Ông bà vẫn chờ cháu...

25/04/2016 - 15:46

PNO - Gia đình trong nhịp sống hiện đại thường nhắc đến hình ảnh bố mẹ và con cái. Nhưng sợi dây tình cảm âm thầm tiếp nối từ ông bà đến con cháu.

Khi nữ sinh viên Kelsey Harmon đăng bức ảnh người ông buồn xo ngồi một mình, tay cầm hamburger ăn dở dang, trên trang Twitter, hàng trăm ngàn người đã xem và thổn thức nhìn lại.

Chiều hôm ấy, ông của Kelsey chuẩn bị sẵn 12 chiếc hamburger, hẹn sáu người cháu đến nhà. Niềm vui tuổi già chẳng có gì to tát, mà đơn giản chỉ là bữa tối sum họp cùng các cháu, nhìn chúng cười nói vui vẻ như ngày xưa. Nhưng chỉ có Kelsey về thăm ông, những người khác không thể ghé qua vì công việc, cùng bao mối bận tâm chưa giải quyết. Kelsey hiểu ông mong con cháu đến thế nào.

Ngày thơ bé, mỗi lần về nhà ông bà, Kelsey và anh chị em của mình đều náo nức vì về là được ăn món yêu thích, được chiều chuộng, chơi đùa rôm rả. Giờ ông bà già hơn nhưng vẫn trọn vẹn niềm nhớ thương, mong ngóng con cháu. Còn những đứa cháu như Kelsey bắt đầu có cuộc sống riêng, tất bật. Họ không kịp ngoái lại những ngày xưa quấn quýt với ông bà.

Ong ba van cho chau...

Chỉ vài giờ sau khi hình ảnh xúc động ấy được đăng tải, hơn 100.000 người đã chia sẻ, tạo nên “cơn bão cảm xúc” trên Twitter. Phần lớn thừa nhận, họ thấy ông bà của mình, và cả chính mình trong chuyện nhà Kelsey. Bức ảnh được xem là thông điệp giúp người trẻ hiểu rõ hơn giá trị tình thâm, những điều mà họ chưa kịp cảm nhận vì guồng quay cuộc sống vội vã.

Cây viết quen thuộc Haley Burress của trang parenting.com từng chia sẻ: “Ông bà là những người tiếp theo mà trẻ tiếp xúc sau bố mẹ. Thông qua các sinh hoạt chung với ông bà, trẻ học cách đón nhận, cảm thấy an toàn khi ở với những người lớn khác ngoài bố mẹ mình. Đây là bước đệm giúp trẻ bước ra thế giới bên ngoài, tự tin kết nối nhiều mối quan hệ khác”.

Duy trì mối quan hệ tốt với ông bà giúp tinh thần của trẻ vững vàng hơn. Tiến sĩ Kate Fogarty thuộc Đại học Florida từng có bài nghiên cứu “Vai trò lá chắn của ông bà”, trong đó chỉ ra, ông bà luôn âm thầm đóng vai trò là hình mẫu trong cách giải quyết vấn đề mà đứa trẻ ở bất cứ độ tuổi nào cũng có thể áp dụng. Nếu khoảng cách giữa hai thế hệ (cha mẹ - con cái) thường là sự bất đồng, mâu thuẫn thì giữa ông bà với cháu lại là cảm giác bình yên. Trong khi bố mẹ còn quá nhiều áp lực từ công việc, thường bó buộc con mình thì phần lớn ông bà không như thế. Ông bà luôn là người bình tĩnh, được cháu tin cậy và đôi khi chỉ cần chia sẻ với ông bà, mọi việc sẽ êm xuôi. Đáng tiếc, ngày nay, không phải đứa trẻ nào cũng có nhiều thời gian trò chuyện, sống bên cạnh ông bà.

Nhiều chuyên gia y tế, nhà xã hội học trên thế giới từng cảnh báo người già không nên sống trong cảnh cô đơn quá lâu. Đó là ngọn nguồn của chứng trầm cảm, bi quan, khiến họ không còn tha thiết sống. Người già cần sự quan tâm của con cháu, đó là phương thức hữu hiệu nhất vực dậy tinh thần họ.

Theo nghiên cứu của Ủy ban quốc gia về người cao tuổi ở Trung Quốc, từ 2015 đến năm 2035, mỗi năm sẽ có thêm 10 triệu người cao tuổi và tỷ lệ người cao tuổi sống một mình có thể lên đến 70%. Các cuộc khảo sát có quy mô vài ngàn người ở Anh cho kết quả, khoảng 40-50% người già đang sống đơn độc. Đó là chưa kể những trường hợp người già cảm thấy lạc lõng, cô đơn ngay trong chính ngôi nhà có con cháu sống cùng vì họ hiếm khi được chuyện trò cùng con cháu, dù vài phút ít ỏi…

Anh Thông (Theo Telegraph, Attached Family, AP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI