Dân trở lại mặt nước hoặc “lênh đênh” trên bờ
Gia đình bà Dương Thị Huệ (50 tuổi) và ông Phan Văn Tý (52 tuổi) ở tổ Lại Tân, phường Dương Nỗ, quận Thuận Hóa, TP Huế chật vật trong căn chòi xiêu vẹo khoảng 20m2 được ghép lại bằng những tấm tôn cũ. Vợ chồng bà Huệ vốn là dân vạn đò, trước đây sống lênh đênh trên sông Hương, đến hộ khẩu cũng không có.
Năm 2009, gia đình bà Huệ được đưa về ngã ba Sình để lên bờ tại thôn Lại Tân. Do không đủ điều kiện nên gia đình bà Huệ không được cấp đất xây nhà như các hộ khác. Trở về sông nước thì bị cấm nên vợ chồng họ đành dựng tạm căn chòi bên rìa khu tái định cư (TĐC) làm nơi chui ra, chui vào. Đến nay đã hơn 16 năm, tuy mang tiếng lên bờ nhưng phận “lênh đênh” vẫn bám lấy gia đình bà Huệ.
 |
Căn nhà tạm bợ của vợ chồng bà Dương Thị Huệ bên rìa khu tái định cư Lại Tân |
“Từ khi lên bờ, gia đình tôi đã 3 lần dời chỗ ở vì những lý do khác nhau. Nước sinh hoạt phải dùng ké hộ khác, điện xin kéo từ đền thờ của làng. Con tôi xấu hổ, mặc cảm, tết không dám mời bạn về chơi” - bà Huệ buồn bã.
Tương tự, gia đình ông Võ Văn Mẹo cũng chưa thể thoát cảnh lênh đênh sông nước do chưa được cấp đất TĐC. “Chỉ bố mẹ tôi được cấp đất chứ chúng tôi con cháu có được đâu. Khi ra ở riêng, công việc không ổn định nên tôi đưa vợ con dựng bè trên sông ở tạm, con cháu cũng không đi học được. Đời tôi đã quá khổ, tôi không muốn con cái sau này cũng như vậy, nhưng không biết làm sao!” - ông Mẹo rầu rĩ.
Hiện tại, gần khu TĐC Lại Tân, tại khu vực âu thuyền, vẫn nhếch nhác một số căn nhà tạm dựng trên mặt nước, đất vỉa hè... Căn nhà của vợ chồng bà Huệ - ông Tý nằm trên khu đất công viên khu TĐC. Ông Tý cho biết, năm 2009, cha mẹ ông được bố trí một căn nhà liền kề ở tổ Lại Tân, phường Dương Nỗ. Lúc đó, vợ chồng ông Tý đã có 3 con.
Không thể ở chung với cha mẹ và các em trai trong căn nhà TĐC, vợ chồng ông Tý xin cấp đất, nhưng không đủ điều kiện được xét. Ông Tý sau đó dựng căn nhà tạm gần 20m2 trên vỉa hè công viên, đến nay đã 16 năm. “Vợ chồng tôi công việc không ổn định, hằng ngày tôi đánh bắt trên sông, hoặc ai thuê gì thì làm nấy. Nhà nghèo nên con cái phải nghỉ học giữa chừng. Hiện 2 đứa lớn vào Nam làm thuê, đứa út ở nhà làm thuê cho quán cà phê. Tôi mong được chính quyền quan tâm, cấp đất để chúng tôi ổn định cuộc sống” - ông Tý nói.
Cách đó không xa là căn nhà tạm 15m2 dựng sát mép sông của vợ chồng chị Nguyễn Thị Cân (34 tuổi). Năm 2009, gia đình chồng chị Cân được cấp một lô đất ở khu TĐC Lại Tân. Ngôi nhà cấp 4 được dựng lên làm nơi sinh sống của nhiều thành viên trong nhà. Nhưng khi con cái kết hôn, không gian sống quá chật chội nên vợ chồng chị ra ngoài dựng căn nhà tạm chỗ âu thuyền để ở. Mái nhà là những tấm tôn cũ, tường nhà được dựng bằng những tấm ván cũ thải ra từ các công trình xây dựng.
“Thời gian tới, nếu không có đất làm nhà chúng tôi buộc phải sắm đò trở lại sông Hương tiếp tục kiếp vạn đò. Buồn nhất là con cái lại thất học như cha ông thuở trước” - chị Cân tâm tư.
Ông Trương Đình Hạnh - Phó chủ tịch UBND quận Thuận Hóa - cho biết, qua rà soát, chính quyền địa phương đã phát hiện 9 trường hợp dựng nhà tạm bợ trên khu TĐC Lại Tân. Chính quyền địa phương đã nhiều lần mời làm việc và tuyên truyền, vận động chấp hành tháo dỡ trả lại hiện trạng ban đầu. Nhưng do nhiều nguyên nhân và hoàn cảnh gia đình, nên người dân chưa chấp hành.
 |
Nhiều hộ dân không có đất ở, phải dựng nhà tạm bên kênh nước chạy qua khu tái định cư Lại Tân |
Sẽ kiến nghị chính sách hỗ trợ phù hợp
Qua tìm hiểu, trong số các hộ dân đang chiếm đất công viên, vỉa hè, âu thuyền, mặt nước có 8 hộ thuộc diện cận nghèo, 1 hộ nghèo. Đáng nói là trong khu TĐC Lại Tân hiện vẫn còn 11 lô đất bỏ trống và bà con đã nhiều lần kiến nghị lên UBND phường Dương Nỗ (trước đó là UBND xã Phú Mậu) xin được cấp đất từ 11 lô đất nói trên, nhưng không được giải quyết.
Ông Nguyễn Văn Trai - Chủ tịch UBND phường Dương Nỗ - giải thích: tất cả các hộ đến khu TĐC từ 2009 đều đã được Nhà nước giao đất ở vào thời điểm đó. Có hộ được cấp 2-3 lô. Sau này sinh sôi, nảy nở, có hộ lên đến 30 nhân khẩu, nên tách ra dựng lều lán, nhà tạm như hiện nay. Với các hộ quá đông phải tách ra, địa phương đã bàn bạc một số giải pháp giúp đỡ nhưng chưa thể thực hiện vì vướng mắc pháp lý.
Nói về tình trạng người dân dựng nhà tạm trên đất công viên, vỉa hè, âu thuyền, mặt nước, ông Võ Văn Kèn - Trưởng ban Mặt trận tổ dân phố Lại Tân - cho rằng, sự việc đã diễn ra từ năm 2009-2010. Đó là các hộ lên bờ cùng hộ chính của cha mẹ, nhưng không đủ điều kiện được cấp đất TĐC. Một số trường hợp là do sau này sinh con, đẻ cháu, gia đình quá đông nên phải tách ra.
Ước tính có khoảng 30 hộ thiếu đất ở, trong đó có 7 gia đình làm nhà tạm trên đất công, 3 hộ trở về sống trên mặt nước âu thuyền, 4 hộ về ở trên mặt nước sông Hương. Ông Võ Văn Kèn kiến nghị Nhà nước tạo điều kiện cho người dân mua 11 thửa đất hiện còn trong khu TĐC với giá rẻ để bà con làm nhà, ổn định cuộc sống, đảm bảo an sinh xã hội.
“Tôi cũng là dân vạn đò, gắn bó với bà con hơn 20 năm nay nên tôi thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng bà con. Lúc còn ở trên sông, con cái lớn lên, lập gia đình, cha mẹ sắm cho cái đò ra ở riêng. Cho nên, việc có nhiều gia đình chuyển ra ngoài làm nhà tạm trái phép cũng là dễ hiểu và khó tránh khỏi” - ông Võ Văn Kèn trăn trở.
Theo lãnh đạo UBND quận Thuận Hóa, năm 2009, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã phê duyệt điều chỉnh dự án TĐC cải thiện cuộc sống của người dân vạn đò TP Huế (cũ). Tại khu TĐC Lại Tân, Nhà nước đã giao 266 lô đất (trong đó giao 204 lô cho hộ chính và 62 lô cho hộ phụ), 170 căn hộ liền kề cho 337 hộ, với tổng số 2.396 nhân khẩu. Thời điểm năm 2009, các hộ dân về định cư tại thôn Lại Tân, xã Phú Mậu (nay là tổ dân phố Lại Tân, phường Dương Nỗ) đều được Nhà nước cấp đất làm nhà, cấp nhà liền kề, mỗi hộ 1 lô đất hoặc 1 căn hộ. Đối với những hộ đông nhân khẩu, có nhiều cặp vợ chồng chung sống được mua thêm đất hoặc căn hộ liền kề.
Ông Trương Đình Hạnh cho biết, đối với những hộ chưa được cấp đất làm nhà tại khu TĐC Lại Tân, trong thời gian tới quận sẽ kêu gọi sự chung tay của người thân, cộng đồng để hỗ trợ các trường hợp gặp khó khăn, đồng thời nghiên cứu giải pháp để kiến nghị cấp có thẩm quyền ban hành chính sách hỗ trợ phù hợp.
Thuận Hóa