Nợ xấu hơn chục tỷ, tòa xử mỗi tháng trả… 2 triệu đồng là thoát tội

07/06/2017 - 16:57

PNO - Nhiều ĐBQH cảnh báo, trong khi những khoản nợ xấu khó đòi đã đến mức báo động thì việc xử lý nợ xấu đang rất khó khăn, có trường hợp nợ xấu bị thu hồi tài sản còn quay ra tấn công lực lượng thi hành án…

Ngày 7/6, Quốc hội thảo luận về dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Nhiều ĐB cho rằng, nợ xấu đang là “cục máu đông” làm tắc nghẽn sự phát triển của nền kinh tế nước ta nhưng việc xử lý nợ xấu chưa đạt được hiệu quả như kỳ vọng.

ĐB Hoàng Thị Thu Trang (đoàn Nghệ An) dẫn chứng: “Thực tiễn thi hành án dân sự có nhiều trường hợp bị thu hồi tài sản đảm bảo nợ xấu còn quay ra tấn công lại lực lượng thi hành án”.

No xau hon chuc ty, toa xu moi thang tra… 2 trieu dong la thoat toi
ĐBQH Nguyễn Hữu Cầu phát biểu tại Quốc hội sáng 7/6.

Đồng quan điểm này, ĐB Nguyễn Hữu Cầu (đoàn Nghệ An – Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An) cho rằng, nếu không có chế tài xử lý hình sự với những tổ chức, cá nhân gây ra nợ xấu, nhất là những người vay cố tình chây ỳ, chiếm đoạt tiền vay thì tình trạng xử lý nợ xấu giai đoạn tới khó có tiến triển tốt hơn được.

“Từ thực tiễn công tác chúng tôi chứng kiến, nhiều trường hợp khi đến hạn, chủ nợ phải chạy khắp nơi tìm gặp con nợ van xin, đòi nợ không được thì tìm đến cơ quan công an, Tòa án. Điều này dẫn đến tình trạng chủ nợ sang Tòa án xếp hàng dài để chờ được xử lý nợ xấu. Có trường hợp nợ hàng chục tỷ đồng nhưng Tòa xử mỗi tháng trả 2 triệu đồng là thoát tội. Như vậy đến 50 năm họ vẫn chưa trả hết nợ gốc.

Còn với tình trạng tín dụng đen, nhất là dân xã hội thì họ không cần biết. Họ tìm mọi cách đề lấy bằng hết cả gốc lẫn lãi. Họ lấy được vì họ dùng luật rừng và thuê đòi nợ. Vì thế  tình hình băng nhóm xã hội đòi nợ thuê ngày càng diễn biến phức tạp trong xã hội” - ĐB Nguyễn Hữu Cầu phân tích thêm và cho rằng, lý do một phần là vì pháp luật chưa đủ mạnh để xử lý nợ xấu.

Trong khi đó, ĐB Nguyễn Sơn (đoàn Hà Tĩnh) nêu quan điểm, muốn giải quyết được nợ xấu, cần sự vào cuộc của khách hàng, ngân hàng và cả hệ thống chính trị. “Một mặt cần bổ sung vào nghị quyết này nguyên tắc không sử dụng ngân sách để xử lý nợ xấu. Mặt khắc Chính phủ cần làm rõ trách nhiệm những tổ chức cá nhân có vi phạm trong xử lý nợ xấu” – ĐB Sơn đề nghị.

Vũ Linh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI