Níu giữ ruộng lúa, vườn rau trong lòng phố thị: Nhà vườn ở TPHCM náo nức vào vụ tết

06/01/2023 - 06:36

PNO - Sắc màu tết đang ngập tràn ở các nhà vườn ở TPHCM và nông dân đang háo hức chờ một vụ hoa, kiểng bội thu. Sản phẩm nông nghiệp của TPHCM hiện đã vươn xa đến các tỉnh và xuất khẩu đi nhiều nước.

Đô thị hóa nhanh, quỹ đất ngày càng thu hẹp đang là mối lo của những người làm nông ở các đô thị lớn. Vành đai xanh ngày càng thu hẹp trong khi những vùng xanh tươi ấy có khả năng khắc phục hầu hết những hạn chế phát sinh trong quá trình đô thị hóa. Rất may vẫn còn nhiều nhà khoa học, nông dân tâm huyết với nền nông nghiệp đô thị. 

Ông Nguyễn Văn Thọ - nông dân trồng lan ở huyện Bình Chánh, TPHCM -  cho biết, khách đã đặt mua hoa lan trong khu vườn gần 8.000m2 của ông từ tháng 10/2022 để tiêu thụ dịp tết
Ông Nguyễn Văn Thọ - nông dân trồng lan ở huyện Bình Chánh, TPHCM - cho biết, khách đã đặt mua hoa lan trong khu vườn gần 8.000m2 của ông từ tháng 10/2022 để tiêu thụ dịp tết

“Lên đời” nhờ chuyển đổi cây trồng

7g sáng, hàng chục nhân công trong vườn hoa lan của ông Nguyễn Văn Thọ (xã Bình Chánh, huyện Bình Chánh) tất tả chuẩn bị cho chuyến hàng đi Phú Quốc. Chỉ còn khoảng 20 ngày nữa là đến tết Nguyên đán. Ngày nào, vườn lan của ông Thọ cũng phải chuẩn bị vài ba lô hàng xuất đi khắp trong nước và ra cả nước ngoài.

Ông Thọ phấn khởi: “Vườn hoa lan của tôi có diện tích 8.000m2 nhưng từ tháng 10/2022, người ta đã đặt cọc mua hoa hết rồi. Mấy hôm nay, thương lái đến hỏi nhiều nhưng tôi không còn hoa lan để bán”.

Vườn này trước đây được ông Thọ dùng trồng xoài nhưng do đất, nước không tốt nên mùa màng thất bát, đành bỏ hoang. Cách đây vài năm, ông biến khu vườn hoang thành một vườn lan lớn vào hàng nhất nhì xã Bình Chánh. Đến nay, khu vườn này tạo công ăn việc làm cho hàng chục người dân địa phương, kinh tế gia đình ông cũng nhờ vậy mà khá lên thấy rõ.

Vườn lan của anh Phan Chí Nghĩa (xã Bình Chánh, huyện Bình Chánh) nằm lọt thỏm giữa những ruộng lúa cằn cỗi. Mấy hôm nay, thương lái ra vào đặt hàng nườm nượp. Năm nay, hoa lan được giá nhờ sức mua tăng cao sau đợt dịch COVID-19. Với mỗi công đất (1.000m2) trồng hoa lan, anh thu về khoảng 150 triệu đồng/năm. 

Anh nói: “Đất này trước đây trồng lúa nhưng do bị nhiễm phèn lại thiếu nước nên tôi chỉ làm được 1 vụ, không đủ ăn. 2 năm trước, tôi chuyển sang trồng lan. Vậy mà có ăn. Năm tới, tôi trồng lan trên mấy miếng ruộng xung quanh luôn”.

Gần 12g trưa, mấy vị khách từ tỉnh Đắk Lắk vẫn còn ghé đến vườn Mai Chí Công (phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức) của ông Nguyễn Văn Chí Công để lựa mai. Vườn này có khoảng 2.000 gốc mai nhưng nay, khách đã đặt cọc mua và thuê hơn một nửa. 

Ông Lê Hữu Thiện - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Hoa mai vàng Bình Lợi - cho biết, làng mai Bình Lợi hiện có khoảng 500 hộ trồng mai với tổng diện tích trên 500ha. Mai vàng Bình Lợi đang dần khẳng định thương hiệu để vươn xa đến khắp các tỉnh, thành trong cả nước.

Ông cho hay: “Trước đây, bà con trong xã chủ yếu trồng mía, lợi nhuận rất thấp. Nhờ được hỗ trợ vay vốn chuyển đổi cây trồng, các hộ chuyển từ trồng mía sang trồng mai vàng, hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn, nhiều hộ sắm được xe hơi”.

Cần quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp

Theo ông Võ Ngọc Đẹp - nguyên Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông TPHCM - những năm gần đây, đời sống bà con nông dân ở TPHCM khởi sắc, các sản phẩm nông nghiệp cũng đa dạng hơn. Tuy nhiên, để nông nghiệp đô thị ở TPHCM phát triển, cần quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp ổn định, lâu dài. 

Ông nói: “Chúng ta có thể quy hoạch TPHCM thành 4 vùng sản xuất nông nghiệp. Vùng thứ nhất là huyện Cần Giờ, có lợi thế là đất cát, có thể trồng xoài đạt năng suất, chất lượng rất cao. Vùng thứ hai là ven sông Sài Gòn, từ quận 12 đến huyện Củ Chi, có thể quy hoạch trồng rau sạch. Vùng thứ ba là vùng đất phèn từ xã Phạm Văn Hai (huyện Bình Chánh) đến huyện Hóc Môn, có thể chuyên trồng hoa lan, cây kiểng, rau sạch. Vùng thứ tư là vùng đất xám đang được trồng lúa. TPHCM vốn có hệ thống kênh mương rất thuận lợi nên chỉ cần quy hoạch và định hình vùng để làm nông nghiệp”.

Theo ông, TPHCM đang phát triển du lịch theo hướng mỗi quận, huyện có ít nhất 1 sản phẩm du lịch nên có thể làm sản phẩm du lịch nông nghiệp đô thị. Song song đó, cần hướng đến sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu chứ không phải làm nông nghiệp để tự cung tự cấp. Ít ai biết rằng, nước kênh Đông của TPHCM rất phù hợp để nuôi cá kiểng xuất khẩu, hay rất nhiều vùng của TPHCM có thể trồng rau đạt quy chuẩn và xuất khẩu đi cả châu Âu.

Là người có nhiều năm gắn bó với nông dân TPHCM, ông Võ Ngọc Đẹp cho rằng, để nông dân sống được với nghề nông, sản phẩm nông nghiệp cạnh tranh được trên thị trường thì cơ quan nhà nước cần chuyển giao công nghệ sản xuất mới. Nông dân không thể đứng vững nếu cứ làm theo cách truyền thống. Theo ông, việc tổ chức sản xuất của nông dân ở TPHCM hiện nay vẫn chưa thật sự bài bản. Họ có thể tổ chức sản xuất theo hướng liên doanh hay hợp tác để xuất khẩu được sản phẩm nông nghiệp.

“Tôi nghĩ cần gấp rút tổ chức dạy nghề cho nông dân và thanh niên, trong đó chú trọng dạy nghề cho thanh niên làm nông nghiệp đô thị. Lâu nay, chúng ta chỉ mở các lớp tập huấn mà người học là nông dân lớn tuổi. Chỉ vài năm nữa, chúng ta sẽ khủng hoảng nhân lực làm nông nghiệp đô thị do không có lực lượng kế thừa. Cần có chính sách cho vay vốn hấp dẫn để khuyến khích thanh niên làm nông nghiệp đô thị. Song song đó, cần học kinh nghiệm làm nông nghiệp đô thị của Israel. Nếu làm được điều này, tôi tin TPHCM sẽ xây dựng được thương hiệu nông nghiệp đô thị rất mạnh” - ông Võ Ngọc Đẹp nói. 

TPHCM có trên 2.300ha trồng hoa, cây kiểng

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM, đến cuối năm 2022, diện tích gieo trồng hoa, cây kiểng ở TPHCM là 2.325ha, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, có 340ha trồng hoa lan, 645ha trồng hoa nền, 575ha trồng kiểng, bonsai và 765ha trồng mai.

Sơn Vinh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI