Nữ bác sĩ tuyến đầu cần mẫn đến từng nhà chăm sóc thai phụ mắc COVID-19

08/03/2022 - 06:47

PNO - Thường xuyên đón nhận niềm vui khi mỗi một em bé được sinh ra, bác sĩ Loan đâu ngờ, có một ngày chị phải trải qua giai đoạn buồn của ngành y.

Những ngày qua, tuy đã trở lại với công việc thường ngày, nhưng bác sĩ CK2 Bùi Thị Phương Loan - Khoa Phụ sản, Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM vẫn vẹn nguyên cảm xúc của nhiều tháng trước. Một cảm xúc chị luôn muốn quên đi, lại cứ tràn về khi nghe có một thai phụ nhắn tin “chị ơi, em dương tính rồi”.

Thông báo chỉ vài chữ làm cho bác sĩ Loan thao thức mãi không yên. Tháng 7/2021, khi cùng các bác sĩ của Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM đến bệnh viện dã chiến để điều trị cho bệnh nhân COVID-19, bác sĩ Loan nhiều đêm liền không thể ngủ. Ngoài thao thức tìm phương án điều trị cho bệnh nhân F0, bác sĩ Loan luôn canh cánh trước các bệnh nhân đang mang thai. 

Bác sĩ Loan luôn cố hết sức để thai phụ có một thai kỳ khỏe mạnh và cuộc vượt cạn thành công, ảnh Châu Yên
Bác sĩ Loan luôn cố hết sức để các thai phụ có thai kỳ khỏe mạnh và "vượt cạn" thành công - Ảnh: Châu Yên

“Có những bệnh nhân đáng ra sẽ đón nhận niềm hạnh phúc lớn lao khi làm mẹ đã rơi vào nguy kịch, có những chị rất khó khăn, hiếm muộn lâu lắm mới có tin vui, lại phải chấm dứt thai kỳ, chỉ vì vướng vào dịch bệnh. Với người bệnh, điều đó thật sự rất kinh khủng, còn với bác sĩ, đã có lúc tôi bất lực, chỉ biết khóc, khóc xong cùng động viên nhau cố gắng, cố gắng từng giây, từng phút càng cứu được nhiều bệnh nhân càng tốt”, bác sĩ Loan nhớ lại.

Vì quyết tâm đó, khi kết thúc thời gian công tác tại bệnh viện dã chiến, bác sĩ Loan lại tất bật lao vào hỗ trợ cho thai phụ nhiều hơn, nhất là những thai phụ F0 đang phải cách ly, điều trị tại nhà. TPHCM những ngày giãn cách, bác sĩ Loan gửi hai con cho mẹ chồng chăm sóc, còn chị, cứ tan ca là bật định vị, đến nhà các thai phụ đã thông báo trước đó. Chị tỉ mỉ đo SpO2, hướng dẫn người thân từ việc cách ly đến chăm sóc an toàn, luôn dặn dò mọi người phải lạc quan, bình tĩnh mới có thể chiến thắng được dịch bệnh.

Bác sĩ Loan chia sẻ: “Trước đó tôi tham gia vào nhóm bác sĩ tư vấn F0 từ xa của bệnh viện, nhưng do công việc, tôi không thể tư vấn hết được bởi có lúc tôi ở trong phòng mổ, có khi lại đỡ sinh cho ca khác. Giai đoạn đó tôi được lợi thế, đó là có thẻ ngành và chiếc áo chống dịch, biết tôi là bác sĩ, các trạm chốt cũng tạo điều kiện để tôi đến với bệnh nhân sớm nhất.

Thế nên, khi tan ca, tôi tranh thủ đi xe máy đến nhà các bệnh nhân ở gần bệnh viện và các quận lân cận. Người bệnh, nhất là thai phụ bị COVID-19, khi thấy bác sĩ mới yên tâm. Thời điểm đó công việc ai cũng gặp nhiều khó khăn, sao mình nỡ lấy tiền thuốc được. Thay vì mua thuốc, họ có thêm một ít thịt, cá bồi bổ mới mau khỏi bệnh”.

Bác sĩ Loan nói vui: Từ khi COVID-19 tôi không bao giờ bị bỏ quên điện thoại nữa, bởi lúc nào tôi cũng sợ không kịp hỗ trợ cho F0 đang cần giúp đỡ
Bác sĩ Loan nói vui: "Từ khi COVID-19 tôi không bao giờ bị bỏ quên điện thoại nữa, bởi lúc nào tôi cũng sợ không kịp hỗ trợ cho F0 đang cần giúp đỡ"

Để theo dõi sức khỏe cho thai phụ, bác sĩ Loan tỉ mỉ ghi chép vào sổ tay từng trường hợp, dấu hiệu bệnh, chỉ số SpO2 cùng các triệu chứng, thuốc sử dụng,… không chỉ cho chị em yên tâm dưỡng thai mà còn điều trị cho thân nhân của họ.

Có lần, quá kiệt sức, vừa mổ khẩn bắt con thành công cho một thai phụ mắc COVID-19, bác sĩ Loan chạy vội vào phòng để thay đồ bảo hộ do quá nóng và không thể thở nổi. Chị té xỉu ngay trên đường, may có đồng nghiệp cấp cứu, chị mới dần tỉnh lại. Bác sĩ Loan cười: “Tôi chọn làm bác sĩ sản khoa để tìm thấy niềm vui khi mỗi một em bé được sinh ra. Đó là một khởi đầu mới đầy hy vọng. Không ngờ, có ngày, trong cuộc đời làm bác sĩ lại chứng kiến nhiều nỗi buồn đến vậy. Tôi không muốn như thế, và nếu để thay đổi, mình phải làm nhiều hơn”.

Đến nay, bác sĩ Loan không biết mình đã theo dõi bệnh, đến bao nhiêu gia đình. Chỉ biết, mỗi khi tâm trạng không vui, chị lại mở úng dụng điện thoại, xem hình em bé được các thai phụ gửi đến. Các bé khỏe mạnh, cười tươi như một sự động viên cho nữ bác sĩ.

Những lúc không được vui, chị mở điện thoại, xem lại những em bé mà chính chị đã theo dõi thai kỳ, tự tay hoặc hỗ trợ để mẹ và bé vượt cạn an toàn
Những lúc không vui, chị mở điện thoại, xem lại những em bé mà chính chị đã theo dõi thai kỳ, tự tay hoặc hỗ trợ để mẹ và bé "vượt cạn" an toàn

Qua rồi những ngày đi làm về, nghe tiếng chuông cửa của mẹ báo hiệu, hai con của chị Loan tất tả chạy vào phòng để mẹ cách ly. Qua rồi những buổi cơm, khi chắc chắn các con và mẹ chồng dùng xong, chị mới lục đục dọn ăn một mình. Không còn những tiếng khóc bất lực giữa đêm khuya, khi nhìn thấy hồ sơ của một bệnh nhân nào đó phải chấm dứt thai kỳ để cứu lấy mẹ. Không còn cảnh những thai phụ trẻ, lúc vỡ ối, vừa khóc vừa run rẩy cầm tay bác sĩ van xin đừng để dịch bệnh lây từ mình sang con. Những cuộc chia ly, khi trẻ sơ sinh còn đỏ hỏn phải cách xa mẹ để phòng dịch, tất cả hình ảnh ấy, bác sĩ Loan vừa muốn quên đi, vừa muốn phần nào đó giữ lại cho riêng mình, tự động viên bản thân phải cố gắng.

Điều bác sĩ Loan vui mừng nhất là ngày càng có nhiều thai phụ được tiêm vắc xin COVID-19 nên dù có trở thành F0, các chị em vẫn rất ít triệu chứng, bệnh cũng diễn tiến nhẹ hơn. Chị cũng vui mừng khi ở các phòng sanh dần náo nhiệt bởi tiếng khóc trẻ thơ, không yên ắng, đầy tiếc nuối như trước. 

Hiện tại, dịch COVID-19 dần được kiểm soát, cuộc sống của người dân đang ổn định trở lại, nhưng thỉnh thoảng, ở khoa Phụ sản thông báo có thai phụ F0 trở dạ, không chần chừ, chị Loan và đồng nghiệp lại khoác đồ bảo hộ, sẵn sàng đón em bé chào đời.

Phạm An

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI