Nỗi buồn chấn hưng văn hóa

02/04/2013 - 01:05

PNO - PN - Tại cuộc tọa đàm thông báo về giải thưởng Phan Châu Trinh 2012 diễn ra chiều 25/3, chúng ta được biết thêm một sự thật đáng buồn: “Mỗi một cuốn sách, dù là rất có giá trị, cũng không thể bán được trên 2.000 bản/84 triệu...

Các vấn đề được Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh quan tâm và trao giải càng ngày càng đa dạng và có uy tín. Nhưng lượng người quan tâm đến giải thưởng này cũng như những công trình được trao giải và được xuất bản không nhiều. Khi chọn lựa và xuất bản các đầu sách hướng đến mục tiêu chấn hưng dân trí, Quỹ đã vấp phải thực tế đáng buồn là “xã hội nào, văn hóa ấy”.

“Có lẽ những người thật sự quan tâm đến sách thì không có nhiều tiền và những người có nhiều tiền thì không quan tâm đến sách lắm” - ông Phó Chủ tịch Quỹ Phan Châu Trinh nói.

Đấy là một sự thật phũ phàng. Nước ta mới đi ra từ chiến tranh. Hai mươi năm sau ngày đổi mới, chúng ta mới chỉ tạm gọi là no đủ. Đổi lại, quãng thời gian qua, vài thế hệ đã phải tập trung vào cuộc “xoay vần” để kiếm ăn. Đây có lẽ là thời kỳ văn hóa xuống dốc không phanh.

Khi người ta không đủ bản lĩnh văn hóa để tiếp nhận những tinh hoa, như những đầu sách mà Quỹ Phan Châu Trinh xuất bản, thì họ tiếp nhận thứ người ta gọi là “sách thị trường” với các loại tiểu thuyết diễm tình, ba xu.

Phải chăng dân ta chỉ ở tầm nhận thức ấy, họ chỉ đòi hỏi những thứ giải trí như thế phục vụ nên mang thứ khác, dù là những tri thức tinh hoa của thế giới, mời và biếu không, họ cũng không cần. Không phải vì những cuốn sách trên không có giá trị, mà bởi nó không thích hợp với họ.

Không thể đổ lỗi cho bất cứ ai về thực trạng xã hội đó. Cái gốc của văn hóa là giáo dục. Giáo dục phải đạt được ba điều: giáo dục về thể chất, kiến thức phổ thông, giáo dục về văn hóa và giáo dục về cách làm người. Ba yếu tố này luôn phải kết hợp với nhau mới có thể có được những con người biết cách tiếp nhận những giá trị văn hóa.

Một số người vẫn lặng lẽ, kiên nhẫn làm những việc có thể để chấn hưng văn hóa và dân trí. Họ không nghĩ đến tiền bạc, danh tiếng, hay bất cứ lợi lộc gì từ việc làm của mình. Chính những người như thế sẽ lãnh trách nhiệm cứu vớt nền văn hóa.

Thế nhưng, cứu vớt được không lại là một câu chuyện khác. Đó cũng là nỗi buồn cho những học giả, những nhà văn hóa hiện nay.

M.I.N.H

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI