cũ ở Nhà Văn hóa Thiếu nhi Quận 10 (139 Bắc Hải). 

Đây không phải lần xáo trộn duy nhất của sân khấu Hoàng Thái Thanh. Kể từ khi lập ra đến nay được 10 năm, đơn vị đã chuyển đi chuyển lại vài lần. 

Nghệ sĩ làm nghề trong tâm thế nơm nớp lo lắng vì bất cứ lúc nào, địa điểm sân khấu mà họ thuê biểu diễn cũng có thể bị lấy lại hoặc “có vấn đề”, dẫn đến không thể đối thoại, cuối cùng đành “dứt áo” ra đi. Đó không chỉ là chuyện riêng của sân khấu Hoàng Thái Thanh mà còn là chuyện của nhiều đơn vị sân khấu khác của TP. 

Sân khấu Ngọc Trinh bị Nhà hát Kịch TP - một đơn vị văn hóa, nghệ thuật thuộc sở hữu của TP, đơn phương chấm dứt hợp đồng, phải lôi nhau ra tòa giải quyết ròng rã 2 năm trời, dù thắng kiện vẫn còn đó một sự ngao ngán, đau đớn “nhớ đời”.

Sân khấu Buffalo bỏ ra 2 tỷ đồng dựng vở Thủy tinh: Đứa con thứ 101 dành cho thiếu nhi, dù nhận được tán dương của khán giả nhưng sau khi diễn đợt 1, không có chỗ để cảnh trí, phải thuê chỗ chứa, cũng hư hại, phải bán đi; khi muốn diễn tiếp, lại không có cảnh trí mà diễn.

Hay sân khấu Nụ Cười Mới, vốn là đơn vị hoạt động khá mạnh ở Trung tâm Văn hóa Quận 10; nhưng rồi cũng vì phải trả lại mặt bằng cho đơn vị khác, “chạy” qua Nhà Văn hóa Sinh viên mà trở nên thu hẹp, nghiệp dư, cả khán giả lẫn nghệ sĩ dần dần rời bỏ, cuối cùng đành phải “dẹp mộng”… 

Điểm sơ vài ví dụ để thấy cái vòng luẩn quẩn của hiện trạng sân khấu TP suốt hàng chục năm qua. Hàng chục năm đã trôi qua, điều mà nghệ sĩ TP này mong muốn, cũng chỉ gói gọn trong bấy nhiêu đó: một sân khấu đúng nghĩa, để được làm nghề một cách tử tế nhất.

Những nghệ sĩ của TP đang bị kẹt lại, một phía là hào quang của sân khấu Nam Bộ để lại, phía còn lại là một thiết chế văn hóa vừa thừa vừa thiếu, quay quắt khát vọng sáng đèn.

Thành phố đáp ứng được không?

Tại buổi họp mặt văn nghệ sĩ TP năm ngoái, Phó chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến từng yêu cầu Sở Văn hóa và Thể thao rà soát các rạp hát để điều tiết, bố trí lại cho hợp lý. 

Trong một văn bản trả lời Báo Phụ Nữ TPHCM về vấn đề rạp hát, ông Nguyễn Văn Hòa Bình, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính, Sở Văn hóa và Thể thao cũng trả lời (có vẻ) “khá đầy đủ” về việc này.

Bên cạnh rà soát, bố trí, xây dựng những công trình trọng điểm, sở cũng đã phối hợp với các sở, ngành liên quan kêu gọi xã hội hóa đầu tư xây dựng 8 cơ sở văn hóa nghệ thuật, trong đó có 4 dự án đã được UBND TP chấp thuận chủ trương đầu tư: rạp Công Nhân, Lao động A-B, Kim Châu và Trung tâm Văn hóa TP, 4 dự án đang kêu gọi đầu tư gồm rạp Lệ Thanh A - Lệ Thanh B, rạp Nhân Dân, Thủ Đô và Thanh Vân.

Dù đang vướng một số khó khăn liên quan đến các nghị định của Chính phủ cũng như thông tư quy định sử dụng tài sản công, về hợp đồng BOT, nhưng “việc đầu tư xây dựng, cải tạo, sửa chữa các rạp hát để đảm bảo yêu cầu hoạt động của đơn vị sự nghiệp cũng như yêu cầu tổ chức biểu diễn nghệ thuật phục vụ công chúng luôn được sở quan tâm, tập trung thực hiện”.

Ngoài ra, sở cũng chỉ đạo các đơn vị nghệ thuật trực thuộc có chính sách hỗ trợ phù hợp theo quy định, tạo điều kiện về sân khấu biểu diễn để các đơn vị xã hội hóa tham gia tổ chức các chương trình phục vụ công chúng; tăng cường hợp tác giữa các đơn vị nghệ thuật công lập và đơn vị xã hội hóa. 

Tóm lại, theo văn bản trả lời đó, sở rất “trách nhiệm”, có quan tâm và có đầu tư. Vậy thì, nguyện vọng, tâm tư của nghệ sĩ và ý chí của sở, vừa hay… gần nhau trên giấy tờ, văn bản, chỉ còn một bước nữa để thực tiễn hóa được hết thảy. Thế nhưng, vì sao cho tới bây giờ, các nghệ sĩ vẫn kỳ vọng về một sân khấu đạt chuẩn để làm nghề?

Sân khấu kịch dù vẫn còn khán giả nhưng nghệ sĩ “tự bơi”, loay hoay trong cuộc “cách mạng công nghiệp văn hóa” của chính mình. Sân khấu cải lương, từ trên dưới 50 rạp lớn, nhỏ thời vàng son, nay chỉ còn lác đác, lại vắng khán giả, thiếu vở diễn… 

Ta đang xây dựng TPHCM hướng đến đô thị thông minh. Nhưng năm 2020, TP lại chọn chủ đề là “Năm văn hóa và xây dựng nếp sống văn minh đô thị”. Để nói, thông minh nào, sáng tạo nào, quản trị nào, cũng từ quản trị con người và văn hóa mà khởi đi. Cũng là để nói, không biết ở nơi khác ra sao, nhưng ở đây, văn hóa vẫn giữ một vai trò trung tâm trong việc tái tạo TP, là cốt lõi của đô thị. 

Nhưng ở cái TP đang chờ “thông minh”, đang chờ trỗi dậy đó, vẫn có những nghệ sĩ - con người sáng tạo, con người bản sắc nhất của TP - vẫn đang loay hoay tìm một nơi chốn, nhỏ thôi, trong cái quy hoạch vừa dàn trải vừa thiếu điểm nhấn ấy, để hoạt động, để sáng tạo nghệ thuật.

“Làm sao có thể sáng đèn ở những hạ tầng lạc hậu, cũ kỹ?” - câu hỏi của NSƯT Trịnh Kim Chi, hay cũng là câu hỏi của tất cả các đồng nghiệp của mình? 

Bên kia nửa đời ngơ ngác -  vở diễn ăn khách của sân khấu Hoàng Thái Thanh
Bên kia nửa đời ngơ ngác - vở diễn ăn khách của sân khấu Hoàng Thái Thanh

Trong cuốn hồi ký Trôi theo dòng đời của NSND Bảy Nam - bà có nói: “Tôi mê hát hơn bất cứ điều gì trên thế gian này, tôi rất tin tưởng tổ nghiệp nên đêm đêm hằng thắp nhang cầu xin: nếu đời người quả thật có kiếp sau thì trời đất vẫn cho tôi được làm đào hát. Chẳng những tôi mê hát, mà còn mong được làm bầu, thích tên của mình viết trên bảng hiệu thật to để được treo lơ lửng trước các rạp hát lớn”. 

Phải vậy không các nghệ sĩ, các ông bầu, bà bầu đang “giữ đền” hôm nay?

Phải vậy không nghệ sĩ Ái Như, khi chị trả lời một khán giả về lần “chuyển nhà” mới đây: “Mình tỉnh rồi” với một sự hụt hẫng, ngậm ngùi; thì có lẽ, chị vẫn đang “say” nhất. Cái mạch ngầm được tạo ra, chảy róc rách từ thế hệ trước vắt sang thế hệ sau, hỷ nộ ái ố đủ cả nhưng được cái lúc nào cũng là mình. 

Nghệ sĩ cần một nhà hát đủ chuẩn để làm sân khấu; cần được làm nghề mà không phải phập phồng lo âu “lỡ ngày mai sẽ phải dọn nhà”… TP có đáp ứng được không? 

 

NSND Trần Minh Ngọc: Cần có một sự đầu tư, phát triển xứng tầm đô thị

Giống như nhiều lĩnh vực khác, sân khấu nói riêng và văn hóa nói chung phải có cơ sở hạ tầng riêng để hoạt động, phát triển xứng tầm với một đô thị văn minh. 

Hiện nay, vấn đề đầu tư hạ tầng cho sân khấu chưa được quan tâm, tạo điều kiện đúng mức. Nhiều nơi xuống cấp, không đáp ứng được nhu cầu tập luyện, trình diễn của nghệ sĩ. Có lẽ, chúng ta còn nặng về kinh tế và nhiều mối lo toan khác nên chưa nghĩ đến hạ tầng - yếu tố quan trọng để sân khấu tồn tại, phát triển. 

Điều này, tôi thấy rõ ngay trong văn kiện của đại hội Đảng mới nhất hay trong những văn kiện thời gian qua, mức độ đầu tư cho sân khấu, văn hóa bao giờ cũng chỉ vài dòng ngắn ngủi, xếp sau cùng và chưa hiệu quả. 

Nếu muốn sân khấu tương lai có được cơ sở hạ tầng phù hợp với sự phát triển thì phải đầu tư ngay từ bây giờ. Một sân khấu không đáp ứng về cơ sở vật chất thì đạo diễn, diễn viên không có không gian cũng như điều kiện tối thiểu để nghệ sĩ thể hiện trọn tài năng.

Ông Huỳnh Anh Tuấn - Giám đốc Công ty nghệ thuật sân khấu Thái Dương: 45 năm kể từ ngày thống nhất, thành phố chưa xây thêm được một nhà hát nào

Chúng tôi không khỏi chạnh lòng khi nhìn lại 45 năm kể từ khi đất nước thống nhất, TPHCM chưa có thêm một nhà hát nào được xây dựng, trừ Nhà hát Hòa Bình; song, đây lại là công trình thuộc quản lý của quận. Rạp Hưng Đạo được xây dựng lại trên nền rạp cũ lại không thể sử dụng để dàn dựng những tác phẩm đúng tầm của mảnh đất là “thủ phủ” của cải lương. 

Khát khao của những người làm sân khấu về cơ sở vật chất, trang thiết bị nghệ thuật, đầu tư cho nguồn nhân lực của sân khấu… đã là lời khẩn thiết từ 20 năm trước, mọi việc vẫn cứ vậy, chưa có được những thay đổi đáng kể.

TP từng đề cập đến việc xây dựng một nền công nghiệp văn hóa. Nhưng với thực tế hiện nay, tôi e rằng, con đường để đến công nghiệp văn hóa vẫn còn xa tít mù.

Trong các nền công nghiệp, công nghiệp văn hóa đặc biệt với những sản phẩm đặc thù, cần được đối xử đặc biệt và tinh tế hơn. Một TP thông minh không thể thiếu những nhà hát thông minh và những tác phẩm nghệ thuật đúng tầm. Tôi cho rằng văn hóa phải được xem là động lực phát triển kinh tế, chứ không thể xem kinh tế là động lực phát triển văn hóa. 

Ngoài cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật, chiến lược đào tạo nguồn nhân lực, nghệ sĩ chúng tôi cũng đang cần luật nghệ thuật biểu diễn được sớm ban hành. Các ngành đều có luật, trừ luật nghệ thuật biểu diễn. Chỉ khi có luật nghệ thuật biểu diễn, mới có cơ sở để đưa ra quyết sách, chính sách, ngân sách, chiến lược… phát triển nghệ thuật biểu diễn.

NSƯT Trịnh Kim Chi: Chúng tôi cần được làm nghề mà không phải phập phồng lo âu 

Trong bối cảnh đô thị hiện tại, nếu nhìn về những sân khấu - một phần hình ảnh chứa đựng đời sống tinh thần của người dân TP, liệu có đáng buồn không khi thiết chế văn hóa này có phần lạc hậu? Gần như nhiều sân khấu chỉ lèo tèo vài bóng đèn, hệ thống âm thanh, ánh sáng không đủ đáp ứng cho nhu cầu của vở diễn. 

Bây giờ, ở nhiều địa điểm cho thuê làm sân khấu, người ta lấy lại mặt bằng với nhiều lý do khác nhau. Điều này cũng dễ hiểu; vì xét cho cùng, đó là câu chuyện kinh doanh, lợi nhuận. Nhiều năm qua, tôi và nhiều ông bầu, bà bầu sân khấu khác đều có những trăn trở về vấn đề cơ sở hạ tầng; thế nhưng, giống một câu chuyện lòng vòng, một tiếng kêu bé nhỏ, không thể mang lại một kết quả nào khác được.

Chúng tôi dặn lòng nhau, thôi thì cứ cố gắng được tới đâu thì cố gắng. Vì công việc của chúng tôi là tìm cách để kéo khán giả đến sân khấu bằng kịch bản, diễn xuất. Còn lại, việc nâng cấp cơ sở hạ tầng, đầu tư địa điểm để mở sân khấu là công việc của các cơ quan quản lý. 

Chúng tôi rất cần một nhà hát đủ chuẩn để làm sân khấu; cần được làm nghề mà không phải phập phồng lo âu “lỡ ngày mai sẽ phải dọn nhà”…

NSƯT Hữu Quốc: Đôi khi, phía sau màn nhung không phải thánh đường

Một thực tế đáng buồn đối với nghệ sĩ sân khấu là những nhà hát, những sàn diễn không đáp ứng về cơ sở vật chất, hạ tầng để họ thăng hoa trong tiết mục. 

Ngày xưa, mỗi lần kéo tấm màn nhung, một sân khấu lộng lẫy, hiện đại như thánh đường hiện ra. Nghệ sĩ chúng tôi đứng trên sân khấu đó cũng cảm thấy tự hào, trách nhiệm hơn với nghề thì giờ đây, cảm xúc vơi dần. 

Phía sau màn nhung không hẳn là thánh đường vì nơi nghệ sĩ diễn hiện tại đôi lúc giống như nhà văn hóa. Cơ sở hạ tầng hạn chế, xuống cấp cũng là yếu tố làm giảm nhiệt huyết của nghệ sĩ, giảm cảm xúc của người xem. 

Thảo Vân - Diễm Mi (ghi)

Đậu Dung

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI