Những người già còn rất… trẻ

13/04/2022 - 07:13

PNO - Ở tuổi an hưởng, nhiều cô, dì lại từ chối nghỉ ngơi. Suy nghĩ, “Mình làm được gì để đóng góp cho xã hội, choàng gánh bớt công việc cho lớp trẻ thì làm”, khiến các cô, các dì như trẻ lại để lăn xả, đồng hành cùng Hội.

1. Bước ra sân khấu bằng một vũ điệu rất sôi động của bài hát 60 năm cuộc đời trong chương trình mừng xuân do Hội LHPN Q.5 tổ chức, bà Hoàng Thị Hương, một bà già 74 tuổi, đã nhận được sự reo hò cổ vũ, ngưỡng mộ của nhiều người. Người dẫn chương trình đã gọi điệu dân vũ 60 năm cuộc đời của U80 ấy là “bước nhảy không tuổi” để nhấn mạnh rằng, không có tuổi tác nào giới hạn tình yêu cuộc sống. Thế nhưng, với “vũ công nghiệp dư” lần đầu bước ra sân khấu Hoàng Thị Hương, những bước nhảy của bà không chỉ thể hiện tình yêu cuộc sống, mà còn là thông điệp: “60 năm cuộc đời ngắn ngủi, tại sao không sống cho thật ý nghĩa”. 

Trò chuyện với bà Hương về những điệu nhảy tưởng chỉ dành cho lớp trẻ, bà cười: “Khó chứ! Già rồi, chân đau, xương cốt đâu còn được như lớp trẻ. Mình phải tập rất nhiều thì khi ráp đội hình mới không bị khớp. Ở nhà, các cháu nội, cháu cố của tôi cười ngặt nghẽo khi thấy bà tập nhảy. Con cái tôi bảo: sợ mẹ luôn, tụi con chịu thua hết!”.

Với bà Hương, việc bà tham gia hội thi không phải vì… thích nhảy mà còn là: “Lớp trẻ bận đi làm và còn nhiều gánh nặng. Các cô đã ở cái tuổi an hưởng, có thời gian, nên công tác xã hội, làm thay được phần nào cho người trẻ thì làm”. Bà Hương nảy ra ý định thành lập câu lạc bộ nhảy múa - văn nghệ tại P.10 để kết nối thêm nhiều người chung tay cho những hoạt động cộng đồng.

Bà Hoàng Thị Hương (hàng sau, thứ tư từ trái sang) trong đội hình múa dân vũ 60 năm cuộc đời
Bà Hoàng Thị Hương (hàng sau, thứ tư từ trái sang) trong đội hình múa dân vũ 60 năm cuộc đời

“Bà lúc nào cũng truyền năng lượng tích cực cho người trẻ chúng tôi bằng sự tươi trẻ, nhiệt tình” - chị Nguyễn Thị Cẩm Tú - Chủ tịch Hội LHPN P.10, Q.5 - nói về bà Hương. Chị Tú cho biết, trong mùa dịch, ngại bà lớn tuổi, sẽ nguy hiểm nếu bị nhiễm bệnh, nên các chị không dám nhờ vả dù rất thiếu người. Thế là bà Hương ra tận phường hỏi: “Tụi mày nghĩ cô sợ phải không? Nếu ai cũng sợ thì lấy ai làm?”. Từ hôm đó, nhà bà trở thành điểm tập kết rau củ quả, và chính bà là người đi phát túi an sinh cho từng hộ dân.

Trong buổi diễu hành - đồng diễn áo dài vừa diễn ra trong tháng Ba, đội hình của P.10 đã gây ấn tượng mạnh nhờ đông về số lượng (55 người) và hơn phân nửa thuộc lứa U70 trở lên, múa cực dẻo, nhảy cực sung. Chị Tú cho biết, sau hội thi dân vũ có cô Hương tham gia, sự nhiệt huyết của cô đã lan tỏa đến các cô, các dì trên địa bàn phường.

2. “Cuộc sống hôn nhân của tôi chẳng ra làm sao cả!”, lời bộc bạch của cô Chu Thị Nghĩa khiến cả khán phòng Nhà Văn hóa Phụ nữ ngạc nhiên. Ngạc nhiên là bởi nhìn nguồn năng lượng tích cực nơi cô, ai cũng nghĩ, cô đang có một cuộc sống rất trọn vẹn. Ở tuổi ngót nghét 70, cô mặc chiếc áo thun kẻ xọc, quần jeans ống rộng, tự tin với những điệu nhảy vui tươi. 

2.Cô Chu Thị Nghĩa (thứ hai từ phải sang) tự tin khiêu vũ tại chương trình Bí quyết sống khỏe đẹp” do Nhà Văn hóa Phụ nữ TP tổ chức
Cô Chu Thị Nghĩa (thứ hai từ phải sang) tự tin khiêu vũ tại chương trình Bí quyết sống khỏe đẹp” do Nhà Văn hóa Phụ nữ TP tổ chức

Để có được thần thái ấy, từ lâu, cô Nghĩa đã chọn cho mình một thái độ sống vui, sống khỏe. “Làm sao vui khỏe được khi mình nay yếu, mai đau! Bởi thế, tôi chọn học khiêu vũ như một cách tập luyện thể dục thể thao hằng ngày. Tôi cũng tích cực tham gia các phong trào tại địa phương để tìm cho mình niềm vui sống”. 

Cô Nghĩa kể, cô vất vả từ những ngày đầu bước vào cuộc sống hôn nhân. Hôn nhân không trọn vẹn, cô một mình nuôi ba đứa con. Việc “làm bạn” với ba cậu con trai ở tuổi ăn tuổi lớn không hề dễ dàng với một bà mẹ đơn thân khiến cô phải học cách thích nghi. Con thích đá cầu, cô học đá cầu. Con thích coi đá banh thì cô sẽ thức coi đá banh với con. Con đến tuổi khẳng định bản thân, cô hỗ trợ hết mình trong khả năng của một người mẹ. Khi các con đều đã có gia đình, cô chọn cho mình một lối sống “tự lập theo kiểu người trẻ” để con cái không phải vướng bận. Chị Nguyễn Thị Thùy Linh - Chủ tịch Hội LHPN P.9, Q.3 - cho biết, trong mùa dịch, một mình cô Nghĩa cặm cụi may mấy trăm chiếc khẩu trang vải và hơn 300 tấm kính chắn giọt bắn cho lực lượng tuyến đầu. Với chiếc xe đạp cũ kỹ, “mặt trận” nào cô cũng có mặt, từ việc trực tiếp đi phân phát thực phẩm cho đến vận động các nguồn hỗ trợ để chăm lo cho người khó khăn. Đặc biệt, trong bất kỳ hoạt động nào của Hội, cô đều có mặt “bao đủ”. Với khiếu hoạt ngôn, sự có mặt của cô luôn mang lại bầu không khí sôi động cho những buổi hội họp.

3. Cũng thuộc lứa U70, đã lên chức bà từ lâu, nhưng cô Nguyễn Thị Trung Mỹ (khu phố 7, thị trấn Nhà Bè) vẫn tham gia và kiêm nhiệm nhiều vai trò tại các câu lạc bộ Hương Sen (Trung tâm Văn hóa H.Nhà Bè), câu lạc bộ Văn hóa Văn nghệ khu phố 7 (thị trấn Nhà Bè), nhóm Aerobic (khu dân cư Phú Xuân), nhóm Dưỡng sinh Lâm Văn Bền, nhóm Thiện Tâm tự nguyện… 

3.Từ những nhóm tập văn nghệ, thể dục thể thao, cô Nguyễn Thị Trung Mỹ đã đưa Hội đến gần hơn với phụ nữ chung cư
Từ những nhóm tập văn nghệ, thể dục thể thao, cô Nguyễn Thị Trung Mỹ (bên phải) đã đưa Hội đến gần hơn với phụ nữ chung cư

Trong bộ trang phục màu xanh lá dự thi “Vũ điệu xanh nữ chung cư” do Hội LHPN H.Nhà Bè tổ chức nhìn khó đoán được tuổi thật của cô Mỹ. Với nụ cười thường trực cùng với những động tác trẻ trung, chuẩn xác theo nhịp “cha cha cha”, bà ngoại U70 khiến nhiều người trẻ ngưỡng mộ. Đặc biệt, nguồn năng lượng dồi dào từ nhóm nhảy toàn những người lớn tuổi đã truyền cảm hứng cho nhiều chị em, nhất là đối tượng phụ nữ chung cư và những phụ nữ cao tuổi. Từ cuộc thi, cô Mỹ trở thành cầu nối để đưa tổ chức Hội đến gần hơn với phụ nữ chung cư.

Mỗi ngày đều đặn hai buổi sáng, chiều, cô Mỹ dạy các lớp thể dục aerobic, dưỡng sinh cho các chị em có nhu cầu. Không những dạy miễn phí, cô còn điểm danh mỗi ngày để khen thưởng cho người tham gia đều đặn, nhằm khuyến khích người dân có thói quen tập thể dục, nâng cao sức khỏe. Ngoài ra, ba buổi chiều trong tuần, cô còn dành thời gian cùng đội múa (6 - 8 người) tập luyện để phục vụ các hoạt động tại địa phương và trung tâm văn hóa huyện. Cô Mỹ cho biết, trước khi về hưu vào năm 2014, cô không có chuyên môn gì về nhảy múa ngoài những hiểu biết căn bản được học hồi còn trẻ. Sau khi nghỉ hưu, cô tự thành lập các nhóm tập, tự lên ý tưởng, biên đạo rồi tự tin dần trong vai trò giáo viên. Để giúp chị em thoát khỏi định kiến “lớn tuổi rồi mà còn hò, hát, nhảy múa” và hướng đến một cuộc sống năng động, tích cực, cô Mỹ đã “làm gương” khi xuất hiện nhiều hơn và trẻ trung hơn.

Từ năm 2019, không chỉ bận rộn với các lớp thể dục, văn nghệ và các hoạt động của khu phố, cô Mỹ còn vận động một số chị em trong nhóm sinh hoạt chung để thành lập nhóm Thiện Tâm tự nguyện. Các thành viên trong nhóm đã đóng góp theo khả năng, mỗi tháng trao 10 - 20 phần quà cho các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, những người có hoàn cảnh khó khăn. Hơn hai năm qua, cô đã cùng chị em trong nhóm vận động trao tặng hơn 500 phần quà với tổng kinh phí trên 250 triệu đồng. 

Nguyệt Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI