Những ý đồ ẩn sau 'quyền lực mềm' của Trung Quốc

28/03/2018 - 07:04

PNO - Cùng với những tuyên bố cứng rắn về chính trị, chính phủ Trung Quốc đã và đang sử dụng văn hóa, đặc biệt là phim ảnh, làm công cụ thúc đẩy, nâng cao vị thế Trung Quốc trên trường quốc tế.

Việc sử dụng “quyền lực mềm” này ngày càng quyết liệt, thông qua sức oanh tạc phòng vé của những bộ phim tuyên truyền, những giải pháp cụ thể nhằm đẩy mạnh dòng phim tuyên truyền và cả những thay đổi trong bộ máy, cách thức quản lý văn hóa.

Chính phủ tập quyền

Tháng Ba này, phòng vé đại lục ghi nhận số liệu khá ngạc nhiên: trong top 5 bộ phim có doanh thu cao nhất Trung Quốc, có đến hai phim thuộc dòng tuyên truyền là Operation Red Sea tức Điệp vụ Biển Đỏ (bộ phim đầy sai trái về chủ quyền biển Đông, hiện đã bị rút khỏi các rạp Việt Nam) và Amazing China. Operation Red Sea là phim truyện lấy cảm hứng từ sự kiện có thật, Amazing China là phim tài liệu, giới thiệu những thành tựu khoa học và công nghệ nổi bật của Trung Quốc kể từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 18 năm 2012, như: kính viễn vọng vô tuyến lớn nhất thế giới FAST, giàn khoan dầu khí trên biển lớn nhất thế giới Blue Whale 2, công nghệ di động 5G. 

Nhung y do an sau 'quyen luc mem' cua Trung Quoc
Bom tấn Pacific rim: Uprising cài cắm nhân vật Lý Văn cốt để cô đào Trung Quốc Cảnh Điềm xuất hiện

Phim cũng hé lộ câu chuyện về những con người phía sau những thành tựu này. Việc một tác phẩm tài liệu như Amazing China thu đến 42 triệu USD - đứng đầu doanh thu phim tài liệu mọi thời tại Trung Quốc - mặc dù 90 phút phim này chỉ là ghép từ hai tập phim cùng tên từng chiếu trên truyền hình và bị trang phê bình phim quốc tế IMDb chấm chỉ 1/10 điểm đủ cho thấy độ lan tỏa khủng khiếp của dòng phim tuyên truyền của Trung Quốc hiện nay ở đại lục.

Sức mạnh của phim tuyên truyền Trung Quốc dự kiến sẽ còn tăng đáng kể khi trong tháng rồi, Trung Quốc đã lên kế hoạch chọn 5.000 rạp phim (chiếm xấp xỉ 10% tổng lượng rạp cả nước) để chuyên chiếu những bộ phim phục vụ đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng Cộng sản Trung Quốc, vào những dịp đặc biệt. Tất nhiên, đi kèm với việc làm này là những chính sách ưu tiên như hỗ trợ tài chính cho rạp, giảm giá vé, thưởng tiền mặt cho khán giả… 

Ngày 21/3 vừa qua, Tân Hoa Xã loan báo kế hoạch thành lập cơ quan tuyên truyền mới là Tiếng nói Trung Quốc, dựa trên việc sáp nhập Đài truyền hình trung ương, Đài Phát thanh quốc tế Trung Quốc và Đài Phát thanh quốc gia Trung Quốc. Đây sẽ là một trong những cơ quan truyền thông lớn nhất thế giới với tổng số cán bộ, phóng viên, biên tập viên vào khoảng 15.000 người.

Cùng với việc mở rộng độ phủ sóng của các phim tuyên truyền, chính phủ Trung Quốc còn tăng cường giám sát các hoạt động phim ảnh, phát thanh, truyền hình bằng cách giao Ban Tuyên truyền Trung ương tiếp quản Tổng cục Phát thanh - Điện ảnh - Truyền hình Trung Quốc (SARFT) để phụ trách luôn lĩnh vực báo chí, xuất bản, điện ảnh. 

Mục đích của “siêu cơ quan” này là “hướng dẫn các vấn đề xã hội nóng, tăng cường và cải thiện dư luận, thúc đẩy tích hợp đa truyền thông, củng cố truyền thông quốc tế và kể những câu chuyện hay về Trung Quốc”. Có thể thấy, quyền lực của Bộ Tuyên truyền Trung ương giờ được mở rộng hơn - quản lý trực tiếp các cơ quan truyền thông.

Bành trướng, khống chế thế giới

Những bước đi trên thể hiện sự tính toán đầy chủ động của Trung Quốc trong việc sử dụng quyền lực mềm để khuếch trương vị thế, “dằn mặt” cộng đồng quốc tế. Trước đó, hàng loạt tỷ phú Trung Quốc đã đổ tiền nhằm thâu tóm Hollywood. Vương Kiện Lâm của tập đoàn bất động sản và giải trí Dalian Wanda Group mua hệ thống rạp phim khổng lồ AMC Entertainment ở Mỹ và cả hãng phim Mỹ Legendary Entertainment. Jack Ma mua cổ phần thiểu số hãng Ambiln Partners thuộc sở hữu của đạo diễn Steven Spielberg. Lê Thụy Cương chi tiền hợp tác sản xuất phim với Warner Bros.

Kết quả là hình ảnh Trung Quốc đã xuất hiện tràn ngập trong các “bom tấn” Hollywood - từ bối cảnh đến diễn viên. Mới nhất là “bom tấn” , ra rạp vào tuần trước, với nguyên dàn diễn viên phụ từ đại tướng cho tới các nhà khoa học đều là người Trung Quốc. Buồn cười hơn là có nhân vật Mỹ phải tập nói tiếng Quan Thoại để trò chuyện với nữ tạp vụ người Trung Quốc.

Một năm trở lại đây, khi Trung Quốc quyết định siết chặt đầu tư nước ngoài vì lo ngại vòng luẩn quẩn: tài sản ra khỏi Trung Quốc, được chuyển sang USD, làm suy yếu đồng nhân dân tệ, dân lại muốn chuyển tiền ra nước ngoài, đổi thành đô la Mỹ cho an toàn thì dòng tiền đổ vào ngành giải trí Mỹ không còn dồi dào nữa.

Cuộc “hôn nhân” giữa Trung Quốc và Hollywood bắt đầu xuất hiện những rạn nứt khiến Trung Quốc không thể tính chuyện mượn tay Hollywood  lâu dài để xài quyền lực mềm. Bản thân Hollywood cũng bắt đầu chuyển hướng dòm ngó sang hợp tác với Nhật, Hàn hơn là chỉ chăm chăm vào thị trường Trung Quốc và chịu những yêu sách về diễn viên, bối cảnh, thậm chí sự kiện.

Năm ngoái, sự thất bại của những bom tấn Hollywood ở thị trường đại lục như King Arthur: legend of the Sword, Transformers 5 cũng khiến Trung Quốc bớt mặn mà với Hollywood hơn. Thậm chí những phim lớn của Hollywood như The dark tower, War for the planet of the Apes còn bị cấm chiếu tại Trung Quốc. Trong khi đó, những phim nội địa Trung Quốc lại thắng lớn như Chiến lang 2, Tây du ký: mối tình ngoại truyện 2 (2017), Truy lùng quái yêu 2, Thám tử phố Hoa 2, Tây du ký 3, Điệp vụ Biển Đỏ (quý I năm 2018).

Thực tế trên khiến chính phủ nước này nhận ra thị hiếu khán giả trong nước bắt đầu thay đổi và tiềm năng phòng vé của những phim trong nước.

Với những cải cách và đầu tư như thế, “quyền lực mềm” của Trung Quốc dự kiến sẽ còn phát triển “quá nhanh quá nguy hiểm” - như tên một thương hiệu phim Mỹ mà Trung Quốc từng hùn vốn sản xuất. 

Trách nhiệm của CGV?

Âm mưu thôn tính Biển Đông của Trung Quốc chưa bao giờ dừng lại và không chỉ lồ lộ trên mẫu hộ chiếu mang “đường lưỡi bò” hay trong việc họ điều động một lực lượng tàu chiến lớn nhất từ trước đến nay tiến vào Biển Đông và bị vệ tinh chụp lại ngày 26/3. Âm mưu thôn tính Biển Đông và tham vọng bá quyền còn lén lút ẩn nấp trong những bộ phim, chương trình giải trí ngỡ như vô hại.

Năm 2012, những hình ảnh trong trò chơi trực truyến Chinh Đồ của Trung Quốc, bản phát hành tại Việt Nam cũng được cài cắm đường lưỡi bò vào phần bản đồ cho các game thủ. Nhà phát hành game - VNG - năm ấy, sau khi sự việc bị các game thủ phát hiện, đã lập tức kiểm tra, xác nhận đường lưỡi bò được cài rất sâu vào phần hướng dẫn chơi nên bộ phận kiểm duyệt game đã không phát hiện được. VNG lập tức hủy các hợp đồng hợp tác với phía Trung Quốc và ngừng phát hành vĩnh viễn Chinh Đồ, chấp nhận thiệt hại kinh tế, bồi thường cho các game thủ. Trên hết, VNG đã công khai xin lỗi về những sai sót của mình.

Trong vụ việc của Điệp vụ Biển Đỏ, nhà phát hành CGV đã không hề có bất cứ lời xin lỗi nào ngoài phát biểu của ông Nguyễn Hoàng Hải - Giám đốc phát hành của CGV Việt Nam, rằng phim bị rút khỏi các rạp vì “không đông khán giả”. Kinh ngạc hơn, ông Hải thừa nhận khi xem những cảnh cuối phim, ông có để ý, nhưng “tôi thấy rất bình thường”. 

Trách nhiệm để lọt một bộ phim tuyên truyền xuyên tạc sự thật, bất chấp luật pháp quốc tế như Điệp vụ Biển Đỏ lọt qua lỗ kim kiểm duyệt đương nhiên thuộc về Hội đồng duyệt phim quốc gia. Nhưng trách nhiệm mang bộ phim này về Việt Nam và mời gọi khán giả Việt Nam đến xem hoàn toàn thuộc về CGV. Thế mà đến giờ họ vẫn im lặng, như không hề liên quan.

Thành Nhân

Quang Huy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI