Phải bịt kẽ hở trong cách ly phòng, chống dịch COVID-19

02/12/2020 - 09:01

PNO - Tính đến chiều 1/12, BN 1.342 đã lây COVID-19 cho ba trường hợp khác, chấm dứt 122 ngày TPHCM không có ca bệnh trong cộng đồng.

Trong báo cáo chính thức của Sở Y tế TPHCM tại buổi họp báo tối 1/12 về bốn trường hợp mới nhất nhiễm COVID-19, đáng chú ý là các thông tin dịch tễ liên quan bệnh nhân (BN) 1.342 D.T.H. - 28 tuổi, tiếp viên Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines, VNA). 

BN này cùng phi hành đoàn chuyến bay VN5301 từ Nhật Bản về sân bay Cần Thơ và tiếp tục bay về sân bay Tân Sơn Nhất vào đêm 14/11. Toàn bộ tổ bay được cách ly tập trung tại cơ sở cách ly của VNA ở 115 Hồng Hà, Q.Tân 
Bình, TPHCM.

Quy định tạo ra kẽ hở

Qua điều tra truy vết, quá trình lây nhiễm của BN 1.342 có khả năng cao xảy ra ở khu cách ly của VNA. Ngày 17/11, BN có tiếp xúc với một tiếp viên thuộc chuyến bay có nhiều hành khách dương tính về Việt Nam từ Rumani ngay tại 115 Hồng Hà. Ngày 25/11, tám tiếp viên của chuyến bay từ Rumani đã có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19. Người tiếp xúc với BN 1.342 được xác định là BN 1.325. 

Theo Sở Y tế TPHCM, BN đã không tuân thủ quy định cách ly tập trung, bị lây nhiễm khi tiếp xúc trong quá trình cách ly. Ông Nguyễn Tấn Bỉnh - Giám đốc Sở Y tế TPHCM - khẳng định trách nhiệm thuộc VNA dù tất cả khu cách ly đều đã được ngành y tế thẩm định và giám sát. Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Giao thông Vận tải xử lý trách nhiệm liên quan VNA.

Con hẻm ở Q.6, TP.HCM - nơi có bệnh nhân nhiễm COVID-19 đã được phong tỏa để chống dịch - ẢNH: X.HUY
Con hẻm ở Q.6, TPHCM - nơi có bệnh nhân nhiễm COVID-19 đã được phong tỏa để chống dịch - ẢNH: X.HUY

Tuy nhiên, điều khiến dư luận hoang mang là quy định phòng, chống dịch đã bộc lộ kẽ hở trong đợt bùng phát COVID-19 này tại TP.HCM. Toàn bộ tổ bay được cách ly tập trung từ ngày 15/11, lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 lần một. Ngày 18/11, họ được lấy mẫu lần hai. Cả hai lần, tổ bay đều có kết quả âm tính và toàn bộ hành khách trên chuyến bay VN5301 cũng có kết quả tương tự. 

Do đó, theo quy định của Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, những người này được kết thúc cách ly tập trung vào ngày thứ năm sau khi nhập cảnh (tức ngày 18/11), chuyển về tiếp tục cách ly tại nơi cư trú đến khi đủ 14 ngày. Đến ngày 28/11, BN 1.342 có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2, 13 người khác cùng tổ bay đều âm tính.

Trả lời phóng viên Báo Phụ Nữ TPHCM rằng liệu có lỗ hổng hay không trong quy định nêu trên, bác sĩ Nguyễn Trí Dũng - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) - cho rằng ngành y tế giám sát về hồ sơ, quy trình; việc cách ly phải theo quy định; việc cách ly tại nhà cũng có trong quy định và người cách ly phải cam kết cụ thể; địa phương cũng phải có trách nhiệm giám sát, theo dõi người cách ly. Theo ông Dũng, BN 1.342 đã không làm đúng quy định cách ly, để lại hậu quả nặng nề. Chỉ tính đến chiều 1/12, BN 1.342 đã lây COVID-19 cho ba trường hợp khác, chấm dứt 122 ngày TPHCM không có ca bệnh trong cộng đồng.

Tuy không trực tiếp nói quy định tạo kẽ hở, ông Bỉnh cho hay, Sở Y tế TPHCM đã đề xuất Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 không cho phép tiếp viên tổ bay kết thúc cách ly tập trung sớm như quy định hiện hành (mà phải đủ 14 ngày như trước đây), ngay cả khi chuyến bay không có người dương tính. Ông cho biết, trong cuộc họp trực tuyến chiều 1/12, Thủ tướng Chính phủ đã nhất trí với đề xuất này.

Hãy thôi kêu gọi sự tự giác suông

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề tuân thủ cách ly, bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm - thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TPHCM) - cho rằng vấn đề không phải cách ly ở đâu mà quan trọng là cách ly như thế nào. Việc đưa ra quy định cách ly mới (trong vòng năm ngày, nếu âm tính thì chuyển từ cách ly tập trung sang tiếp tục cách ly ở nhà) là để có lợi cho nền kinh tế, giúp thuận lợi hơn đối với doanh nghiệp, chuyên gia nước ngoài nhưng nếu sửa quy trình mà thực hiện không tốt, không lường trước được hết các tình huống, sẽ dẫn đến hậu quả như đã thấy từ ca 1.342.

“Ai là người giám sát, kiểm tra việc cách ly của người đó tại nhà? Hiện nay, chúng ta còn nhiều hình thức cách ly khác như ở khu vực tập trung, tại khách sạn trả phí… Cách nào cũng phải bảo đảm chặt chẽ như cách ly tập trung 14 ngày trước đây. Vì vậy, việc áp dụng biện pháp mới phải đi đôi với kiểm soát chặt và hình dung được đối tượng cách ly đã được huấn luyện thế nào về ý thức” - ông Khanh nói.

Theo bác sĩ Khanh, không thể kêu gọi tự giác mà phải có cơ chế giám sát, chế tài hợp lý. Trên thực tế, việc giám sát cách ly tại nhà không đòi hỏi quá nhiều nguồn lực nếu các lực lượng hiện hành biết phối hợp tốt với nhau, từ cơ quan chức năng, ứng dụng công nghệ đến chính quyền địa phương.

Ông Khanh cho rằng, cần rút kinh nghiệm trong việc xây dựng các biện pháp cách ly mới và rà soát lại toàn bộ, không phải chỉ ở TP.HCM mà mọi tỉnh, thành: “Những người tham gia quản lý cách ly phải tuân thủ tốt và được huấn luyện tốt chứ không thể qua loa”.

Tại buổi họp báo, Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM Từ Lương thông tin, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND TPHCM sẽ có hình thức xử lý BN 1.342, có thể theo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007. Các cơ quan thi hành pháp luật của TPHCM đang rà soát các văn bản hiện hành để có hình thức xử lý đối với nam tiếp viên của VNA theo hướng “vi phạm đến đâu, xử lý nghiêm đến đó”. BN 1.342 được cho là đã hai lần vi phạm quy định cách ly phòng, chống dịch COVID-19 tại khu cách ly tập trung và tại nhà.

Tuy nhiên, theo chúng tôi, trách nhiệm lớn vẫn thuộc về các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan, và cần có hình thức xử lý nghiêm. Về góc độ phòng, chống dịch, việc quy kết và xử lý BN nhiễm COVID-19 dựa trên những gì họ đã tự giác “khai báo y tế” về lịch trình đi lại, tiếp xúc của mình là phản tác dụng, có nguy cơ gây ra phản ứng che giấu thông tin từ người dân. Nếu xem BN 1.342 là “tội đồ” bằng những thông tin “khai báo tự nguyện”, chúng ta sẽ tạo ra điều cực kỳ nguy hiểm và càng làm khó khăn thêm cho công tác phòng, chống dịch bệnh. 

Nhiều phụ huynh vào trường đón con nhưng không đeo khẩu trang - Ảnh: H.N.
Nhiều phụ huynh vào trường đón con nhưng không đeo khẩu trang - Ảnh: H.N.

Tổng số người tiếp xúc với 4 BN ở TPHCM đang được điều tra là 513 người, trong đó tiếp xúc gần (F1) theo điều tra ban đầu là 99 ca (đã cách ly, lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ, có 81 trường hợp âm tính, 18 trường hợp đang chờ kết quả); 414 trường hợp tiếp xúc với người tiếp xúc gần (F2, cách ly tại nhà) trong đó đã lấy mẫu xét nghiệm 337 trường hợp, 123 trường hợp âm tính, còn lại đang chờ kết quả xét nghiệm.

Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI