Nỗi đau người thầy thuốc khi bạo lực bủa vây

15/05/2025 - 13:56

PNO - Những ngày này, dư luận xót xa trước hình ảnh 1 nhân viên y tế với phần mắt bầm đen, sưng húp sau hành vi bạo hành từ người nhà bệnh nhân.

Bức ảnh nhân viên y tế bị người nhà bệnh nhân bạo hành với mắt bầm đen, sưng húp đang được lan truyền mạnh mẽ trên mạng xã hội. Ảnh chụp từ FB
Bức ảnh nhân viên y tế bị người nhà bệnh nhân đánh với mắt bầm đen, sưng húp trong buổi xin lỗi của người hành hung đang được lan truyền mạnh mẽ trên mạng xã hội - Ảnh chụp từ Facebook

Trong xã hội, lẽ thường tình, một người dân vô tội bị hành hung trên đường phố sẽ ngay lập tức nhận được sự đồng cảm, bênh vực mạnh mẽ từ cộng đồng. Tiếng nói phẫn nộ sẽ vang lên, đòi lại công bằng cho người yếu thế. Vậy nhưng, vì sao những vụ việc nhân viên y tế trở thành nạn nhân của bạo lực liên tục những ngày qua, lại không khơi dậy một làn sóng bảo vệ tương tự, một sự phẫn nộ đồng lòng từ dư luận?

Phải chăng, trong tiềm thức của nhiều người, hình ảnh người thầy thuốc, người điều dưỡng không phải là hình ảnh của sự yếu thế? Có lẽ, sự kỳ vọng quá lớn vào vai trò “ban phát” sức khỏe, sự “nắm giữ” sinh mệnh của nhân viên y tế đã vô tình tạo nên một khoảng cách vô hình.

Nhiều người có xu hướng nhìn nhận nhân viên y tế như những người có “quyền lực”. Vì thế, nỗi đau, sự tổn thương mà họ phải gánh chịu dường như không dễ lay động lòng trắc ẩn của số đông.

Chúng ta không phủ nhận rằng, trong thực tế vẫn tồn tại những trường hợp nhân viên y tế chưa thực sự làm tròn "thiên chức" lương y như từ mẫu. Những hành vi tắc trách, thiếu tận tâm, hay thái độ giao tiếp không phù hợp đôi khi đã gây ra những bức xúc, thậm chí là tổn thương cho người bệnh và thân nhân. Nhưng cần sòng phẳng, nhân viên y tế sai thì phải chịu trách trách nhiệm và chấn chỉnh. Còn khi họ là nạn nhân của hành vi bạo lực thì phải được bảo vệ thỏa đáng.

Tuy nhiên, việc thiếu vắng sự bảo vệ từ cộng đồng khi nhân viên y tế bị hành hung, ngay cả khi có những sai sót xảy ra, vẫn là một điều chưa thật sự công bằng. Họ đang thực hiện một nhiệm vụ vô cùng đặc biệt: cứu người. Áp lực công việc, sự căng thẳng thường trực, và những rủi ro tiềm ẩn luôn bủa vây họ. Khi họ trở thành nạn nhân của bạo lực, dù xuất phát từ nguyên nhân nào, việc không nhận được sự đồng cảm và bảo vệ tương xứng từ xã hội sẽ khiến họ cảm thấy đơn độc và tổn thương sâu sắc.

Những hành vi bạo lực nhằm vào nhân viên y tế không chỉ là sự xúc phạm đến cá nhân họ, mà còn là sự xâm phạm đến giá trị thiêng liêng của ngành y, đến niềm tin của cộng đồng vào những người có thiên chức, sứ mệnh chăm sóc sức khỏe, cứu người.

Để những người thầy thuốc, người điều dưỡng có thể an tâm cống hiến, để những nụ cười không phải nhường chỗ cho những giọt nước mắt tủi hờn, có lẽ, đã đến lúc cộng đồng cần có một cái nhìn thấu đáo hơn, một sự đồng cảm sâu sắc hơn. Sự bảo vệ không chỉ dành cho những người yếu thế theo định nghĩa thông thường, mà còn cần được trao cho những người đang gánh trên vai sứ mệnh cao cả, nhưng đôi khi lại mong manh và dễ bị tổn thương.

Hãy để sự tôn trọng trở thành “vắc-xin” mạnh mẽ nhất, bảo vệ những “chiến sĩ áo trắng” trên mặt trận sức khỏe này.

Sự tôn trọng ấy không chỉ là sự động viên tinh thần mà còn góp phần xây dựng một môi trường làm việc an toàn, giúp họ vững tâm và đưa ra những quyết định y khoa đúng đắn nhất, mang lại lợi ích thiết thực cho người bệnh. Đồng thời, đây cũng là lời gửi gắm đến các “thiên sứ áo trắng” hãy luôn thực hiện trọn vẹn lời thề Hippocrates.

Thùy Dương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI