Nương theo tự nhiên để phát triển bền vững

06/10/2022 - 06:01

PNO - Trước tác động của biến đổi khí hậu, nông dân đồng bằng sông Cửu Long đã điều chỉnh phương thức sản xuất, nương theo tự nhiên để phát triển bền vững.

Trước tác động của biến đổi khí hậu, nạn hạn, mặn gay gắt, các ngành chức năng và nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long đã điều chỉnh phương thức sản xuất phù hợp, nương theo tự nhiên để phát triển bền vững. 

Thay đổi cách sản xuất

Với gần 80.000ha cây ăn trái, lâu nay, Tiền Giang là tỉnh có diện tích trồng cây ăn trái lớn của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Trái cây cũng là nông sản chủ lực của tỉnh này. Tuy nhiên, đợt hạn hán, xâm nhập mặn năm 2020 khiến hơn 5.300ha vườn - phần lớn là sầu riêng - bị thiệt hại nặng, đẩy nhiều hộ vào cảnh khốn khó. 

Mô hình trồng lúa hữu cơ kết hợp với nuôi cá đạt hiệu quả kinh tế cao ở tỉnh Trà Vinh - Ảnh: Quốc An
Mô hình trồng lúa hữu cơ kết hợp với nuôi cá đạt hiệu quả kinh tế cao ở tỉnh Trà Vinh - Ảnh: Quốc An

Ông Lê Thanh Truyền - Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) H.Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang - cho biết, toàn huyện có hơn 26.000ha đất trồng cây ăn trái, trong đó sầu riêng chiếm 10.500ha, tập trung ở hai xã Tam Bình và Ngũ Hiệp. Năm 2020, hạn, mặn khiến cây chết tràn lan.

Ông nói: “Sau đợt hạn, mặn này, nông dân và chính quyền triển khai các giải pháp thích ứng như làm thêm hệ thống trữ nước trong mương vườn; phủ rơm, phủ bạt, túi ni-lông; xây cống đập ngăn mặn; hỗ trợ nước ngọt để tưới tiêu trong mùa khô; điều chỉnh mùa vụ sản xuất; giảm số lượng trái khi vào mùa hạn, mặn… Mùa khô năm 2021 và 2022, không còn vườn cây bị thiệt hại do hạn, mặn như trước nữa”.  

Ông Nguyễn Văn Sang - Chủ tịch UBND xã Tam Bình, H.Cai Lậy - cho biết, toàn xã có 1.642ha đất vườn, trong đó sầu riêng chiếm 1.450ha, còn lại trồng sa bô chê, mít Thái và cây khác, với sản lượng hơn 25.000 tấn/năm. Chính quyền địa phương triển khai nhân rộng các mô hình chuyên canh cây ăn trái, áp dụng biện pháp khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng chất lượng trái để tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. 

Nhờ chủ động các giải pháp thích ứng tốt với hạn mặn, hiện nay các vườn sầu riêng ở xã Tam Bình, H.Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang phát triển tốt, chuẩn bị thu hoạch - Ảnh: Quốc An
Nhờ chủ động thích ứng tốt với hạn mặn, hiện nay các vườn sầu riêng ở xã Tam Bình, H.Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang phát triển tốt, chuẩn bị thu hoạch - Ảnh: Quốc An

Đến nay, xã Tam Bình xây dựng được mã vùng trồng ở ấp Bình Thạnh với 12,27ha sầu riêng và đang thực hiện mã sản phẩm cho doanh nghiệp và các vựa trái cây. Tới đây, xã tiếp tục xây dựng mã vùng trồng ở 11 ấp (250ha), cấp mã vùng cho hợp tác xã và doanh nghiệp khi có nhu cầu. UBND xã Tam Bình còn kết hợp với Phòng NNPTNT huyện và Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp H.Cai Lậy hướng dẫn nông dân sản xuất theo quy trình VietGAP ở ấp Bình Đức gồm 60 hộ, với diện tích 30ha; lập hồ sơ thực hiện mô hình VietGAP ở ấp Bình Chánh Tây gồm 57 hộ, 25,3ha.

Dù chịu tác động nặng nề của hạn, mặn và biến đổi khí hậu nhưng người dân H.Chợ Lách, tỉnh Bến Tre vẫn thích ứng tốt. Ông Nguyễn Văn Hùng - ở xã Vĩnh Thành, H.Chợ Lách - kể: “Năm 2020, mặn xâm nhập sớm gây thiệt hại cho gia đình ông gần 500 triệu đồng tiền cây giống. Để ứng phó, gia đình ông đầu tư 160 triệu đồng làm hồ sâu 6m, chứa được khoảng 6.500m3 nước ngọt nên không lo nước mặn tấn công nữa”. 

Tiến sĩ Bùi Thanh Liêm - Trưởng phòng NNPTNT H.Chợ Lách - cho hay: “Gần đây, nhiều hộ đào ao, sử dụng túi trữ nước, giữ nước trong mương vườn để có nước ngọt dùng. Ngoài ra, ngành nông nghiệp cũng hướng dẫn nông dân kỹ thuật phủ gốc, tưới tiết kiệm nước để ứng phó hạn, mặn hiệu quả”. 

Trồng mãng cầu, nuôi cá trên đất ruộng

Từng bị hạn, mặn, nông dân xã Thuận Hòa, H.Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang chuyển từ lúa sang trồng cây mãng cầu xiêm tháp (ghép) gốc bình bát. Không bao lâu, nơi đây phủ bạt ngàn vườn mãng cầu xiêm 
xanh mướt. 

Ông Trần Phú Quốc - Giám đốc Hợp tác xã Mãng cầu xiêm Thuận Hòa - bộc bạch: “Gốc cây bình bát chịu phèn, mặn rất tốt nên khi tháp mãng cầu xiêm vào thì rất hiệu quả, đạt năng suất trái bình quân 46 tấn/ha, giá bán được công ty hợp đồng bao tiêu khoảng 9.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, nông dân còn lời khoảng 300 triệu đồng/ha/năm, cao gấp nhiều lần so với trồng lúa”. 

Đến nay, Hợp tác xã Thuận Hòa có hơn 70ha mãng cầu xiêm và được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và

Ông Đỗ Thái Hùng - ở ấp Bình Thuận , xã Tam Bình, H. Cai Lậy - chia sẻ gia đình có 5 công (mỗi công là 1.000 m2) trồng 130 cây sầu riêng, trong đó 100 cây đang cho trái, dự kiến đến cuối tháng Mười sẽ thu hoạch khoảng 8 - 10 tấn trái, giá hiện giờ 65.000 - 70.000 đồng/kg, lãi hàng trăm triệu đồng. 

Công nghệ) cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể “mãng cầu Hậu Giang”, giúp đầu ra của sản phẩm này thuận lợi. 

Mấy năm nay, nhiều hộ ở các huyện Cờ Đỏ, Thới Lai (TP.Cần Thơ); Vị Thủy, Phụng Hiệp (tỉnh Hậu Giang) không sản xuất lúa vụ ba (vụ thu đông) mà bao lưới trên ruộng, mở đê bao cho nước tràn vào để nuôi cá (cá chép, cá mè). Sau hơn hai tháng nuôi tự nhiên trên ruộng (không cho ăn), họ bắt đầu thu hoạch. Cá sẽ ăn lúa chét của vụ hè thu, côn trùng trong rơm rạ, rong tảo, trứng ốc bươu vàng để phát triển. Cách làm này giúp cải tạo đất, diệt mầm bệnh để tăng năng suất cho vụ lúa đông xuân năm sau, đồng thời mang lại lợi nhuận từ cá khoảng 10-12 triệu đồng/ha.

Ứng dụng tiến bộ khoa học 

Theo Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), năm 2022, tổng diện tích đất sản xuất lúa ở khu vực Nam bộ được nông dân chuyển đổi sang các loại cây trồng khác khoảng 78.270ha, riêng đồng bằng sông Cửu Long khoảng 73.530ha. Nông dân đã mạnh dạn chuyển sang trồng sầu riêng, mít Thái, rau màu, nuôi thủy sản trên nền đất lúa.

Mấy năm nay, nhiều nông dân H.Thới Lai, TP.Cần Thơ không làm lúa vụ ba, mà chuyển sang nuôi cá ruộng mùa lũ, vừa thân thiện môi trường, vừa cho thu nhập tốt - Ảnh: Quốc An
Mấy năm nay, nhiều nông dân H.Thới Lai, TP.Cần Thơ không làm lúa vụ ba, mà chuyển sang nuôi cá ruộng mùa lũ, vừa thân thiện môi trường, vừa cho thu nhập tốt - Ảnh: Quốc An

Ông Lê Thanh Tùng - Phó cục trưởng Cục Trồng trọt - lưu ý, để chuyển đổi cây trồng trên nền đất lúa hiệu quả, các địa phương cần phổ biến cho nông dân về ý nghĩa, hiệu quả của việc chuyển đổi; lựa chọn giống cây có năng suất và chất lượng cao, phù hợp với điều kiện của từng tiểu vùng sinh thái; tăng cường kết nối, mời gọi doanh nghiệp liên kết sản xuất, cung ứng vật tư và bao tiêu đầu ra sản phẩm.

Bên cạnh chuyển đổi cây trồng, nông dân đồng bằng sông Cửu Long còn canh tác theo hướng công nghệ cao để thích ứng với biến đổi khí hậu. Theo lãnh đạo Hợp tác xã Nông nghiệp ấp 9 (xã Lương Tâm, H.Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang), nhờ làm nhà kính trồng dưa lưới, gắn thiết bị tưới nước nhỏ giọt theo giờ (mỗi giờ tưới một lần, mỗi lần từ 1-2 phút), bà con xã viên đã tiết kiệm được nhiều nước ngọt trong mùa hạn, mặn, hạn chế dùng thuốc hóa học, phân bón từ đó tạo ra sản phẩm an toàn.

Theo ông Trương Cảnh Tuyên - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang - UBND tỉnh đã chỉ đạo xây dựng đề án “Nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu”, trong đó xác định: tiếp tục phát triển vùng sản xuất chuyên canh, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, kỹ thuật mới vào sản xuất, khuyến khích phát triển nông nghiệp an toàn, hữu cơ. Đây sẽ là hướng đi bền vững trong điều kiện thời tiết có những thay đổi bất thường. Hậu Giang cũng đẩy mạnh các vùng trồng khóm, cam, quýt, chanh không hạt, bưởi, xoài, mãng cầu xiêm, mít Thái để thích ứng với biến đổi khí hậu, gắn với nhu cầu thị trường tiêu thụ. 

Phát huy hiệu quả các dự án thủy lợi 

Ông Trần Ngọc Tam - Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre - cho hay, sau các đợt hạn, mặn 2016 và 2020, UBND tỉnh triển khai hàng loạt giải pháp nhằm ổn định sản xuất nông nghiệp, đảm bảo nguồn nước ngọt sinh hoạt cho người dân. Theo đó, tỉnh đã đầu tư những công trình thủy lợi, hồ chứa nước ngọt, nhiều công trình kéo nước ngọt, xây nhiều tuyến đê ven sông, đê bao cục bộ, đê bao ở các cồn. 

Ở tỉnh Kiên Giang, công trình thủy lợi quan trọng là hệ thống cống Cái Lớn - Cái Bé được đưa vào vận hành đầu tháng 3/2022 đã phát huy tác dụng kiểm soát nguồn nước cho các tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau với diện tích tự nhiên 384.120ha (diện tích hưởng lợi trực tiếp là 333.620ha). Công trình còn kết hợp với tuyến đê Biển Tây tạo thành cụm công trình phòng, chống nước biển dâng do bão, giảm ngập lụt do lún, sụt đất, giảm thiệt hại do hạn, mặn vào mùa khô.


Quốc An - Huỳnh Trọng 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI