Nobel văn chương 2020 và “những kẻ thích đùa”

07/10/2020 - 13:26

PNO - Ai cho rằng ban xét duyệt giải thưởng Nobel văn chương không biết đùa thì đã nhầm. Năm 2016, Bob Dylan ẵm giải trước sự kinh ngạc của đám văn sĩ chính chuyên.

Năm 2017, khi dân tình còn đang cãi nhau xem Haruki Murakami sau bao năm mòn mỏi có được vinh danh không, thì viện hàn lâm lại xướng tên Kazuo Ishiguro, một nhà văn gốc Nhật cũng có sách bán chạy không kém. Đến năm 2019, một năm đỉnh điểm nữ quyền và chống phân biệt chủng tộc, Nobel chọn mặt gửi vàng ngay một… người đàn ông Âu châu da trắng “cổ điển”, lại còn lý lịch lắm vấn đề về chính trị: Peter Handke. 

Vậy thì năm 2020, Nobel sẽ tiếp tục “trêu chọc” chúng ta thế nào đây?

Nhiều năm qua, việc dự đoán Nobel văn chương thường… trật lất. Tuy nhiên, văn đàn vẫn vui như trẩy hội mỗi mùa giải thưởng, xôn xao dự đoán ai sẽ là người nhận được hơn một triệu đô la để chịu sự mổ xẻ, phân tích, ca tụng, chê bôi? Và thực ra, một trong những nơi tốt nhất để tham khảo danh sách những ứng viên sáng giá chính là… nhà cái. 

Là cái tên bị réo gọi nhiều nhất mỗi mùa Nobel văn chương, năm nay, Haruki Murakami có được xướng tên bởi “những kẻ thích đùa”?
Là cái tên bị réo gọi nhiều nhất mỗi mùa Nobel văn chương, năm nay, Haruki Murakami có được xướng tên bởi “những kẻ thích đùa”?

Phần lớn đều đặt cửa cho những nữ văn sĩ hoặc thi sĩ. Đó là Maryse Condé, tiểu thuyết gia đến từ quần đảo Guadeloupe với con đường làm nghề trắc trở, người từng tâm sự suýt không thể trở thành nhà văn và hồi bé luôn bị mẹ la vì tội bịa chuyện, người có cuốn tiểu thuyết đầu tay Hérémakhonon bị chê bai và nhà xuất bản rút khỏi thị trường chỉ sau nửa năm ra mắt, nhưng cuối cùng lại nhận giải thưởng được coi là Nobel thay thế vào năm 2018 khi giải hoãn công bố.

Đó là Jamaica Kincaid, một tác giả khác đến từ hòn đảo nhỏ của Caribe, cũng viết về chủ đề hậu thuộc địa như Condé, nhưng khác với Condé được khán giả quê nhà tự hào yêu mến, Jamaica Kincaid thổ lộ chỉ vì tiểu thuyết Một nơi chốn bé nhỏ mà bà bị cấm cửa 5 năm ở Antigua, nếu có về cũng lo ngay ngáy sẽ bị giết.

Hay Anne Carson, một ứng viên được kỳ vọng lớn nhiều năm qua, một nhà thơ không thích nhận là mình viết thơ, cuốn Vẻ đẹp của một người chồng được bà gọi là tiểu luận hư cấu dưới hình thức 29 bài tango, còn cuốn Decreation thì bà gọi là “thi ca, tiểu luận, opera”.

Còn có Lyudmila Ulitskaya - một tiểu thuyết gia đại tài của văn chương Nga đương đại nhưng quan trọng hơn, bà từng cho biết mình chẳng sợ gì Putin - điều rất có thể khiến bà sẽ lọt vào danh sách rút gọn.

Tất nhiên điều đó không có nghĩa những người đàn ông không có cửa nào trong cuộc chạy đua năm nay, nhất là với những người đàn ông da màu. Như rất nhiều lần trong các năm trước, Ngũgĩ wa Thiong’o - nhà văn người Kenya - có thể là sự lựa chọn hoàn hảo của viện hàn lâm nếu như họ không vui tính nghĩ ra một cái tên khác gây chia rẽ hơn.

Ngũgĩ wa Thiong’o, không giống nhiều nhà văn châu Phi khác như Chinua Achebe hay Ben Okri nổi tiếng nhờ viết truyện bằng ngôn ngữ của bè lũ thực dân, ông viết khá nhiều bằng tiếng Gikuyu bản địa. Giả sử Ngũgĩ wa Thiong’o mà có được giải, nhà phê bình Obi Wali dưới suối vàng cũng yên tâm rút lại bài báo Ngõ cụt của văn chương châu Phi, trong đó than thở chuyện nhà văn lớn châu Phi chẳng ai viết tiếng châu Phi cả, mà thế thì đâu thể gọi là văn chương châu Phi.

Còn trong trường hợp viện hàn lâm vẫn muốn “chơi khăm” trào lưu Black Lives Matter bằng cách chọn ra một người đàn ông da trắng, họ có thể tự tin chọn Milan Kundera - người vừa mới giành giải Franz Kafka ở tuổi ngoài 90 và như viện hàn lâm, ông rất thích những “trò đùa”. Nói chung, Kundera cũng còn là sự lựa chọn an toàn hơn so với một người da không trắng như Haruki Murakami - một chủ nhân khác của giải Franz Kafka. Và không biết vì lý do gì, dù đã rất nhiều người vì Murakami mà cược thua, nhưng năm nay họ vẫn đặt niềm tin rất lớn vào ông trên bàn cược.

Nhưng dự đoán vậy, còn biết đâu được, ngày 8/10 tới, với “những người thích đùa” như ban giám khảo viện hàn lâm, có khi năm nay lại cho một nhạc sĩ như Joni Mitchell nhận giải? Dù sao bà ấy cũng là phụ nữ còn gì! 

Hiền Trang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI