Nữ điều dưỡng không buông tay bệnh nhân ung thư đến cuối cuộc đời

25/02/2018 - 16:34

PNO - Đôi bàn tay thoăn thoắt và sạch sẽ, dường như em sinh ra để ấn định cho việc chăm sóc những bệnh nhân rơi vào tình trạng yếu đuối nhất của cuộc đời họ…

Nếu bác sĩ là người trực tiếp điều trị thì điều dưỡng là nơi người bệnh tìm đến chia sẻ câu chuyện nhà, chuyện đời... để cuộc sống cuối đời nhẹ nhàng hơn.

Và Nguyễn Thị Mý 25 tuổi là một trong những nữ điều dưỡng trẻ nhất ở khoa Ung bướu, Bệnh viện Quận Thủ Đức, TP.HCM làm được điều ấy.

Lời hứa… theo gió bay xa

Nu dieu duong khong buong tay benh nhan ung thu den cuoi cuoc doi
Điều dưỡng Nguyễn Thị Mý chăm sóc cho một bệnh nhân ung thư

Năm mới, người ta chúc nhau sức khỏe, hạnh phúc... nhưng trong lòng Mý vẫn ngổn ngang. Bởi "trước Tết, chú Thịnh, chú Dũng (những bệnh nhân ung thư) còn hỏi em Tết này có về quê không; rồi bảo sẽ mua bánh chưng, trái cây vào ăn Tết ở bệnh viện với điều dưỡng cho vui. Tết chưa đến nhưng các chú không ai còn nữa. Có chú chỉ mất ngay sau đó vài ngày…”, nói rồi Mý lặng im, đôi mắt buồn lại mấp máy hàng mi.

Dường như không có gì bất trắc, thảng thốt hơn cuộc đời của những người bị ung thư đeo bám. Mý đã chứng kiến rất nhiều cô chú khi nằm trên giường bệnh - cũng hứa với Mý sẽ thực hiện vài ước mơ nho nhỏ... nhưng lời hứa ấy chưa kịp thực hiện, đã về với đất mẹ. Mỗi lần thế, Mý lại cảm thấy bất lực.

Dù bệnh viện có rất nhiều bệnh nhân đến điều trị ung thư nhưng Mý cũng như các điều dưỡng ở đây, nhớ gần hết tên đầy đủ của từng bệnh nhân nằm ở phòng nào. Thậm chí, Mý còn hiểu được tính của từng người bệnh.

"Như cô Hồ Thị Lùng, 70 tuổi, ung thư vú giai đoạn cuối. Lúc đó, bệnh cô vào giai đoạn cuối, từ vú đã di căn sang phổi, cơ thể đau nhức lắm, phải thở oxy. Khi có nhiều bệnh nhân quá, cô bảo cứ vào thuốc cho họ trước, cô chờ được. Chỉ khi nào đau lắm, cô mới kêu tụi em cho thuốc. Cô tốt lắm, vậy mà... cô cũng vừa mất rồi!"

Nu dieu duong khong buong tay benh nhan ung thu den cuoi cuoc doi
Điều dưỡng Nguyễn Thị Mý trò chuyện với bệnh nhân ung thư tại khoa Ung bướu, Bệnh viện quận Thủ Đức (TP.HCM)

“Khi cô mất đi, tụi em cảm thấy bất lực, đau khổ khi không thể cứu được cô. Tất cả các loại thuốc đều đã dùng nhưng bệnh không bớt. Cả cơ thể cô bị phù lên, đau nhức. Tụi em không biết cách nào khác để giúp cô hết”.

Đoạn cuối cuộc đời bệnh nhân ung thư, có lẽ ít ai ngờ, xuất hiện rất nhiều bóng dáng các cô điều dưỡng. Nếu nhà cô chú bệnh nhân nào ở gần bệnh viện, Mý và đồng nghiệp đến tận nhà thăm viếng, lắng nghe lời kể của gia đình về những thời khắc quý giá cuối cùng của họ.

Có bệnh nhân trước khi giã từ cõi sống, đã nhờ người thân gửi lời cám ơn vì sự săn sóc của các y bác sĩ, điều dưỡng. Điển hình như cô Trần Thu Hà trước khi mất, dặn gia đình thỉnh thoảng đến Bệnh viện Quận Thủ Đức làm từ thiện cho những bệnh nhân nghèo của khoa Ung bướu. Có người trước khi buộc phải “về nhà” đã gửi cho trái cây, có người ủng hộ tiền vào quỹ cho bệnh nhân nghèo của khoa...

Nu dieu duong khong buong tay benh nhan ung thu den cuoi cuoc doi
Điều dưỡng Nguyễn Thị Mý đang đọc lại ghi chú chăm sóc người bệnh trong văn phòng khoa Ung bướu

Ở khoa Ung bướu này, có bệnh nhân phải nằm điều trị đến 7 -8 tháng, nên các cô điều dưỡng xem như người nhà. Điều dưỡng Mý nói: “Căn bệnh ung thư khiến cơ thể đau đớn và có người như cô Lê Thị Bảy vì ung thư thực quản mà 7 năm không hề biết đến mùi vị thức ăn. Tụi em ở đây công việc cực lắm nhưng nhìn thấy các cô chú bệnh nhân đau quá, khổ quá, có người còn không có người nhà chăm sóc nên thấy mình vất vả một chút cũng không sao".

Dù bị hăm dọa bằng dao kiếm, nhảy lầu tự tử... vẫn không buông bệnh nhân

Khi những cơn đau đớn về thể xác ở giai đoạn cuối ập đến, với bệnh nhân ung thư thì sự sống khổ hơn cái chết. Có một lần, khi Mý chuẩn bị truyền thuốc cho bệnh nhân, em thấy gần đó có chú Phạm Văn Dũng (bệnh nhân ung thư sinh năm 1963) lần vách tường đứng dậy, tìm đến cửa sổ ở lầu 3.

Mý hốt hoảng bỏ truyền thuốc chạy đến hỏi: “Chú Dũng ơi, chú định làm gì vậy?”,  thấy bệnh nhân không trả lời mà tiếp tục bước tới. Mý rối trí, ôm chặt bệnh nhân lại,  la lên để nhờ các bệnh nhân khác hỗ trợ không cho chú nhảy lầu tự tử.

Sau khi bệnh nhân qua cơn đau thể xác, bệnh nhân đã nhận thấy cuộc sống này đáng để sống, dù chỉ 1 ngày!

Nu dieu duong khong buong tay benh nhan ung thu den cuoi cuoc doi
Đặc thù công việc khiến những điều dưỡng phải làm việc tất bật mới hoàn thành được nhiệm vụ.

Mý kể từ lúc phát hiện bị ung thư tụy, chỉ 5 tháng sau đó, chú Dũng đã sụt 30 kg, người tiều tụy, đau đớn nhiều ở vùng thượng vị, chỉ có thể ngồi ngủ.

 “Những cách giảm đau cho chú Dũng đều dần dần mất tác dụng, thuốc giảm đau bắt đầu tăng dần liều lượng, dùng cả phương pháp gây tê ngoài màng cứng, kết hợp dùng thuốc morphine rồi sau đó là dùng thuốc giảm đau khác, loại mạnh hơn cả morphine. Vài ngày sau lần tự tử hụt, chú không còn sức để đi lại được nữa. Khoảng 2 tháng sau, chú mất”.

Những bệnh nhân ung thư mỗi lần ra đi là thêm một khoảng trống hụt hẫng vì khi đã chăm sóc cho họ, các cô điều dưỡng đã “vô tình” xem như người nhà. Thậm chí, có khi dù chăm sóc và làm những việc mà thậm chí người nhà có khi cũng chẳng bao giờ đụng chân đụng tay đến, những điều dưỡng vẫn có thể bị ăn… chửi như thường.

Nu dieu duong khong buong tay benh nhan ung thu den cuoi cuoc doi
Điều dưỡng cho thuốc bệnh nhân theo y lệnh của bác sĩ

“22 giờ đêm, người đàn ông nồng mùi rượu, xông thẳng vào phòng trực y tế chửi bới và cầm dao dọa, sau đó đuổi chém nhân viên  tế. Tụi em chỉ chạy đi, không trách được vì gia đình họ chỉ có một đứa con trai. Bệnh nhi chỉ mới 10 tuổi, cái gì cũng giỏi, cũng ngoan nhưng bị ung thư xương. Em điều trị khắp nơi nhưng không bớt. Lúc vào viện, những khối u trên người rỉ dịch, bốc mùi và sau đó phải đoạn chi”.

Nhưng không như người bố nóng tính, tìm đến rượu để xua đi nỗi buồn, cậu bé lại rất ngoan, luôn cản mỗi khi bố mắng chửi các cô điều dưỡng. Mý nhớ hoài hôm đó, 9 giờ sáng, cậu bé được đưa gia đình đưa về nhà ở Lâm Đồng. Hôm sau, khi gọi điện thoại hỏi thăm tình hình, các cô điều dưỡng mới biết 1 giờ đêm hôm đó, em mất. Lúc đó, Mý lại khóc.

Đến với nghề vì người thân bị ung thư

Nguyễn Thị Mý có một người thân là bác ruột (chị gái của mẹ) bị ung thư dạ dày đã di căn sang buồng trứng. Mý gọi là mẹ nuôi vì hai người rất thân nhau. Ngày còn học điều dưỡng ở trường Đại học Y Thái Bình, ngày nào Mý cũng sắp xếp thời gian qua Bệnh viện tỉnh Thái Bình chăm mẹ nuôi.

Thời gian đó, Mý bắt đầu tiếp xúc và hiểu nhiều về những bệnh nhân ung thư – những người điều trị chung với mẹ nuôi. Mý kể: “Những người mắc ung thư thương nhau lắm. Khi một người đi truyền hóa chất về, không thấy một người trong phòng thì hỏi thăm liền. Biết một người mất là họ buồn lắm, có khi chả thiết gì chuyện ăn uống. Nhưng họ ít khi chia sẻ với ai khác ngoài người đồng cảnh ngộ”.

Nu dieu duong khong buong tay benh nhan ung thu den cuoi cuoc doi
Điều dưỡng Nguyễn Thị Mý, 25 tuổi, khoa Ung bướu, BV quận Thủ Đức, TP.HCM

Công việc ở Thái Bình khó kiếm nên tháng 4/2016, Mý vào Sài Gòn và làm việc tại Bệnh viện Quận Thủ Đức. Mý chọn ngay những nơi cực nhất như khoa Cấp cứu hay khoa Ung bướu.

Em lý giải: “Đây là nguyện vọng của em. Có thể vì em đã không được ở gần để chăm sóc mẹ nuôi nên em tự thấy phải dành tình cảm và sự chăm sóc đó cho những bệnh nhân ung thư”. Vì lẽ đó, mỗi một bệnh nhân ra đi, mỗi lần đến nhà viếng, Mý lại nhớ mẹ nuôi… đã mất.

Nu dieu duong khong buong tay benh nhan ung thu den cuoi cuoc doi
Điều dưỡng Mý trò chuyện với bệnh nhân ung thư

Mý tâm niệm: “Tụi em không sợ cực khổ vì bệnh nhân ung thư đã rất khổ, rất cực rồi. Thậm chí, em còn học được nhiều điều từ các cô chú. Những ngày nằm trên giường bệnh, cô chú hay nói những điều triết lý lắm.

Chẳng hạn như chú Thục hay nói với em sau này có lấy ai thì lấy tính cách của họ và gia đình họ, đừng lấy vì vật chất. Người ta hơn thua nhau cái tâm chứ không phải bề ngoài”.

Nu dieu duong khong buong tay benh nhan ung thu den cuoi cuoc doi
Mý và đồng nghiệp tại khoa Ung bướu, BV quận Thủ Đức, TP.HCM

Những tâm tình như thế khiến Mý và các y bác sĩ trở nên ấm lòng hơn bao giờ hết. Mý chia sẻ, em chẳng cần mong ước gì nhiều, chỉ mong hoàn thành được công việc vì một ngày trôi qua với rất nhiều việc phải làm.

“Ở nơi đây, em học được nhiều điều như sự san sẻ công việc của bác sĩ với điều dưỡng, sự tận tâm của bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ – Trưởng khoa Ung bướu. Dù cực mấy, tụi em cũng không bỏ nghề này vì thật ra mỗi ngành nghề đã là một sự riêng biệt rồi. Tụi em hay nhắc nhau: làm ở đây phải xem như làm việc thiện: tận tâm và vì bệnh nhân”.

Hiếu Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI