Những nữ điều dưỡng “làm mẹ” trẻ bị bỏ rơi

08/03/2022 - 06:30

PNO - Là điều dưỡng, họ không chỉ chăm sóc bệnh nhi mà còn thay tã, cho bé uống sữa, thậm chí là nuôi dưỡng cả trẻ bị bỏ rơi.

Vừa nhận ca trực, điều dưỡng Nguyễn Thị Hoài Phương, Khoa Hồi sức tích cực sơ sinh Bệnh viện Nhi Đồng Nai, đã tất bật với công việc. Vừa kiểm tra lại sức khỏe của các bé ở phòng hồi sức sơ sinh, chị Phương vừa điều chỉnh ống thở ở mũi cho bé Trần Thị M.L., mới nhập viện được vài ngày. Bé sinh non, chỉ nặng 1,2kg và bị suy hô hấp nặng. Bé M.L. chỉ là một trong hàng chục trẻ sơ sinh dưới 1 tháng tuổi mắc bệnh nặng nằm tại khoa này. 

Khoa có 4 phòng bệnh, chỉ có một phòng dành cho các bé đã điều trị ổn nên được người nhà chăm sóc. 3 phòng còn lại, điều dưỡng thực hiện tất cả công việc như tắm, thay tã, cho ăn, dỗ dành bé. Khi ấy, những điều dưỡng, bác sĩ của khoa trở thành người thân của các em. Họ vừa chữa bệnh, vừa chăm sóc các em bằng tình yêu thương như những người mẹ. 

Do có nhiều trẻ bị bỏ rơi nên công việc của các nữ điều dưỡng ở Bệnh viện Nhi Đồng Nai càng thêm vất vả. (Trong ảnh: Nữ điều dưỡng ở Bệnh viện Nhi Đồng Nai đang theo dõi sức khỏe trẻ sơ sinh) - ẢNH: G.H.
Do có nhiều trẻ bị bỏ rơi nên công việc của các nữ điều dưỡng ở Bệnh viện Nhi Đồng Nai càng thêm vất vả. (Trong ảnh: Nữ điều dưỡng ở Bệnh viện Nhi Đồng Nai đang theo dõi sức khỏe trẻ sơ sinh) - Ảnh: G.H.

Chị Phương kể, khoảng ba năm trước, người dân nhặt được một bé gái ở lề đường và đưa vào khoa. Các bác sĩ chỉ ước chừng bé được hai tuần tuổi. Có thể bị bỏ rơi đã khá lâu nên bé gái bị mất nước, người teo tóp. Các bác sĩ đã tiêm kháng sinh, truyền dịch và tầm soát HIV. Không may mắn, bé có kết quả bị nhiễm HIV.

“Không người thân, không giấy tờ kèm theo nên chúng tôi đã đặt tên cho bé là L. Cũng từ đó, chúng tôi là người thân của bé suốt nhiều tháng liền”, điều dưỡng Phương chia sẻ. Chị là người đã chăm sóc bé L. ròng rã hai tháng đầu. Sau đó, mỗi điều dưỡng chăm bé một tháng. Bé L. lớn lên trong sự chăm sóc, yêu thương của những người điều dưỡng. “Khác với nhiều bé, chỉ khi ngủ dậy, bé L. mới khóc, đòi bế. Sau đó, bé sẽ tự chơi đồ chơi để chúng tôi làm việc. Dường như, bé biết phận mình bị bỏ rơi nên rất ngoan”, chị Phương kể.

Vài năm trước, em Nguyễn Hoàng H. bị cha mẹ ruột đưa vào viện rồi “bặt vô âm tín” vì em bị đa dị tật hiếm gặp. Da toàn thân của bé bị khô, nứt nẻ, đóng sừng, bong vảy. Các ngón chân, ngón tay gần như không rõ rệt, mắt của bé cũng bị dị tật. Hầu họng cũng khác thường nên bé H. không biết bú... Dù vậy, mỗi ngày, điều dưỡng vẫn thay nhau tắm, bôi thuốc cho bé. “Chăm sóc bé H. rất cực vì bệnh lý quá hiếm gặp. Dù được chăm sóc tích cực nhưng chỉ hơn hai tháng sau, bé mất vì bệnh quá nặng. Tôi thực sự bị ám ảnh và thương xót cho bé khi vừa mắc bệnh lại bị bỏ rơi”, điều dưỡng Phan Thị Kim tâm sự.

Còn bé L. may mắn hơn vì sau chín tháng tuổi lớn lên tại Khoa Hồi sức tích cực sơ sinh, bé đã được chuyển đến Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Linh Xuân (TP.HCM). Đến nay, bé đã lớn và các y, bác sĩ của khoa vẫn giữ liên hệ với nơi nuôi bé. Năm nào, bé cũng được nơi nuôi dưỡng cho quay lại khoa “thăm” các y, bác sĩ - những người từng cưu mang em.

Điều dưỡng Nguyễn Thị Thanh Hiệp đã làm việc tại Khoa Hồi sức tích cực sơ sinh được 17 năm. Chị không thể nhớ hết những đứa trẻ mà mình đã chăm sóc như con. Nhiều bé sinh non nên thường thiếu ký, thậm chí có bé nặng chưa đến 1kg nên việc chăm sóc là cả vấn đề. Nhưng lâu dần, chị thành thạo rồi gắn bó với các em từ năm này qua năm khác. “Tôi đau lòng vô cùng bởi bé non tháng mà phải xa cha mẹ, lại bị đau đớn vì bệnh tật. Chăm sóc những trẻ bình thường khi bệnh vất vả một thì chăm những bé này vất vả mười”, chị Hiệp nói.

Các bé sinh non, nhẹ cân còn không biết lấy tiếng khóc hay hành động để thể hiện nhu cầu của mình. Đau đớn, các em cũng chỉ nằm chảy nước mắt. Nuôi trẻ nhiều năm, chị Hiệp cũng đã đoán biết được nhu cầu của các bé. Những đêm trực, chị và các đồng nghiệp được ngủ rất ít và thường xuyên phải tỉnh giấc vì lo lắng “các con”. 

Bác sĩ Trần Thị Bích Phượng, Trưởng khoa Hồi sức tích cực sơ sinh, bày tỏ: Đối với những trẻ bị bỏ rơi, các bé rất thích được ẵm bồng, chơi cùng điều dưỡng nên họ phải thực sự yêu trẻ mới làm việc được ở khoa. Điều dưỡng tại khoa không đơn thuần làm chuyên môn mà còn phải kiêm làm bảo mẫu. Công việc áp lực, bận rộn và cũng tỉ mỉ hơn rất nhiều. 

Gia Huy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI